Bên cạnh việc học thì học sinh, sinh viên còn được vun bồi tình yêu với những giá trị văn hóa. |
Cuộc thi sáng tác “Văn chương phương Nam”do Trường ĐH Cửu Long phối hợp Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và tạp chí Văn nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức, vừa được tổng kết, trao giải. Cuộc thi thực sự lan tỏa, khuyến khích sáng tác văn chương trong học sinh (HS), sinh viên (SV), thông qua các tác phẩm, vùng đất, con người phương Nam với những suy nghĩ, trăn trở, sáng tạo mới mẻ của thế hệ trẻ.
“Sức sống văn chương ở chất không phải lượng”
Được phát động từ tháng 6/2023, Cuộc thi sáng tác “Văn chương phương Nam” theo đánh giá của BTC là “còn ít” so với kỳ vọng. Cuộc thi đã phần nào tái hiện vùng đất phương Nam trong suy nghĩ, trăn trở, sáng tạo mới mẻ của những người trẻ tuổi.
Lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã góp phần khơi dậy và phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật ngôn từ của HS, SV. Bên cạnh, làm phong phú thêm đời sống tâm hồn của thế hệ trẻ; thúc đẩy tình yêu văn chương; tạo điều kiện để HS, SV cảm nhận sâu sắc hơn về con người, cuộc sống của vùng đất phương Nam và thể hiện kỹ năng viết qua từng tác phẩm.
Nói về những tác phẩm văn xuôi tham gia cuộc thi, nhà văn Trần Văn Tuấn- nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Sức sống của văn chương ở chất không phải lượng. Cho dù lượng tác phẩm tham gia ít nhưng chất lượng đồng đều. Các bạn đã vào nghề với những tác phẩm như “Hai đám cúc”, “Ngược dòng”,... các bạn đã phát hiện những nét lạ trong đời sống dung dị bình thường đưa nó vào văn chương và thể hiện được năng lực sáng tác của mình”.
Trong khi đó, những tác phẩm thơ đã cho ban giám khảo có những nhìn nhận mới mẻ về thế hệ “2Z” khôn ngoan hơn, tỉnh táo hơn. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn khi nhìn vào số tác phẩm thơ dự thi cũng cảm thấy âu lo nhưng đọc xong thì “tôi đã hiểu vì sao ít” “thế hệ của chúng tôi khác với thế hệ của các em HS, SV hôm nay rất nhiều. Các em rất tự tin, rất hiểu về bản thân mình, không có bài thơ nào là ngây ngô gửi đến dự thi, rất đáng để chúng ta hy vọng”.
Những “giai điệu mới” thể hiện rõ “sự va chạm giữa đời sống và thi ca”, được tác giả trẻ khai thác rất sâu vào văn hóa phương Nam trong từng con người, từng số phận làm nên tác phẩm của mình. Dù tác phẩm dự thi chưa nhiều như kỳ vọng, nhưng cuộc thi đã mang lại một luồng gió mới, khơi dậy ngọn lửa văn chương ở vùng đất phương Nam; vùng đất anh dũng, kiên cường, nhân ái, bao dung với những đổi thay, phát triển toàn diện của vùng đất năng động, hào sảng, trọng nghĩa tình này.
Cần thêm lửa thắp đam mê
Với các tác giả trẻ tham gia cuộc thi này, đây không chỉ là sân chơi nơi giao lưu học hỏi, thể hiện mình mà còn là động lực để thắp lên ngọn lửa đam mê sáng tạo văn chương. Nhận giải ba cuộc thi này, tác giả Lê Văn Nhân- SV Trường ĐH An Giang, gửi gắm suy nghĩ của mình qua tác phẩm “Hai đám cúc”, “mọi mâu thuẫn, thù hằn đều có thể được hóa giải bằng lòng yêu thương, khoan dung và rộng mở. Hoa Tết chỉ thật sự rạng ngời, thật sự đong đầy ý nghĩa khi người trồng ra nó có một tâm hồn đẹp đẽ, một trái tim ấm nồng”.
Vừa nhận giải xong, Lê Văn Nhân còn lâng lâng cảm giác hạnh phúc và có thêm động lực: “Em bắt đầu viết văn từ năm 2021 đến nay, đã tham gia một số cuộc thi và với em mỗi giải thưởng dù lớn hay nhỏ đều là sự khuyến khích rất lớn. Cuộc thi này là sân chơi ý nghĩa và em được viết, được học hỏi, được khuyến khích tìm hiểu sâu hơn và có những trải nghiệm trên vùng đất phương Nam quê hương mình. Em mong cuộc thi sẽ được tiếp tục ở những mùa sau nữa, trở thành một cuộc thi truyền thống hàng năm”.
Cùng là một SV Trường ĐH An Giang, học ngành giáo dục tiểu học, tác giả Nguyễn Thị Cẩm Tiên cho biết: “Giải Văn chương phương Nam là giải thưởng đầu tiên của em”. Tiên bắt đầu viết văn từ học kỳ 2 năm nhất, đến nay gần 3 năm. Kỹ năng viết được rèn giũa nhờ tham gia CLB thơ văn dành cho các bạn yêu thích viết. Nơi đó, các bạn cùng chia sẻ, học hỏi và tác phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được đăng trên trang thông tin điện tử của trường.
Cẩm Tiên dự thi với tác phẩm “Người và sao đêm”, với thông điệp về tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng và cao cả nhất: “Cha mẹ luôn hết lòng vì con cái và mong muốn cho con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, còn phản ánh lòng yêu quê hương, không quên cội nguồn. Dù theo má lên thành phố từ nhỏ nhưng khi về quê Út không tỏ ra mình là người thành thị mà em vẫn nhớ gốc gác của mình”.
Với các bạn trẻ yêu văn chương thì các cuộc thi là động lực thắp sáng thêm niềm đam mê ấy. Cẩm Tiên bày tỏ: “Các cuộc thi về văn chương dành cho HS, SV đã khuyến khích và tạo động lực rất lớn để chúng em viết và học hỏi được nhiều hơn. Thông qua cuộc thi, chúng em sẽ mạnh dạn hơn trong việc đưa tác phẩm của mình đến mọi người”.
BTC cùng các tác giả trẻ đoạt giải ở cuộc thi đầu tiên. |
Với nhà văn Trịnh Bích Ngân- Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, cuộc thi này thực sự khơi dậy ngọn lửa sáng tạo trong văn chương: “Chúng tôi ghi nhận những nỗ lực của Trường ĐH Cửu Long và đặc biệt là nhà thơ Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng nhà trường, đã góp phần nhen ngọn lửa. Có thể lửa chưa lớn nhưng nó vô cùng ấm áp; văn hóa đi cùng với kinh tế soi đường cho quốc dân đi. Giá trị nhân văn mà các tác phẩm mang lại là tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu thương với quê hương xứ sở, tình yêu thương đồng ruộng đối với tất cả những gì xung quanh chúng ta. Chúng tôi đã phát hiện khá nhiều những cây bút trẻ, hứa hẹn nhiều khả năng văn chương”.
Với sự thành công của cuộc thi đầu tiên, tin rằng, những cuộc thi tiếp theo sẽ được nhiều tác phẩm tham gia hơn, chất lượng hơn, lan tỏa nhiều hơn, thêm nhiều những cây bút trẻ có năng lực văn chương, tiếp bước con đường văn chương cho nền văn học mới.
Cuộc thi được phát động từ tháng 6/2023-6/2024. BTC đã nhận được 101 tác phẩm dự thi của 53 tác giả là HS, SV trên cả nước tham gia; trong đó, có 71 tác phẩm thơ và 30 tác phẩm truyện ngắn. Kết quả, BTC đã trao 2 giải ba và 4 giải tư (ở mỗi thể loại) cho các tác giả. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin