Để phát triển bền vững ngành hàng dừa

08:16, 03/01/2025

 

Nông dân nâng cao ý thức trồng dừa theo hướng hữu cơ, thực hiện mã số vùng trồng.
Nông dân nâng cao ý thức trồng dừa theo hướng hữu cơ, thực hiện mã số vùng trồng.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng và phát triển vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua đó nâng cao giá trị trái dừa, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần từng bước phát triển bền vững ngành hàng dừa.


Nhiều cơ hội phát triển bền vững ngành hàng dừa


Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, dừa là 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực theo Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Hiện nay, dừa Việt Nam đang trở thành mặt hàng xuất khẩu với giá trị cao. Các sản phẩm chế biến từ dừa đang có tiềm năng lớn để gia tăng giá trị của cây dừa, tăng thu nhập cho người dân. Theo thống kê, 30% diện tích dừa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 30% được cấp mã số vùng trồng (MSVT). 


Bên cạnh đó, những bước tiến tích cực như việc Mỹ và châu Âu chấp thuận dừa Việt Nam, cùng quá trình đàm phán với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch, đã tạo ra tiền đề lớn cho sự mở rộng thị trường và phát triển bền vững của ngành dừa. Riêng với thị trường Trung Quốc, hiện là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm tiêu thụ 4 tỷ trái dừa, trong đó khoảng 2,6 tỷ trái tươi... Trong khi nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho trái dừa của Việt Nam. 


Vừa qua, Bộ Nông nghiệp-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Theo ngành chức năng, việc ký kết Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc đánh dấu cột mốc phát triển cho sản phẩm dừa uống nước; giúp thúc đẩy kinh tế của người trồng dừa, tạo ra hiệu quả bước đầu khi giá dừa được ổn định hơn.


Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội và thuận lợi, xuất khẩu dừa sang Trung Quốc cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước sản xuất dừa khác như Thái Lan, Indonesia, đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến sản phẩm và giữ giá hợp lý.

Ngoài ra, các thay đổi về chính sách nhập khẩu; chi phí vận chuyển, bảo quản và xử lý hậu cần vẫn là một thách thức, đặc biệt với dừa tươi yêu cầu bảo quản kỹ càng; đặc biệt sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc dễ dẫn đến rủi ro nếu thị trường này thay đổi đột ngột. Do đó, việc tối ưu hóa chất lượng, nâng cao năng lực sản xuất và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững.


Đẩy mạnh chuẩn hóa vùng trồng dừa xuất khẩu


Thời gian qua, để xây dựng các vùng trồng dừa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chính quyền các địa phương và Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn nông dân các kỹ thuật canh tác theo hướng GAP, hữu cơ; hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sản xuất và hỗ trợ hoàn thành các hồ sơ gửi đi phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 


Song song đó, vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, HTX nhất là sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, để mở rộng diện tích các vườn dừa hữu cơ tập trung, xây dựng MSVT và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi, đồng thời vận động doanh nghiệp trên địa bàn tham gia liên kết sản xuất.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 7 vùng trồng (diện tích gần 97ha, sản lượng ước tính khoảng 1.900 tấn trái/năm) và 1 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép xuất khẩu sang thị trường này. Trong đó, tại xã Tân An Luông có 6 vùng trồng và 1 vùng trồng ở xã Trung Nghĩa (huyện Vũng Liêm). Riêng cơ sở đóng gói được cấp phép tại TX Bình Minh.


Đại diện cho hơn 30 nông dân trồng 15ha dừa tại xã Tân An Luông, ông Trần Văn Tánh đã có buổi phỏng vấn trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các kỹ thuật canh tác dừa tươi đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu sang thị trường này. Trả lời đúng với thực tế canh tác, vùng trồng tại xã đã được phía nhập khẩu đánh giá cao.


Ông Tánh cho hay: Khi được Nhà nước hỗ trợ để xây dựng MSVT nông dân rất phấn khởi. Làm theo đúng tiêu chuẩn quy định phía nhà tiêu thụ yêu cầu, như ghi chép lịch bón phân, phun thuốc, vệ sinh dừa thường xuyên và chăm bón đúng kỹ thuật cán bộ BVTV đã tập huấn. Bà con ở đây cũng rất có ý thức, nghiêm túc làm theo hướng dẫn. 


Ông Trần Thành Trung- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Luông, cho biết: Để thực hiện chuẩn hóa vùng trồng, địa phương đã mời người dân đến tập huấn về xây dựng MSVT, dừa hữu cơ, tập huấn về sử dụng phân bón, thuốc BVTV sao cho đảm bảo không có ảnh hưởng đến sức khỏe, để hướng tới xuất khẩu dừa tươi sang các nước cho đảm bảo an toàn theo quy định. 


Ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Thời gian qua, chi cục đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động kiểm tra và giám sát việc xây dựng và cấp MSVT, mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu.

Qua các công tác tuyên truyền, người nông dân đã bắt đầu quan tâm đến việc sản xuất theo hướng an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản và xây dựng MSVT. Công tác hướng dẫn đăng ký MSVT, cơ sở đóng gói dừa tươi xuất khẩu được tăng cường thực hiện theo quy định, phục vụ xuất khẩu dừa chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. 


Theo đó, chi cục đã rà soát những vùng trồng đủ tiềm năng để xây dựng MSVT, như vùng tập trung, diện tích thấp nhất khoảng 10ha, định kỳ hàng tháng hỗ trợ cho địa phương hay vùng trồng về kiểm soát dịch hại, thông báo kịp thời cho bà con để chăm sóc tốt vườn dừa.


Hiện, toàn tỉnh có hơn 11.500ha dừa đang ra hoa, cho trái. Thời gian qua, nông dân trong tỉnh cũng mạnh dạn đăng ký MSVT nội địa và sản xuất dừa đạt chứng nhận hữu cơ. Cùng với việc tỉnh có MSVT xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, qua đó trực tiếp nâng cao lợi nhuận cho người nông dân cũng như phát triển ngành hàng dừa một cách bền vững.

Dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong Đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT ban hành. Đề án đặt mục tiêu, đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000-210.000ha, trong đó, vùng trồng dừa trọng điểm ĐBSCL khoảng 170.000-175.000ha. Chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như: dừa Xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa dứa... Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp MSVT đạt khoảng 30%. Kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương; trong đó, vùng ĐBSCL tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long…; phát triển các làng nghề, các cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh