Kết nối phố:
Tháo gỡ khó khăn nhà ở xã hội

18:32, 04/12/2024

Vấn đề quỹ đất hạn chế, thủ tục pháp lý phức tạp và nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu… khiến cho việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” thời gian qua gặp không ít khó khăn.


Theo Bộ Xây dựng, để thực hiện đề án này cần nguồn vốn lên tới 500.000 tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đầu tư, mua nhà ở xã hội với lãi vay thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, gói tín dụng ưu đãi có tỷ lệ giải ngân rất thấp vì mức lãi vay, điều kiện vay chưa thực sự ưu đãi với người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân khu công nghiệp. 


Và để tháo gỡ những vướng mắc này, mới đây, tại dự thảo nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội đang được lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành, Bộ Xây dựng đề xuất triển khai gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.


Theo dự thảo nghị quyết, lãi vay gói tín dụng ưu đãi bằng lãi vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ. Thời gian giải ngân gói tín dụng ưu đãi cho đến khi giải ngân hết gói tín dụng này, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2030. Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai hiệu quả.


Cũng theo Bộ Xây dựng, mục tiêu của nghị quyết nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Từ đó, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
N. HOÀNG
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh