Kênh Thầy Cai huyền thoại gắn với làng nghề di sản trăm năm. |
Đi qua bao nốt thăng trầm, nghề gạch, gốm đỏ Vĩnh Long được gìn giữ, kế thừa đồng thời đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn, đầy triển vọng ngành công nghiệp không khói của “vương quốc đỏ”. Phía sau những mẻ gạch ấm hơi đất, sắc gốm đỏ mỹ miều là câu chuyện về tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm của bao thế hệ để “ngọn lửa” đó mãi bùng cháy.
Thấy đọt khói là lò vẫn cháy
Theo dòng sông Bình Hòa (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) có nhiều ngả ra TT Cái Nhum, qua kênh Thầy Cai hoặc ngược vào ngã ba sông Lưu- nơi từng có “chợ người” trên sông rất sôi động và vô cùng nhộn nhịp cung ứng lao động vác gạch cho các ghe từ nơi khác vào vùng Bà Nữ mua gạch, ngói.
Chúng tôi nhìn đọt khói tìm đến nhà anh Lưu Văn Long (thường gọi Ba Sành, ở ấp Bình Hòa 1, xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít). Gia đình anh Ba Sành gần 30 năm làm gạch, trong khi cả xóm, anh em, dâu rể của anh cũng sống nhờ lò gạch, chạy ghe chở đất mê, mua trấu từ nơi khác đổ cho các lò làm nguyên liệu, chất đốt… kiếm bộn tiền.
“Mười mấy năm trước, đường sông tấp nập như quốc lộ, tàu ghe ngày đêm không ngớt”- nhìn dòng sông êm ả trước nhà, những dãy lò gạch đã tắt lửa từ lâu, anh Ba Sành bùi ngùi nhớ lại.
Đó là những năm 2000, nhìn thấy ngoài kênh Thầy Cai ăn nên làm ra, người trong xóm bắt chước “thậm chí còn chưa biết đốt, nung ra sao. Mà thấy người ta làm bắt ham, ai cũng chạy theo. Có mặt bằng là lên lò”- anh Ba Sành kể chuyện hồi đó. Còn bây giờ, 2 lò của gia đình anh chỉ đốt cầm chừng 1 lò, không còn cảnh tranh mua tranh bán, gạch ra lò chất ở sân, ai cần tới mua, chừng hết mới vào mẻ khác.
Sản phẩm gốm đỏ hình thành từ bàn tay khéo léo, chăm chút của người thợ cần mẫn. |
Dù tự tin chất lượng gạch của mình “người biết xài mê lắm” bởi chủ lò phải lựa từng mê đất, lên màu đẹp. Nhưng trước sức ép cạnh tranh thị trường cùng với yêu cầu sản xuất ít ô nhiễm, thân thiện môi trường, anh Ba Sành mong muốn chuyển đổi ngành nghề phù hợp, những lò gạch sẽ thay đổi công năng đem lại nguồn thu nhập tốt và trở thành điểm đến xanh cho du khách. Cùng nhiều bà con khu vực này, anh đã đồng ý giữ lò nguyên trạng theo Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.
Bên cạnh Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”, tỉnh đã có đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít đến năm 2045 với diện tích khoảng 3.060ha thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh thuộc huyện Mang Thít. Ngoài ra, định hướng vùng đệm của Khu lò gạch, gốm Mang Thít khoảng 5.000ha thuộc 2 xã An Phước và Chánh An.
Định hướng phát triển không gian tổng thể của đồ án, trung tâm là vùng lõi dọc kênh Thầy Cai, các khu trung tâm gắn với các trục đường chính ĐT902, ĐT909, ĐT907 nối kết kênh Thầy Cai đến trung tâm TP Vĩnh Long và trung tâm các huyện Mang Thít, Long Hồ, Vũng Liêm và huyện Chợ Lách (Bến Tre); phát triển các cụm dân cư phía Tây và phía Đông Nam tạo thành vùng đệm sinh thái nông nghiệp bao quanh khu vùng lõi.
Trao quyền đổi mới, sáng tạo cho thế hệ tiếp nối
Trải qua bao thăng trầm cùng yêu cầu thời đại, từ hơn 3.000 miệng lò hoạt động xuyên suốt thì hiện nay số lò gạch, gốm chỉ còn 1/3. Nhưng cũng chính thời gian đã chắt lọc nên dấu ấn văn hóa đặc sắc trong từng sản phẩm gạch, gốm đỏ. Ngọn lửa yêu nghề truyền tay qua nhiều thế hệ.
Tuổi thơ gắn liền với hơi thở của đất, không khí ấm nóng của lò gạch, anh Trần Quốc Sơn- Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Hiệp Lợi 3 (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ), chia sẻ: “Tôi từng theo ba vọc đất làm ra viên gạch đỏ. Ba tôi rất tâm huyết với nghề, nên tôi cũng quyết tâm học hỏi”.
Với anh Sơn, nhận xét của chú, bác trong nghề “tui thấy thằng Sơn được à nghen” khi được ba giao xưởng gốm, như một sự khích lệ, động viên lớn. Từ đó, cùng đam mê, chàng trai làng nghề thế hệ thứ 3 áp dụng công nghệ, tạo thêm nhiều mẫu mã, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm… Anh Sơn khoe “doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước”, như một sự ghi nhận cho nỗ lực đồng thời đã “cải tiến nhiều lắm” từ khi tiếp quản nghề của gia đình.
Sản phẩm gốm mỹ nghệ ngày càng đa dạng, "vừa tay" khác du lịch |
Trân trọng nghề truyền thống gia đình, được thế hệ đi trước tin tưởng và trao quyền, người đi sau mạnh dạn sáng tạo, thổi làn gió mới đưa sản phẩm làng nghề lên tầm cao mới. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc thay thế nhiều công đoạn thủ công, anh Tào Lê Hoàng Dũng- đại diện của Công ty TNHH MTV Nam Hiệp Hưng, sáng tạo thêm mẫu mã, đồng thời ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, góp phần đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước.
Trong khi đó, chị Đoàn Thị Ngọc Diệp- Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Thanh Đức, chia sẻ: “Kế nghiệp gia đình giúp tôi có được nền tảng, kinh nghiệm từ thế hệ trước. Tôi không chỉ tiếp thu cái sẵn có, mà còn vận dụng thêm các kiến thức, kỹ năng mới, đáp ứng được các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đưa sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long ngày càng vươn xa”.
Nhưng không phải “cuộc chuyển giao” nào cũng xuôi chèo mát mái. Nói như một giám đốc thế hệ làm gốm thứ 4: “Khoảng cách thế hệ, dĩ nhiên tôi và ba không tránh khỏi bất đồng quan điểm. Những lúc như vậy, chúng tôi sẽ ngồi lại bàn bạc cùng nhau để tìm ra hướng giải quyết phù hợp. Trước làm ra chỉ đơn giản sản phẩm gốm đỏ, bây giờ phải nghiên cứu thị hiếu khách hàng, sáng tạo nhiều mẫu mã, màu sắc đa dạng, sản phẩm gốm cũng phải biến hóa hơn”.
Mở đường cho “ngành công nghiệp không khói”
Với vị trí địa lý thuận lợi có tính kết nối cao, cùng với việc định hướng phát triển thêm các dịch vụ nhà hàng, homestay, cùng với định hướng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch… đang mở đường cho “ngành công nghiệp không khói” của làng nghề gạch gốm trong tương lai gần.
Trong khi đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhạy bén đã nhanh chóng “phải làm gì đó” để không lãng phí một chất liệu quý, sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Long, có tiềm năng để khai thác các tour du lịch trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước. “Tôi thiết kế tour “vương quốc đỏ”, không chỉ giúp quảng bá về vùng di sản, mà còn để người làng nghề thấy được tương lai tươi sáng khi họ có thể tận dụng lò gạch làm du lịch”- bà Phạm Thị Ngọc Trinh- Phó Giám đốc Công ty Du lịch Mekong Travel cho biết.
Vĩnh Long kỳ vọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ngành nghề truyền thống gạch, gốm đỏ. |
Để đưa tour “vương quốc đỏ” vào bản đồ du lịch của du khách quốc tế, chị Trinh phải thuộc làu từng con kênh, con rạch dẫn đến lò gạch nào cổ kính nhất, lò gạch nào có góc check-in ấn tượng, đưa du khách len lỏi dưới từng trại phơi gạch, chiêm ngưỡng không gian huyền bí bên trong những mái lò, trải nghiệm đắp nặn nên sản phẩm gốm đỏ.
“Dọc tuyến kinh Thầy Cai với những lò gạch cổ kính, nhà xưởng, sân phơi gạch… tự bản thân nó đã là một bức tranh hoàn chỉnh. Đến đây du khách luôn phải trầm trồ, bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, rêu phong của những lò gạch. Du khách càng thích thú hơn khi được tham gia quy trình sản xuất tại những lò gạch đang đỏ lửa, chụp ảnh bên những lò gạch cũ”- chị Trinh chia sẻ và tin rằng, với sự đồng lòng và hỗ trợ từ các cấp, ngành địa phương cùng cộng đồng, làng nghề gạch, gốm đỏ Vĩnh Long sẽ không ngừng phát triển và trở thành điểm đến hấp dẫn, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo.
Trong khi đó, không bỏ ngỏ thị trường đồ lưu niệm, quà tặng du lịch đầy tiềm năng, bên trong điểm du lịch Nhà dừa CocoHome (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) có 1 gian nhà trưng bày hàng chục sản phẩm OCOP địa phương và kệ tác phẩm gốm mỹ nghệ bắt mắt…
Và còn rất nhiều, những người vì yêu thích truyền thống tham gia giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy theo cách riêng. Họ tiếp tục “nung nấu” thêm nét đẹp hiện đại cho ngành nghề di sản này thông qua việc xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù. Chính tình yêu, sức sáng tạo, nhiệt huyết của bao thế hệ đã giữ ngọn lửa và mở đường cho làng nghề, sản phẩm gạch gốm đỏ bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin