Tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi 

13:47, 03/12/2024
Người chăn nuôi tích cực chăm sóc vật nuôi để bán trong dịp Tết. 
Người chăn nuôi tích cực chăm sóc vật nuôi để bán trong dịp Tết. 

Thời điểm cuối năm, các cơ sở, trang trại, người chăn nuôi (CN) đang tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh, để đảm bảo đạt hiệu quả, chất lượng cung ứng dịp Tết. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, ngành thú y cũng đã khuyến cáo người CN chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh có trên 11,2 triệu con gia cầm, tăng 244.000 con (trong đó, đàn gà có trên 7,3 triệu con); tổng đàn heo trên 180.000 con và hơn 75.000 con bò.

Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm CN, ngay từ đầu năm, ngành CN của tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng đàn, tái đàn và áp dụng tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Hiện các cơ sở, trang trại, hộ CN đang tích cực chăm sóc để đàn vật nuôi khỏe mạnh, đạt trọng lượng, chất lượng cung ứng ra thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.


Để bảo vệ đàn heo cung ứng cho thị trường Tết, cô Lê Thu Nga (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Để heo bán vào dịp Tết đảm bảo chất lượng, tôi đã tăng cường vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng, không cho người lạ ra vào khi chưa được khử trùng, bổ sung thêm các loại vitamin vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng cho heo”.


Để tăng thêm thu nhập đón Tết, ngay từ giữa năm, cô Nguyễn Thị Hai (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) đã chủ động tăng đàn heo. Ngoài chọn giống heo có chất lượng, đảm bảo an toàn sinh học thì cô Hai còn chú trọng chăm sóc kỹ lưỡng chế độ ăn uống và phòng trừ dịch bệnh để đàn heo phát triển khỏe mạnh.

“Tôi thường cho heo ăn thêm cám, rau, bổ sung thêm thức ăn để heo phát triển tốt, tăng trọng lượng đúng Tết. Đồng thời, tôi cũng thực hiện vệ sinh chuồng, tiêm đầy đủ vaccine cho đàn heo. 30 con heo dự kiến từ đây tới Tết sẽ bán”- cô Hai cho biết thêm. 


Có gần 500 con gà nuôi bán Tết, chú Trần Văn Tín (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Để gà phát triển tốt, tôi chọn mua con giống khỏe mạnh, thường xuyên quét dọn chuồng trại, giữ cho chất độn chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, định kỳ phun thuốc sát trùng 1-2 lần/tuần toàn bộ diện tích chuồng nuôi và xung quanh để hạn chế mầm bệnh. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine đúng lịch nhằm tăng khả năng miễn dịch chống lại bệnh dịch cho đàn gà”.


Ông Nguyễn Văn Tùng- nhân viên thú y xã Thanh Đức (huyện Long Hồ) cho biết: Hiện nay, ở xã Thanh Đức có trên 93.500 con gà và gần 600 con heo. Hiện đang vào thời điểm giao mùa, ngành chuyên môn cũng đã tăng cường tuyên truyền đến người dân thực hiện tiêu độc khử trùng, tiêm phòng đầy đủ, khuyến khích tăng đàn khi đảm bảo theo yêu cầu, để người dân tăng thêm thu nhập.


Tại huyện Vũng Liêm, bà Lê Ngọc Yến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, cho biết: Thời gian qua, quy mô CN nông hộ nhỏ, lẻ chuyển dần sang phương thức nuôi trang trại. Đàn gia súc, gia cầm chỉ mắc một số bệnh thông thường xảy ra ở một số nơi và ngành chuyên môn đã hướng dẫn hộ CN điều trị kịp thời.


Tuy nhiên, theo cảnh báo của ngành thú y, thời tiết diễn biến bất thường làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm rất cao, nhất là bệnh dại, dịch tả heo châu Phi và cúm gia cầm. Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm cũng diễn ra sôi động, nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao.

Vì vậy, các hộ CN cần chú ý lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng và tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Thường xuyên tiến hành vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực CN và phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; cần thực hiện CN an toàn sinh học và kiểm soát tái đàn.

Cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, nhất là vào thời điểm cuối năm.


Bà Nguyễn Huỳnh Nga- Phó Chi Cục trưởng Chi cục CN thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Mặc dù CN nông hộ giảm mạnh nhưng số trang trại quy mô nhỏ và vừa tăng. Các trại CN này ký hợp đồng CN gia công với các công ty bao tiêu sản phẩm nên số lượng xuất chuồng gia súc, gia cầm đều đặn và ổn định.

Ngoài ra, tỉnh có 8 cơ sở thu gom và phân phối gia súc, gia cầm trong và ngoài tỉnh sẽ điều tiết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn cao điểm các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Do đó, nguồn cung thịt gia súc, gia cầm của tỉnh vẫn đảm bảo. 

Ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành CN, phát triển CN trang trại, CN quy mô lớn, nâng cao chất lượng giống gia súc, gia cầm; nhân rộng các mô hình CN ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh