Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù

06:54, 14/01/2025
Du khách trải nghiệm du lịch homestay tại Vĩnh Long. Ảnh: TẤN TÂN
Du khách trải nghiệm du lịch homestay tại Vĩnh Long. Ảnh: TẤN TÂN

Vĩnh Long tiếp tục phát huy thế mạnh các sản phẩm hiện có, các sản phẩm thế mạnh truyền thống; bên cạnh định hướng, xây dựng những tour tuyến mới, những tiềm năng trở thành những sản phẩm thực chất đưa vào thị trường khai thác trong tương lai. 


Theo đó, du lịch Vĩnh Long định hướng xây dựng và phát triển 4 loại hình du lịch đặc thù, gồm: du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề và du lịch văn hóa. 


Homestay và trải nghiệm nông nghiệp 


Đây là sản phẩm chủ lực của tỉnh, thời gian qua, Sở Văn hóa-TT-DL đã phối hợp các ngành và địa phương tích cực vận động các cơ sở homestay toàn tỉnh giữ vững chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách. Đến nay, homestay tỉnh Vĩnh Long 3 lần đạt công nhận đạt chuẩn ASEAN, nhiều nhất khu vực phía Nam. Đó là minh chứng cho chất lượng dịch vụ nổi trội của sản phẩm này mà các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL chưa có được. 


Năm 2023, có 2 điểm du lịch ở khu vực nông thôn đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch ưa thích (điểm du lịch Nhà dừa CocoHome, huyện Long Hồ; điểm du lịch Somo Farm, huyện Mang Thít). Sản phẩm du lịch homestay dần dần lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh như TX Bình Minh và các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và gần đây là các huyện Tam Bình, huyện Mang Thít, từng bước gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các vùng quê trên địa bàn tỉnh.


Các tỉnh trong khu vực đã phát triển mạnh mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp, bên cạnh kết hợp homestay và nông nghiệp khá độc đáo. Vĩnh Long có năng lực phát triển 2 thế mạnh đặc thù này nhưng chưa có nhiều nơi tạo nên thế mạnh phối hợp, ngoài điểm du lịch Somo Farm nhưng chưa rõ nét lắm. 

Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch Vĩnh Long trong khu vực ĐBSCL.
Xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ trở thành điểm nhấn của du lịch Vĩnh Long trong khu vực ĐBSCL.

Trong năm 2023 và 2024, Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp với Sở Nông nghiệp-PTNT, triển khai hỗ trợ điểm giới thiệu sản phẩm OCOP tại 6 điểm du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh, cụ thể năm 2023 hỗ trợ Nhà dừa CocoHome, Bến cảng hành khách Vĩnh Long, Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; năm 2024 hỗ trợ điểm du lịch Vinh Sang, Khách sạn Phước Thành IV, Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Việc triển khai mô hình đạt kết quả bước đầu, nhằm góp phần gắn kết ngành nông nghiệp với du lịch, vừa đảm bảo tiêu chí phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vừa đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của khách du lịch khi đến tham quan Vĩnh Long. 


Du lịch di sản văn hóa làng nghề


Năm 2023, Sở Nông nghiệp-PTNT đã kết hợp với Sở Văn hóa-TT-DL và địa phương khảo sát 5 làng nghề nông thôn gắn với phát triển du lịch nông thôn nhằm nắm tình hình hoạt động, từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP “Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” theo nội dung của Kế hoạch số 2488/QĐ-UBND, ngày 30/11/2022 của UBND tỉnh.

Qua khảo sát, hiện nay làng nghề sản xuất gạch, gốm Mang Thít, nghề truyền thống sản xuất tàu hủ ky Bình Minh và làng nghề bánh tráng cù lao Mây đang được các cơ sở kinh doanh lữ hành quan tâm, đưa vào tour, tuyến phục vụ khách du lịch. 

Về triển khai Đề án di sản đương đại Mang Thít: Ngày 20/12/2021, Sở Văn hóa-TT-DL tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3502/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Tỉnh tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền tập trung ra dân, qua đó đề án nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Ngày 14/12/2022, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.

Qua triển khai nghị quyết giúp người dân được hỗ trợ, bảo tồn lò gạch. Ngày 10/7/2024, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 175/NQ-HĐND thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045.

Hiện nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu vùng lõi. Khi hoàn thành quy hoạch phân khu, với sự quan tâm của các nhà đầu tư thì nơi đây sẽ là điểm đến thu hút khách du lịch, không thể bỏ qua khi đến du lịch Vĩnh Long. 

Hát bội- sản phẩm độc đáo của du lịch Vĩnh Long.
Hát bội- sản phẩm độc đáo của du lịch Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, Vĩnh Long tập trung quảng bá, giới thiệu câu chuyện điểm đến của các di tích độc bản, 6 điểm du lịch đã được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là những điểm du lịch tiêu biểu của vùng trên địa bàn tỉnh, định hướng kết hợp phát huy giá trị di sản phi vật thể quốc gia như: Lễ hội Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Lễ hội Văn Thánh miếu, Nghệ thuật Hát bội Vĩnh Long trong chương trình du lịch Vĩnh Long.

Xây dựng và tập trung hoàn thiện sản phẩm du lịch tuyến sông Long Hồ gắn kết các điểm: chợ Vĩnh Long, Minh Hương Hội quán, Thất Phủ miếu, Văn Thánh miếu, đình Long Thanh, đình Long Hồ, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, xóm nghề chằm nón, đan rổ- rế, nhà gốm Tư Buôi, làng nghề gạch, gốm Mang Thít để giới thiệu đến du khách tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách ngày một tốt hơn. 

v
Văn Thánh miếu- niềm tự hào của người dân Vĩnh Long. 
 

Phát động tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực hưởng ứng tham gia chương trình du lịch nội địa “Người Vĩnh Long đi du lịch Vĩnh Long”, đặc biệt là tổ chức các chương trình du lịch về nguồn tham quan các di tích văn hóa lịch sử, tìm hiểu cuộc đời thân thế sự nghiệp của các danh nhân nổi bật của tỉnh. Nâng cao chất lượng điểm đến, di tích trên địa bàn tỉnh hướng đến công nhận điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL.

Bên cạnh dòng sản phẩm truyền thống đã có tuổi đời lâu năm là homestay, Vĩnh Long hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thế mạnh du lịch di sản văn hóa làng nghề, đó là sự kết hợp giữa hai dòng sản phẩm đặc thù là làng nghề và văn hóa. Các chuyên gia du lịch, các hãng lữ hành từ lâu cũng đã xác định Vĩnh Long có thế mạnh phát triển các tour chuyên đề chiều sâu văn hóa, có thể thiết kế các chương trình trải nghiệm níu giữ khách lưu lại dài ngày hơn bởi những thế mạnh đặc thù mà các địa phương khác không thể có được.
 
 Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG 
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh