Câu chuyện chuyển đổi số ở xã nông thôn mới kiểu mẫu

07:14, 02/01/2025
sao thấy im
Chuyển đổi số tạo thuận lợi hơn cho người dân đến UBND xã giải quyết giấy tờ.

Chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển tất yếu, tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh. Những năm gần đây, chuyển đổi số không chỉ diễn ra mạnh mẽ ở thành thị mà còn tạo ra sự đổi mới ở vùng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. 


Phát triển kinh tế số

 
Có vườn mai lớn ở Làng mai vàng Phước Định (ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ), nhưng làm việc ở TP Vĩnh Long, nên anh Hồ Văn Chính đã lắp đặt hệ thống tưới phun điều khiển qua điện thoại. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số đã giúp anh thuận lợi trong công việc, không phải vất vả chạy tới, chạy lui giữa 2 nơi, mà vẫn có thể chăm sóc mai vàng, và công việc hàng ngày vẫn đảm bảo. 


Là người con của Làng mai vàng Phước Định, sau khi lập gia đình về sống ở ấp Bình Hòa 2 (xã Bình Hòa Phước), chị Lê Thị Thúy An đã gắn bó kinh tế số với cây mai vàng. Theo đó, chị tận dụng mạng xã hội thu mua mai vàng từ nhiều nơi rồi đăng bán trực tuyến. Chị còn chụp hình những cây mai đẹp ở làng mai và đăng bán giúp người thân. Nhờ ứng dụng chuyển đổi số hiệu quả, mỗi ngày chị bán khoảng 5-10 cây mai vàng. Cao điểm có khi bán được 20- 30 cây/ngày. Đa số là các cây mai có giá khoảng vài triệu đồng/cây vì dễ tiêu thụ. 


Ông Lê Văn Tý- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định cho biết, HTX có 45 thành viên, diện tích trồng mai khoảng 3,2ha với khoảng 52.000 cây mai vàng lớn nhỏ các loại. Trước đây, người trồng mai chủ yếu bán mai qua thương lái và bán vào dịp Tết Nguyên đán. Thì nay, nhờ biết ứng dụng chuyển đổi số, các thành viên trong HTX đã tận dụng các trang mạng để giao dịch online. Nhờ vậy, ngày thường vẫn có khách chốt đơn. 


Năm 2017, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho cây chôm chôm. Đây là bước đệm để HTX ứng dụng chuyển đổi số từ việc trồng, chăm sóc, đến mua bán chôm chôm. Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước cho biết, từ năm 2023, HTX đẩy mạnh chuyển đổi số từ việc nhập dữ liệu xài phân thuốc để người tiêu dùng cập nhật thông tin về vùng trồng. Việc giao thương mua bán còn được thực hiện qua sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long https://www.nsvl.com.vn và sàn giao dịch thương mại điện tử https://trade.vinhlong.gov.vn.


Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước cho biết, nhờ ứng dụng chuyển đổi số mà thành viên của HTX biết chú trọng đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin, uy tín với khách hàng để xây dựng thương hiệu. Hiện, xã đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cùng tham gia phát triển kinh tế số, giúp các hộ này tiếp cận với xu hướng bán hàng mới. 


Tiếp cận tiện ích mới 


Là người trẻ năng động, anh Lê Phạm Minh Tâm- Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Bình Hòa Phước được phân công hỗ trợ ấp Phước Định 2 thực hiện chuyển đổi số thông qua việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử và tải ứng dụng cần thiết... 


Nhận định “ở vùng quê, thuộc xứ cù lao, người dân ứng dụng chuyển đổi số chưa mạnh mẽ như ở đất liền. Song, những năm gần đây giao dịch qua tài khoản thanh toán điện tử có xu hướng ngày càng tăng”- anh Lê Phạm Minh Tâm cho rằng: Những người trẻ tiếp nhận thông tin rất nhanh và rất thích thanh toán các dịch vụ thông qua các ứng dụng, vì rất nhanh, thuận tiện và không phải mất thời gian di chuyển.

Chỉ cần chạm và quét mã QR, nhập số tiền cần chuyển là đã có thể thanh toán trực tuyến thành công. Hiện, các cơ sở thu mua nông sản đều ứng dụng thanh toán điện tử. Điều này rất tiện lợi, an toàn vì không cần đem theo tiền mặt nhiều... 


Anh Trương Nguyễn An Khương- Thành viên Tổ an ninh trật tự ấp Phước Định 2, cho biết: chuyển đổi số đã giúp ích cho người dân rất nhiều từ việc làm giấy tờ đến trình báo thông tin... Tất cả đều có thể thao tác qua ứng dụng VNeID hoặc gửi thông tin trực tuyến. Mọi thông tin đều được tổ cập nhật nhanh chóng, việc tiếp cận thông tin trở nên tiện lợi hơn rất nhiều. 


Ông Trương Thanh Phong- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phước Định 2 cho hay: Công tác chuyển đổi số được thực hiện mạnh mẽ từ năm 2023 khi Phước Định 2 bắt tay xây dựng ấp NTM kiểu mẫu và ấp thông minh đầu tiên của xã và của huyện. Theo đó, cán bộ ấp đều biết sử dụng các nền tảng phục vụ chuyển đổi số của chính quyền như: cổng thông tin tiếp nhận, trả lời ý kiến người dân https://congdan.vinhlong.gov.vn; ứng dụng Smart Vĩnh Long; kênh Zalo chính quyền số Vĩnh Long; kênh Facebook chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Long; Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh… để thông tin, tuyên truyền cho người dân trong ấp. Bên cạnh, ấp còn thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền các nền tảng phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, thành lập nhóm Zalo hướng dẫn người dân tiếp cận các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số. 


Bình Hòa Phước là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Long Hồ và là 1 trong 5 xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Năm 2023, xã được Sở Thông tin-TT công nhận đạt tiêu chí chuyển đổi số trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng thời, xã đã xây dựng thành công mô hình ấp thông minh tại ấp Phước Định 2. 

Từ khi thành lập đến nay, Tổ Công nghệ số cộng đồng ấp Phước Định 2 có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận với chuyển đổi số.
Từ khi thành lập đến nay, Tổ Công nghệ số cộng đồng ấp Phước Định 2 có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân tiếp cận với chuyển đổi số.

Ông Trần Minh Cảnh cho rằng, việc chuyển đổi số xét cho cùng là phục vụ cho người dân. Mỗi người dân trở thành công dân số, thì chuyển đổi số mới thành công. Nhiệm vụ của địa phương và các tổ chuyển đổi số là tích cực tuyên truyền, vận động người dân nắm được kỹ thuật, cách thức thực hiện. “Chuyển đổi số có ý nghĩa của cuộc cách mạng toàn dân, khi toàn dân cùng tham gia vào công nghệ số và có cách giải quyết phù hợp, thì chuyển đổi số sẽ sớm thành công”- ông Trần Minh Cảnh nhận định. 

Ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước
Năm 2024, có hơn 61% hồ sơ của người dân được nộp trực tuyến. Chủ yếu là thủ tục về đăng ký khai sinh, thường trú, cấp BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, khai tử, xóa thường trú, hưởng trợ cấp xã hội... Tất cả đều đã được giải quyết trước hạn. Lúc đầu, người dân chưa quen với chuyển đổi số. Qua được cán bộ bộ phận một cửa hướng dẫn, đến nay người dân đã thành thạo hơn. 
Nhờ được tập huấn sử dụng nền tảng số, thực hiện thủ tục hành chính, thanh toán điện tử, đến nay các hộ gia đình, hộ sản xuất, kinh doanh đều biết tận dụng chuyển đổi số từ việc thanh toán online tiền điện, nước, internet... và mua bán hàng hóa trên không gian mạng bằng tài khoản cá nhân khá thuận lợi, dễ dàng, nên được người dân đồng tình, hưởng ứng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước
Toàn xã có hơn 36ha trồng chôm chôm được thiết lập mã số vùng trồng xuất khẩu (thị trường chủ yếu là Mỹ và Newzealand). Hiện, sản phẩm chôm chôm Bình Hòa Phước được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Cùng với việc xây dựng nhãn hiệu, HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước còn ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin để tạo mã QR code in trực tiếp trên nhãn hiệu và có thể thực hiện quét mã QR code bằng điện thoại để hiển thị các thông tin về nguồn gốc sản phẩm.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh