Tập thể cô trò 12A5 đã trở thành một “ê kíp” chuyên nghiệp. |
Khoảng 3 năm nay, tiết sinh hoạt dưới cờ đã trở thành “thời gian chờ mong” của cả tập thể Trường THPT Bình Minh (TX Bình Minh). Hoạt động trải nghiệm (HĐTN), hướng nghiệp (HN) được các lớp luân phiên thực hiện hàng tuần trong 3 năm học đã thực sự mang lại ý nghĩa tích cực, hiệu quả, góp phần cho phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh (HS).
Trải nghiệm cùng 12A5
Chúng tôi đến Trường THPT Bình Minh vào một sáng trời chớm lạnh, cùng trải nghiệm với các em HS lại thấy ấm lòng. Trong thời gian 40 phút của tiết sinh hoạt dưới cờ, tập thể cô trò 12A5 đã trở thành một “ê kíp” chuyên nghiệp, sân khấu hóa chủ đề “Vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội”.
Với các tiết mục văn nghệ đan xen giáo dục nhẹ nhàng, vui tươi đã thu hút HS toàn trường tham gia. Chương trình hầu như không “để chết sân khấu” giây nào với các tiết mục: nhảy hiện đại “Lớn rồi còn khóc nhè”, tiểu phẩm “Gia đình”, tọa đàm “Vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội”, nghe ý kiến giáo viên về chủ đề, trò chơi “Nhìn hình ta đoán ca dao tục ngữ” và ca khúc “Mai này con lớn lên”.
Tiểu phẩm “Gia đình” mang lại ấn tượng sâu sắc với nhiều người với các cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là một gia đình có cha lúc nào cũng bận rộn, có mẹ kế thương yêu nhưng trăn trở với giáo dục con chồng; có con trong tuổi nổi loạn không chấp nhận được người mẹ mới. Đặc biệt, tiểu phẩm có cô Tư hàng xóm lắm thị phi vừa chân thực lại khôi hài, có bác sĩ và “ê kíp” cấp cứu kịp thời, những nhân vật chỉ có tiếng sinh động “qua điện thoại” nhưng không thấy mặt người và hậu cần hùng hậu chuyên nghiệp chăm chút từ âm thanh đến bưng bê, dọn dẹp để chuyển cảnh sân khấu nhịp nhàng, nhanh gọn.
Những HS ngồi xung quanh tôi có em nhìn mông lung với sự giận dỗi của con, sự tức giận của cha hay nỗi buồn của mẹ kế. Cười giòn với diễn xuất chuyên nghiệp của cô Tư hàng xóm rồi lại tưởng chừng tiểu phẩm là bi kịch bởi sau khi cấp cứu mẹ kế, bác sĩ nói “chúng tôi đã cố gắng hết sức… và đã cứu được bệnh nhân”.
Tiểu phẩm đã hướng các bạn đến chân thiện mỹ là tình yêu thương của con người- dù không là mẹ ruột; thay thế cho những định kiến “mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” ăn sâu vào tư tưởng mỗi người. Qua đó, là gửi gắm những lời khuyên về gia đình.
Tiếp đó, là tọa đàm với sự tham gia ngẫu nhiên từ đại diện 4 lớp được bốc thăm. Các bạn chia sẻ về “diễn biến tâm lý của nhân vật người con”, “gia đình có vai trò gì đối với sự phát triển của xã hội”, “với vai trò là một HS THPT bạn có trách nhiệm gì đối với việc xây dựng 1 gia đình hạnh phúc?”.
Sau đó, HS toàn trường bình chọn cho HS có ý kiến tọa đàm hay nhất, trong thời gian chờ đợi, cô Hà Minh Thi là giáo viên dạy HĐTN, HN chia sẻ thông tin liên quan đến chủ đề. Ngay sau khi có kết quả bình chọn là trao thưởng.
Liên tục chương trình, lớp 12A5 đố vui có thưởng với trò chơi “Nhìn hình ta đoán ca dao tục ngữ”, thông qua hình ảnh dễ thương, sinh động để giới thiệu, nhắc nhở về tình cảm gia đình.
Cụ thể như: “chị ngã em nâng”, “đồng vợ đồng chồng, tát Biển Đông cũng cạn”, “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”,… Và chương trình kết thúc với ca khúc như lời nhắn nhủ những người con đừng quên công ơn cha mẹ, cùng khẳng định ý nghĩa gia đình là nơi chốn bình yên, bởi chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng có một chốn để quay về, qua ca khúc “Mai này con lớn lên”.
“Có đi mới thành đường”
Như vậy, 3 năm học liên tiếp, ngoài tiết HĐTN, HN từng lớp; Trường THPT Bình Minh còn có hoạt động cấp trường vào mỗi sáng thứ hai. Hoạt động này được 30 lớp của trường tổ chức luân phiên với sự hướng dẫn của thầy cô và chủ đề được định sẵn để có thời gian chuẩn bị.
Tập thể 12A5 trong 2 tháng chuẩn bị, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên không chỉ mang lại không khí vui tươi, sinh động, thu hút mà qua đó còn gửi gắm thông điệp “Gia đình không chỉ là nơi nuôi dưỡng từng thành viên mà còn có một sứ mệnh quan trọng chính là góp phần xây dựng và phát triển xã hội”. “Gia đình- nơi đã dành tất cả tình thương và ươm mầm cho chúng ta từng ngày trong suốt cuộc đời mình”,…
Niềm vui rộn rã còn đọng lại trên từng gương mặt 12A5 với phần thưởng là những lời khen ngợi, đóng góp và tiếng vỗ tay giòn giã. Là nhân vật phản diện “cô Tư- HS Nguyễn Phước Quý Thanh đã tạo được dấu ấn qua diễn xuất chuyên nghiệp. Quý Thanh cho hay: “Kịch bản là do em viết, em muốn đưa lên hình ảnh một gia đình hiện thực hơn, vì hiện nay có nhiều bạn đang trong hoàn cảnh cha mẹ ly hôn. Em muốn mọi người không sống trong định kiến và trân quý hơn giá trị gia đình”.
Đối với MC Trần Khả Tân thì “tham gia hoạt động giúp em rèn luyện mà không ảnh hưởng việc học vì khi tham gia em thấy thoải mái và học tốt hơn. Đây cũng là những kỷ niệm mà em sẽ nhớ mãi khi học ở ngôi trường này”. Trong khi đó, Trần Thanh Toàn- cho biết: “Đây là lần thứ 3 trong 3 năm học phổ thông, lớp chúng em tổ chức HĐTN, HN này, cả lớp đều rất hào hứng. Khi lớp bạn tổ chức em cũng thấy rất hay, chủ đề đa dạng giúp chúng em có những nhìn nhận thấu đáo hơn”.
Chia sẻ kinh nghiệm, cô Huỳnh Thị Thùy Dung- Hiệu trưởng Trường THPT Bình Minh, nói: “Chúng tôi quan điểm đây là một hoạt động phải làm, có đi mới thành đường, phải làm và nếu khó khăn thì tháo gỡ. Từ những giáo viên, HS tự nguyện tổ chức hoạt động, chúng tôi tiếp lửa cho các lớp còn lại”.
Theo cô Huỳnh Lê Thu Thủy- Tổ trưởng Hội đồng Bộ môn HĐTN, HN, Sở GD-ĐT, thì Trường THPT Bình Minh là đơn vị thực hiện rất tốt HĐTN, HN. “Cần lan tỏa hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động này, giúp cho giáo viên tự tin hơn để HĐTN, HN thực sự mang lại hiệu quả cho HS theo tinh thần của Chương trình giáo dục 2018 đề ra”- cô Thủy nói.
Có thể thấy để HĐTN, HN hiệu quả, ban giám hiệu nhà trường có vai trò tích cực, đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã định hướng thiết kế và hướng dẫn HS thực hiện. Qua đó, khơi gợi tạo cơ hội cho HS, khai thác những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng đã góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống.
Đối với cấp THPT, "HĐTN, HN" có 105 tiết học bằng với số tiết các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ. Đây là hoạt động giáo dục bắt buộc, chiếm thời lượng lớn trong toàn bộ chương trình, nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục “phát triển phẩm chất và năng lực của HS”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin