Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn (XNM) mùa khô năm 2024-2025 đến sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Hoàng Giang- Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, về vấn đề này.
Ông Trương Hoàng Giang. |
* Xin ông cho biết về dự báo xu hướng thiên tai đầu năm 2025 tại ĐBSCL nói chung và tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng?
- Xu hướng thiên tai tại ĐBSCL nói chung và tại tỉnh ta nói riêng đa số có nguồn gốc khí tượng thủy văn phổ biến chung vẫn là giông lốc, mưa trái mùa, thiếu nước ngọt, ngập lụt do triều cường gây vỡ bờ bao, XNM và đặc biệt do tình trạng giảm mực nước ngầm gây sụt lún đất, sạt lở bờ sông.
* Từ thực trạng tác động của XNM trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về đợt hạn mặn mùa khô năm nay?
- Hiện tại mực nước tại các trạm thượng nguồn sông Mekong đang ở mức tương đương đến thấp hơn cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt là ở Biển Hồ, mực nước thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ khoảng 30cm. Đây là sự thiếu hụt tương đối nhiều khi mới vào đầu mùa khô, xu thế gió mùa Đông Bắc trong thời gian tới sẽ tăng cường hoạt động mạnh. Tóm lại là lượng nước thượng nguồn thiếu hụt so với cùng kỳ làm giảm khả năng ngăn mặn, kèm theo đó thủy triều mạnh làm tăng khả năng dẫn truyền mặn vào sâu trong nội đồng và duy trì lâu hơn bình thường. Ngày 28-30/12/2024 tại cống Nàng Âm đã ghi nhận độ mặn cao nhất đạt 4,6‰, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Tại Biển Hồ (Campuchia) mực nước hiện tại đang thấp hơn cùng kỳ khoảng 30cm và xu hướng tiếp tục xuống thấp trong thời gian tới. Trong ảnh: Trạm đo mực nước tại Biển Hồ (Campuchia). |
* Theo dự báo, năm 2025 XNM sẽ cao và sâu hơn so với năm 2024. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn mặn lần này là do đâu?
- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến XNM trên địa bàn tỉnh năm nay được dự báo cao hơn năm 2024.
Một là: mực nước tại các trạm thượng nguồn trên lưu vực sông Mekong hiện nay đang ở mức bằng hoặc nhỏ hơn trung bình nhiều năm và so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt là tại Biển Hồ (Campuchia) mực nước hiện tại đang thấp hơn cùng kỳ khoảng 30cm và xu hướng tiếp tục xuống thấp trong thời gian tới. Điều này làm cho mực nước trên các sông ở ĐBSCL xuống thấp, không đủ để ngăn, đẩy mặn xâm nhập vào sâu trong nội địa.
Hai là: lượng phù sa về đồng bằng những năm gần đây giảm nhanh, tình trạng khai thác cát nhiều làm cho lòng sông hạ thấp, rất thuận lợi để thủy triều đưa nước mặn xâm nhập vào đất liền.
Ba là: xu thế gió mùa năm nay dự báo hoạt động mạnh, triều cường cao, các địa phương ven biển sẽ vận hành hệ thống cống ngăn triều/mặn làm mất đi sự điều tiết tự nhiên theo địa hình, làm cho mặn theo triều xâm nhập và khuếch tán sâu vào nội đồng.
Bốn là: trên địa bàn chủ yếu là hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa kịp thời thích ứng với hiện trạng thiếu nước ngọt và XNM, nhu cầu sử dụng nước nhiều cũng góp phần làm tăng nguy cơ XNM.
* Dự báo thời gian tới tình hình hạn mặn sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi dự báo trong mùa khô năm nay sẽ còn 2 đợt triều cao là kỳ triều Tết Nguyên đán và Mùng 1 tháng 2 âl kèm theo đó là XNM với ranh giới 4‰ ở vàm Quới An trên sông Măng Thít, tương tự trên sông Trà Ôn tại Tích Thiện cũng sẽ đạt ngưỡng 4‰. Với ngưỡng mặn này thì khả năng xâm nhập sâu vào các sông trong nội đồng sẽ cao.
* Vậy các giải pháp đặt ra cần thực hiện trong thời gian tới để ứng phó với hạn mặn là gì, thưa ông? Đối với ứng phó hạn mặn thì công tác dự báo rất quan trọng và làm sao để những thông tin dự báo của các địa phương đến với nông dân nhanh nhất, chính xác nhất, từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời. Vấn đề này sẽ được ngành tiếp tục thực hiện ra sao, thưa ông?
- Hạn, mặn sẽ là xu thế thường xuyên diễn ra vào mùa khô trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là trong những năm gần đây, các ban, ngành của tỉnh đã xây dựng các kịch bản ứng phó đối với các kịch bản XNM theo thang mặn và chiều sâu XNM. Do đó, các địa phương sẽ không bị bất ngờ khi địa bàn mình xảy ra XNM.
Công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, dân sinh. |
Về phía cơ quan chúng tôi xác định công tác dự báo, cảnh báo thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đặc biệt là công tác dự báo XNM, để hoàn thành nhiệm vụ này chúng tôi thường xuyên đúc kết kinh nghiệm từ công tác dự báo của các năm trước, nắm bắt tình hình hoạt động của các hệ thống thủy lợi của các tỉnh ven biển, chủ động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công cụ dự báo, tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm quan trắc tại các vị trí quan trọng, tiến hành quan trắc lưu động để xác định ranh giới XNM, từ đó kịp thời ra các bản tin dự báo, cảnh báo có chất lượng, thông qua tất cả các kênh truyền thông gửi đến các cơ quan chức năng và người dân một cách nhanh nhất có thể, tiếp cận nhiều đối tượng người dùng.
* Xin cảm ơn ông!
THẢO LY (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin