Đảng, Nhà nước luôn khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: TẤN TÂN |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có buổi đối thoại với nông dân (ND) cả nước. Người đứng đầu Chính phủ cho biết cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân ND, các HTX, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (NN), ND, nông thôn (NT) đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, nhất là trong lĩnh vực NN có thành tích rất ấn tượng, xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của NN, ND, NT trong sự phát triển chung của đất nước.
Với khoảng 4.500 đại biểu, trong đó khoảng 2.000 ND, HTX dự đối thoại, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần tri ân, tương tác, chia sẻ, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025.
Theo Thủ tướng, năm 2025 phải tăng tốc, bứt phá để kết thúc thắng lợi nhiệm kỳ Đại hội XIII, ngành NN-PTNT, nỗ lực của người ND cũng phải tăng tốc, bứt phá, nhất là khi chúng ta phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội đã đề ra để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới.
“Kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển”
Là một trong những đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính Phủ, bà Hoàng Thị Gái (huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) nhắc đến cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành NN, nhiều ND bị thiệt hại hàng tỷ đồng. Qua đây, bà cho rằng: Nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất NN sau thiên tai, dịch bệnh không còn phù hợp với thực tế, cụ thể Nghị định 2/22017/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ rủi ro thiên tai, quy định mức hỗ trợ tối đa cho 1ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% là 2 triệu đồng. Nếu chia bình quân ra chỉ được 75.000 đ/sào. “Chính phủ đã và sẽ có những chỉ đạo gì để các ngân hàng thương mại giãn, hoãn các khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới để ND kịp thời khôi phục sản xuất”- bà Gái hỏi.
“Sau thiên tai, ND chúng tôi mới thấy, bảo hiểm (BH) NN là hết sức cần thiết, nhất là đối với những hộ sản xuất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ BHNN còn nhiều khó khăn”- bà Gái thông tin và đặt vấn đề: Chính phủ sẽ có những chính sách gì để khắc phục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên?
Cho hay “ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giãn, hoãn các khoản nợ đến hạn, khoản lãi đến hạn phải trả để hỗ trợ ND”- ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: Chính sách thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhưng việc thực hiện là ở các bộ, ngành và UBND các tỉnh phối hợp để thực hiện. Đây là chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ bà con. Hiện có 8 chính sách ưu đãi dành cho ND, NT.
Ngay sau bão Yagi, Thủ tướng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xuống ngay Hải Phòng, Quảng Ninh khảo sát thực tế và chỉ mấy ngày sau Chính phủ đã có nghị quyết về chính sách tín dụng, BHNN. “Sau bão chúng ta mới thấy BHNN rất quan trọng. Theo đó, các bộ ngành cần phải nghiên cứu để đưa ra chính sách BHNN đạt hiệu quả và đi vào cuộc sống, thực tế giúp ND”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
“Hiện nay mức đầu tư cho NN còn rất hạn chế”- chuyên gia NN Hoàng Trọng Thủy nhận định và kiến nghị: Chính phủ cần tăng mức đầu tư cho NN giai đoạn tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2020-2024. Mức đầu tư này nên ưu tiên phát triển công nghệ trong sản xuất hiện đại và đảm bảo môi trường xanh để phát triển bền vững.
“Từ bài học thắng lợi nhiều năm qua của ngành NN, các doanh nghiệp, HTX rất cần hệ sinh thái NN bền vững để phù hợp với sự phát triển chung của toàn cầu”- ông Hoàng Trọng Thủy đề xuất.
Về đầu tư cho NN, Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Do nguồn lực Nhà nước có hạn nên phải có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đồng thời, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển, như thông qua hợp tác công tư.
“Tăng đầu tư gấp đôi cho NN, NT không có nghĩa là chỉ có đầu tư Nhà nước mà phải có cả đầu tư tư nhân”- Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết: Đảng, Nhà nước xác định thể chế là đột phá của đột phá, trong đó phải sửa Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, dứt khoát cắt giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết với tinh thần xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Chia sẻ thêm về phát triển hệ sinh thái NN bền vững, Thủ tướng cho biết đây là xu thế, như các nước châu Âu đã yêu cầu các tiêu chuẩn sản xuất xanh với các sản phẩm nhập khẩu, các doanh nghiệp và người ND cũng phải nâng cao ý thức để thực hiện.
“Cần tiếp tục hiến kế cơ chế, chính sách để thúc đẩy nông nghiệp xanh”
Giải đáp thêm các câu hỏi của ND, về sản xuất xanh, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cần tiếp tục hiến kế cơ chế, chính sách để thúc đẩy NN xanh, cung cấp các sản phẩm mà khách hàng cần chứ không phải cái mà mình có, như thế hiệu quả sẽ cao hơn.
Theo Thủ tướng, muốn phát triển sản xuất NN thì phải làm mấy việc. Trước hết là phải xây dựng thương hiệu và đầu tư chế biến sâu. Theo đó, cần xây dựng thương hiệu, tìm hiểu, dự báo thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng mẫu mã, bao bì, có nguồn vốn với chính sách tín dụng rất linh hoạt từ ngân hàng… Khi tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, khi nhiệm vụ thay đổi thì chính sách phải thay đổi, Nhà nước phải xây dựng chính sách nhưng người ND phải góp ý, đồng thời Nhà nước xây dựng hạ tầng chiến lược…
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá buổi đối thoại đã thể hiện sự đồng lòng, nhất trí với tình cảm dành cho NN, NT, ND. Thủ tướng cho biết năm 2024, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân và doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng ta dự kiến đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu.
Trong thành tựu chung của cả nước, ngành NN-PTNT, người ND đóng góp rất quan trọng. Nổi bật là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự kiến vượt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so năm 2023 (đạt kỷ lục); thặng dư thương mại đạt 17,9 tỷ USD, chiếm 72% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; các mặt hàng nông sản Việt Nam có mặt tại 190 nước trên thế giới.
Trong các cân đối lớn của nền kinh tế, chúng ta không chỉ làm đủ ăn mà còn đạt thặng dư cao, xuất khẩu trên 9 triệu tấn gạo, mang về 5 tỷ USD, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới. NN vẫn phát huy vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế.
Ngành nông nghiệp-PTNT và nông dân cần tăng tốc, bứt phá để tạo đà, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số những năm tới. Ảnh: NGỌC LIỄU |
Những thành tựu, kết quả này đã góp phần khẳng định tính đúng đắn của chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển NN hiện đại, xây dựng NT hiện đại, ND văn minh- đây là khát vọng rất lớn, là tinh thần tự hào dân tộc mà chúng ta phải thực hiện, khó mấy cũng phải làm.
“Chúng ta phải đạt mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 100 tỷ USD trong những năm tới”- Thủ tướng phát biểu và trân trọng cảm ơn đóng góp của ngành NN-PTNT, của ND với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.
Trước khi diễn ra hội nghị, Trung ương Hội ND Việt Nam đã tổ chức nhiều kênh tiếp nhận câu hỏi, ý kiến, đề xuất của ND, HTX, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NN, NT. Qua đó đã có gần 3.000 câu hỏi, ý kiến, đề xuất được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực NN, ND, NT. |
XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin