(VLO) Ngày 9/1/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn học sinh (HS), sinh viên (SV) Sài Gòn- Gia Định- Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 Nhân dân, trong đó đông đảo nhất là HS, SV xuống đường biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho HS, SV học tập và trả tự do cho những HS, SV bị bắt và mở lại trường học.
Học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình ngày 9/1/1950. |
Với sự kiện lịch sử đó, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm Ngày truyền thống HS SV. Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội SV Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) ở Thủ đô Hà Nội, đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm Ngày truyền thống của Hội SV Việt Nam.
Hơn nửa thế kỷ qua, dưới ngọn cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào HS, SV và tổ chức Hội SV Việt Nam đã có những cống hiến xuất sắc và trưởng thành vượt bậc qua các thời kỳ lịch sử cách mạng, là niềm tự hào của thế hệ HS, SV ngày nay.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi HS nhân ngày khai trường sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “... Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em...” và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo đã cổ vũ HS, SV nước ta thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt và tình nguyện chung sức cùng cộng đồng.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền cộng hòa non trẻ.
Trong những năm 1949-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, HS, SV các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là ở Sài Gòn- Gia Định. Ngày 9/1/1950, Đoàn thanh niên Cứu Quốc và Đoàn HS, SV Sài Gòn- Gia Định- Chợ Lớn đã tổ chức vận động trên 10.000 Nhân dân, trong đó đông đảo nhất là HS, SV xuống đường.
Trần Văn Ơn- người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của HS, SV, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em HS nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9/1/1950 khi chưa tròn 19 tuổi.
Thi thể anh Trần Văn Ơn được đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng HS cùng các y, bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực canh bảo vệ không cho bọn địch phi tang. Tin Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong giới HS, SV Sài Gòn, trở thành tâm điểm và đồng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin.
Tại Sài Gòn, ngày 12/1/1950, đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của HS:“Chết vì Tổ quốc, chết mà vẫn sống/ Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”. Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Hàng triệu lượt HS, SV và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Trong số đó, điếu văn của đại biểu các HS, SV có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9/1- ngày mà anh Ơn và các bạn HS, SV đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm.
Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!”. Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và HS, SV trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thanh niên Việt Nam lần thứ nhất vào tháng 2/1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm là Ngày truyền thống HS, SV.
Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống HS, SV và Hội SV Việt Nam là dịp đánh dấu mốc vàng son của chặng đường lịch sử vẻ vang gắn bó với các thế hệ HS, SV trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng tầm nhận thức của HS, SV về trách nhiệm và sứ mệnh trong kỷ nguyên mới.
BÌNH NGUYÊN (sưu khảo)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin