Thương lắm nồi bánh tét ngày Tết

12:56, 27/01/2025

 

Hình dáng của bánh tét tượng trưng cho sự trường thọ, may mắn và sung túc, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Hình dáng của bánh tét tượng trưng cho sự trường thọ, may mắn và sung túc, cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.

Không biết từ khi nào, hình ảnh gia đình, hàng xóm, bạn bè quây quần ngồi với nhau để gói từng cái bánh tét, tiếng cười nói rộn rã chờ nồi bánh tét chín vào mỗi dịp Tết đên đã in sâu vào ký ức của nhiều người. Đó không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn là một nét truyền thống quý giá của người dân Nam Bộ…


Truyền thống gói bánh tét ngày Tết của Nam Bộ là một nét đẹp văn hóa đặc trưng, mang đậm dấu ấn quê hương và tinh thần sum họp gia đình. Vào những ngày cận Tết, các gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị nguyên liệu và cùng gói bánh tét, tạo nên không khí ấm cúng, vui tươi. Bánh tét được làm từ nếp dẻo, đậu xanh, chuối, thịt mỡ… và được gói khéo léo trong lá chuối. Hình dáng trụ dài của bánh tượng trưng cho sự trường thọ, may mắn và sung túc. Thường người dân sẽ làm 2 loại bánh chay và mặn vào dịp này. 


Thích nhất là sau khi gói xong, bánh được nấu trong nồi nước lớn suốt nhiều giờ, mùi thơm nồng nàn lan tỏa. Bánh tét không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn tổ tiên và mong ước cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Truyền thống này là sợi dây gắn kết các thế hệ trong gia đình và giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Nam Bộ.


Tôi còn nhớ, cảnh quây quần nấu bánh tét những ngày cận Tết luôn mang đến cảm giác ấm áp và rộn ràng. Trong khoảng sân trước nhà, một nồi lớn đầy bánh tét được đặt trên bếp củi lửa đỏ rực. Khói bếp tỏa lên nghi ngút, mang theo mùi thơm nhẹ của lá chuối và nếp mới, khiến không khí trở nên thân thuộc và yên bình. Có lẽ, nồi bánh tét được nấu với bếp củi là ngon nhất bởi có sự hoà quyện của nhiều “nguyên liệu” tự nhiên, kết hợp với những làn khói của củi, những tiếng “xèo xèo” của cây củi ướt, hay tiếng nổ “lốp bốp” của cây củi khổ đã góp phần cho những chiếc bánh càng thêm thơm nồng, ngòn ngọt…


Xung quanh bếp, các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa canh lửa. Người lớn cẩn thận tiếp thêm củi, chụm củi đều tay, trong khi trẻ con chạy nhảy vui đùa hoặc tò mò nhìn nồi bánh, thèm thuồng. Tiếng cười nói rộn rã xen lẫn với những âm thanh của bếp lửa đang cháy, tiếng con nhái bầu ngoài hiên nhà, tiếng dế kêu rộn rã đã tạo nên một bức tranh đậm chất quê, mang đầy hơi thở của “hương đồng gió nội”. 


Cũng có đôi khi, ông bà kể lại những câu chuyện xưa, cha mẹ dạy con cháu cách phân biệt bánh chín hay chưa, tất cả đều góp phần tạo nên kỷ niệm đẹp trong lòng mỗi người. Khoảnh khắc quây quần bên nồi bánh tét không chỉ là công việc chuẩn bị Tết mà còn là dịp để gia đình thêm gắn kết, truyền lại những giá trị truyền thống thiêng liêng…


Tôi còn nhớ ông bà thường nói, nấu bánh tét không chỉ đơn thuần là một công việc chuẩn bị cho ngày Tết mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về văn hóa, tinh thần và tình cảm gia đình. Bánh tét là biểu tượng của sự đoàn tụ và sum họp, bởi quá trình gói và nấu bánh luôn có sự tham gia của nhiều thế hệ trong gia đình. Cả nhà quây quần bên nhau, cùng gói bánh, canh lửa và chia sẻ những câu chuyện, tạo nên không khí ấm áp và gắn kết yêu thương sau một năm làm việc vất vả.


Hơn nữa, việc cúng bánh tét còn mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên bởi bánh dâng lên bàn thờ vào dịp Tết để cảm ơn và cầu mong một năm mới bình an, no đủ và hạnh phúc, nguyện mong cho tương lai gia đình mãi sung túc, an lành… Qua đó, truyền thống nấu bánh tét ngày Tết không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa mà còn giúp gắn bó các thành viên trong gia đình, duy trì và phát huy bản sắc dân tộc hơn trong thời đại mới.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY
 

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh