Hiệu quả kinh tế khá từ trồng nấm rơm

22:23, 19/01/2025

 

Trồng nấm rơm góp phần hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, giảm khí phát thải nhà kính. 
Trồng nấm rơm góp phần hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, giảm khí phát thải nhà kính. 

Theo ngành chức năng, nghề trồng nấm rơm mang lại nhiều hiệu quả, không chỉ tạo thu nhập cho nông dân, mà còn tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh cách sản xuất nấm rơm truyền thống, một số hộ dân đã mạnh dạn áp dụng giải pháp để nguyên cuộn rơm để trồng nấm nhưng vẫn đạt hiệu quả cao.


Với ưu điểm dễ trồng, thị trường tiêu thụ ổn định, tỷ lệ thu hồi vốn tương đối nhanh, thời gian qua, nhiều nông dân đã tăng cường tận dụng, thu mua rơm để làm nấm rơm, qua đó cho thu nhập khá cao. 


Nhiều nông dân trồng nấm rơm cho hay, thời gian trồng nấm rơm ngắn, từ lúc ủ rơm đến thu hái nấm là 15 ngày và nấm thu hoạch mỗi ngày, kéo dài trong vòng 10-15 ngày sẽ kết thúc vụ trồng nấm. So với trồng các loại rau màu khác, thì trồng nấm rơm cho thu nhập tốt hơn, vì nhẹ chi phí đầu tư, nhẹ công chăm sóc, chỉ cực công vài ngày trong khoảng thời gian chất rơm tạo thành dòng ủ nấm.

Xong công đoạn chất rơm, rải meo thì chỉ còn chờ đến ngày thu hoạch nấm. Nấm trồng vụ thuận không cần phải tưới nước, còn trồng vụ nghịch tưới nước 1 ngày/lần. Bên cạnh đó, để nấm đạt năng suất thì cần phải lựa chọn meo giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rơm cuộn phải đảm bảo an toàn không bị nhiễm thuốc BVTV. 


Theo một số nông dân, ưu điểm của nấm rơm có thể thu hoạch bất kỳ thời điểm nào trong ngày như lúc khuya, rạng sáng hay chiều muộn, sẵn sàng cung ứng khi có yêu cầu của khách hàng.


Tại huyện Vũng Liêm, năm 2024, có 520 hộ dân trồng nấm rơm, với diện tích ủ nấm rơm trên 2.700ha (tăng 160ha so cùng kỳ), đạt 110,6% so kế hoạch. Giá nấm tươi ổn định ở mức khá cao từ 55.000-65.000 đ/kg, nông dân có thu nhập 15-20 triệu đồng/ha.


Đang thu hoạch nấm rơm, chị Huỳnh Thị Bảy (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Trồng nấm rơm nhẹ công chăm sóc, thu nhập ổn định nên sau mỗi vụ lúa là tôi mua rơm về ủ nấm. Khâu quan trọng khi trồng nấm là phải canh nhiệt độ sao cho thích hợp, không được nóng hoặc ẩm quá sẽ làm nấm không phát triển. Ngoài việc bán nấm rơm, sau khi sản xuất nấm, tôi còn bán phân rơm với giá trung bình 3.000-4.000 đ/m phân rơm, góp phần tăng thêm lợi nhuận”.


Không chỉ ủ rơm làm nấm theo cách truyền thống, gia đình chị Lê Hồng Thới (TT Long Hồ, huyện Long Hồ) đã thử nghiệm và thành công với giải pháp trồng nấm bằng khi rơm còn nguyên cuộn. 


Chị Thới chia sẻ: Với cách làm nấm truyền thống, mỗi lần trồng nấm cần đến số lượng lớn cuộn rơm, do đó, tốn nhiều chi phí thuê mướn nhân công nên tôi đã áp dụng cách trồng nấm rơm trên trụ xoay. Áp dụng hình thức này vừa tiết kiệm được chi phí, lại đỡ nhọc công. Hơn nữa chất lượng nấm cho ra đồng đều, mẫu mã đẹp.


“Rơm khi mua về thì chất nối tiếp từng cuộn, sau đó tưới phun sương để qua đêm. Sau 3 đêm thì trở đầu lại, chất vô cây, rồi vô meo. Khoảng 10 ngày sau là có nấm. Mùa này thời tiết khá thuận lợi nên nấm trúng lắm, 1 cuộn rơm thu hoạch được khoảng 0,8-1kg nấm rơm. Thu hoạch nấm to, trắng, tươi.

Với cách làm này, nhân công giảm đi hơn phân nửa. Với quy mô hơn 1.200 cuộn rơm, những ngày qua mỗi ngày chị thu hoạch hơn 200kg nấm rơm. Từ khi sản xuất nấm bằng rơm nguyên cuộn đến nay, thu nhập ổn định hơn, từ 10-20 triệu/tháng”- chị Thới chia sẻ.


Với kỹ thuật này, chị Thới cho biết nấm thu hoạch nhiều ngày, tránh tập trung vào một vài ngày. Nấm to, trắng nên ngoài cân cho mối lái người tiêu dùng cũng rất ưa chuộng, đặc biệt là một số người còn trải nghiệm tự hái những cụm nấm mà mình ưa thích. Với hiệu quả bước đầu mang lại, mô hình trồng nấm rơm trên trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm hứa hẹn giúp nông dân tăng thêm thu nhập. Đồng thời, có thể tận dụng tối đa phần phụ phẩm trong nông nghiệp mang lại, thay vì đốt rơm sau mỗi vụ mùa.

Nông dân tận dụng rơm trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Nông dân tận dụng rơm trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.


Theo ngành chức năng, trong thời gian qua, việc nông dân đốt rơm, rạ trên đồng ruộng sẽ gây ô nhiễm môi trường không khí; tạo ra nhiều khí CO2, tăng phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, việc đốt rơm, rạ cũng làm chết các sinh vật có ích (thiên địch) trên đồng ruộng và gây lãng phí nguồn dinh dưỡng từ rơm, rạ. Do đó, việc nông dân tận dụng rơm, rạ trong sản xuất, trong đó chủ yếu là thu gom rơm để trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị sản xuất trên 1 đơn vị canh tác là một trong những biện pháp hiệu quả.

Trồng nấm rơm không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn giải quyết việc làm, góp phần giúp nhiều địa phương đạt tiêu chí về thu nhập, xây dựng xã NTM nâng cao. Đặc biệt là hạn chế tình trạng đốt rơm rạ, gây ô nhiễm môi trường, giảm khí phát thải nhà kính. 
 Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh