Long Hồ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững

07:28, 02/01/2025
Nhiều mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, huyện Long Hồ đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp (NN) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Trong đó, chú trọng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, nhận rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.


Nhiều kết quả tích cực


Xác định phát triển kinh tế NN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, huyện Long Hồ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp… Qua đó, thu được hiệu quả tích cực.


Có mô hình trồng dừa xiêm xanh cho hiệu quả kinh tế cao nhiều năm nay, anh Nguyễn Thanh Tâm (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ) cho biết: “Từ mong muốn có mô hình để phát triển kinh tế gia đình và thấy cây dừa có tiềm năng phát triển về lâu dài, tôi đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp để trồng dừa. Hiện, tôi đã mở rộng diện tích trồng dừa lên 10ha, đồng thời, đưa giống cho người dân địa phương trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và thu mua lại. Giống dừa này cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định, sắp tới tôi sẽ mở rộng hơn nữa”. 


Song song đó, theo ngành NN, các HTX trong huyện cũng đã áp dụng khá phổ biến cơ giới hóa trong NN để giảm công sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất bằng việc sử dụng các loại máy móc hiện đại. Nhờ đó, năng suất, sản lượng, giá trị nông sản của huyện ngày càng được nâng cao.


Bà Nguyễn Thị Minh Yến- Giám đốc HTX NN Hậu Thành (xã Long An, huyện Long Hồ) cho biết: HTX áp dụng trên 90% cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Nông dân đã ứng dụng công nghệ cao khi sạ giống, phun thuốc, bón phân… nhờ đó, giảm được chi phí nhân công, nâng cao lợi nhuận. “Trước đây, nông dân quen với tập quán sản xuất lúa sử dụng nhiều giống, phân bón và thuốc hóa học thì từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn hữu cơ chất lượng cao của HTX, nông dân đã dần thay đổi tập quán sản xuất. Qua đó, không chỉ giúp đầu ra được bảo đảm mà chất lượng lúa, giá bán cũng cao hơn trước”- bà Yến cho hay.


Ông Hồ Thế Nhu- Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Long Hồ, cho biết: Trong năm 2024, được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên nên công tác triển khai thực hiện đạt hiệu quả, các mô hình sản xuất theo kế hoạch cơ cấu lại ngành NN tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, từ đó giá trị sản xuất tăng 2,39% so cùng kỳ.


Cụ thể, trong năm đã có gần 60ha đất chuyển đổi (từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm gần 42ha; cây lâu năm trên 16,6ha). Diện tích cải tạo vườn kém hiệu quả được gần 33ha sang trồng có hiệu quả, cấp 4 mã số vùng trồng với gần 77ha và đề nghị cấp mới 16 mã số vùng trồng (trên 530ha); đến nay huyện đã cấp 28 mã số vùng trồng (trên 520ha) và đề nghị cấp mới 22 mã số vùng trồng (trên 680ha). 


Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai các mô hình sản xuất NN như ứng dụng tiến bộ canh tác lúa giảm khí thải CO2 vụ Hè Thu năm 2024 (tăng trưởng xanh) tại 2 xã Long Phước và Long An với 66,35 ha/60 hộ, vụ Thu Đông 53,2ha (2 xã Lộc Hòa và Hòa Phú); mô hình IPHM trên cây ăn trái ở xã Đồng Phú 13,9 ha/30 hộ; mô hình trình diễn sử dụng phân bón hữu cơ Bioway công nghệ USA của Công ty CP Phân bón Bioway Hitech với 4,7ha tại các xã Phước Hậu, Phú Đức và Phú Quới...


Nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp


Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất NN thời gian qua là cơ sở cho ngành NN định hướng, xác định rõ mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất trong những năm tới.

Theo đó, cơ cấu lại ngành NN của huyện sẽ tiếp tục được thực hiện theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa NN, phát triển sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao; tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất.


Tuy nhiên, ngành NN của huyện cũng gặp không ít khó khăn. Cụ thể, tình hình sạt lở xảy ra nhiều nơi, gây bất ổn cho đời sống và hoạt động sản xuất của người dân; một số diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển sang cây trồng khác nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong đợi; ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ có lúc có nơi còn chậm; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm từng bước được quan tâm xây dựng, quảng bá nhưng còn hạn chế, mẫu mã một số sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, sức cạnh tranh thấp…


Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch cơ cấu lại ngành NN huyện, ông Võ Trung Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, cho biết: Huyện sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành NN, phát triển NN ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện chiến lược phát triển NN, nông thôn bền vững, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025; chuyển đổi đất trồng lúa theo Nghi định số 122/2024/NĐ-CP ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển NN công nghệ cao, khuyến khích phát triển NN sạch, NN hữu cơ; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghệ chế biến; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Bên cạnh đó, tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi, thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả.

Song song đó, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, đồng thời chủ động chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông; đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi, chủ động trong điều tiết nguồn nước, ngăn mặn, lấy nước, trữ và cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh. 

Bài, ảnh: YẾN LY
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh