Huyện Vũng Liêm đang chỉ đạo tăng cường tuyên truyền cho người dân và tổ chức thực hiện đăng ký đất đai khi có biến động sử dụng đất. |
Thực hiện công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong xây dựng NTM, thời gian qua, các địa phương trong huyện Vũng Liêm đã vận động người dân hiến đất để xây dựng hạ tầng nông thôn và đã được người dân đồng tình hưởng ứng cao. Tuy nhiên, việc chỉnh lý biến động đất đai và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN.QSDĐ) cho người dân sau khi công trình hoàn thành vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này đặt ra cần có giải pháp quyết liệt để tạo sự an tâm trong dân và tiếp tục vận động người dân chung tay thực hiện các công trình sau này.
Thiếu kinh phí chỉnh lý, cấp đổi
Thực hiện chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong xây dựng NTM, xã Trung Nghĩa triển khai thi công 6 công trình. Trong đó, gần đây nhất là công trình kênh Ba Khương với 24 thửa đất biến động, diện tích 4.200m².
Năm 2023 đến tháng 9/2024, xã Trung Thành Đông có 2 công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, gồm: công trình đường liên ấp Đại Nghĩa- Phú An đi qua 112 thửa đất, diện tích: 3.876,4m²; và công trình xây dựng hệ thống thủy lợi sông Vũng Liêm (ấp Phú An) đi qua 35 thửa đất, diện tích 6.896,5m².
Theo UBND các xã, khó khăn hiện nay là, việc chỉnh lý, cấp GCN.QSDĐ đối với các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm do không được bố trí nguồn kinh phí thực hiện, nên cần người dân phải trả phí để đăng ký đo đạc, chỉnh lý biến động sau khi hiến đất.
Ông Võ Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, cho biết thêm, do thiếu kinh phí nên các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, các tuyến đường hoặc công trình đã thi công xong và đã đưa vào sử dụng, nhưng đất đai thì vẫn còn thể hiện trong GCN.QSDĐ cấp cho người sử dụng đất.
Qua rà soát, năm 2011 đến tháng 9/2024, toàn huyện đã thực hiện 129 công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Các công trình này đã đo đạc phần thi công công trình, chưa đo đạc phần diện tích còn lại để cấp GCN.QSDĐ lại cho người dân, chỉ thực hiện riêng lẻ từng trường hợp khi có biến động như chuyển quyền hoặc đăng ký thế chấp.
Năm 2024, UBND huyện đã bố trí 2,5 tỷ đồng để đo đạc và lập hồ sơ chỉnh lý biến động, cấp đổi GCN.QSDĐ cho người dân đối với 4 công trình đường liên ấp: Quang Trường- xã Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận); Phước Trường- Quang Hòa (xã Quới An); Trung Hậu- Trường Thọ (xã Trung Thành Tây) và Hòa Nghĩa- Quới Hiệp (xã Trung Thành Tây) với tổng cộng 326 thửa, gần 21.010m² cần đo chỉnh lý.
Trong quá trình lập thủ tục đấu thầu để thực hiện, thì Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Theo quy định, tại Điều 50 của Luật Đất đai năm 2024 và Điều 9 Nghị định số 101 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, đã quy định việc chỉnh lý biến động thuộc thẩm quyền UBND tỉnh. Do đó, Phòng TN-MT huyện đã ngưng ký kết đấu thầu chỉnh lý biến động đối với 4 công trình nêu trên và đã báo cáo Sở TN-MT xem xét chỉ đạo.
Tăng cường chỉ đạo giải quyết
Trước những khó khăn, vướng mắc, UBND huyện Vũng Liêm đã đề xuất kiến nghị, HĐND tỉnh và UBND tỉnh xem xét có cơ chế không thu phí chỉnh lý GCN.QSDĐ đối với đất thu hồi thực hiện dự án, công trình vận động Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Các địa phương cũng kiến nghị, tỉnh quan tâm phân bổ kinh phí để hỗ trợ chỉnh lý biến động thu hồi đất cho các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm để người dân thấy được sự quan tâm của Nhà nước khi người dân đã hiến đất để làm công trình mà không nhận bồi thường về đất. Qua đây, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước để các công trình tiếp theo thuận lợi hơn trong công tác vận động.
Giải thích, hướng dẫn, làm rõ một số vấn đề vướng mắc, ông Nguyễn Chí Cường- Phó Giám đốc Sở TN-MT, nhấn mạnh, huyện cần lưu ý thêm về các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện. Theo đó, các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm đã đo đạc phần thi công công trình, chưa tổ chức triển khai đo đạc phần diện tích còn lại để cấp GCN.QSDĐ cho người dân, chỉ thực hiện riêng lẻ từng trường hợp khi có biến động như: chuyển quyền hoặc đăng ký thế chấp...
“Huyện liên hệ với sở để có sự hướng dẫn chặt chẽ vì vấn đề này trước đây vướng nhưng đã tháo gỡ (đã có định mức, thuê tư vấn, đặt hàng…) nên giờ chỉ làm thôi, để sớm giải ngân”- Phó Giám đốc Sở TN-MT lưu ý và đề nghị UBND huyện cho rà soát lại hết tất cả các công trình, để thống kê tổng số thửa, tổng diện tích để lập dự trù kinh phí…
Ông Đỗ Đình Gần- Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cho biết, năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh đã giao Ban Pháp chế giám sát kết quả chỉnh lý, cấp GCN.QSDĐ các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Sau khi có kết luận của ban, UBND tỉnh, UBND cấp huyện và ngành TN-MT đã có kế hoạch khắc phục hạn chế. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 và trước kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh, nội dung này cử tri rất quan tâm và tiếp tục phản ánh. Chính vì vậy, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức khảo sát kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến nội dung này. Đồng thời, giao cho các tổ đại biểu HĐND các đơn vị tiến hành
khảo sát.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, UBND huyện và UBND cấp xã tiếp tục tăng cường chỉ đạo giải quyết hồ sơ chỉnh lý biến động đất đai đối với công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Đồng thời, phối hợp với ngành TN-MT đo đạc, bố trí nguồn lực hỗ trợ cho địa phương. Đối với chính quyền địa phương, cần tuyên truyền cho người dân hiểu, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong thực hiện hoàn chỉnh các hồ sơ đất đai; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm và việc cấp đổi GCN.QSDĐ theo quy định của Luật Đất đai. “UBND huyện cần có kế hoạch cụ thể, có thời gian kết thúc việc chỉnh lý biến động đất đai, phải đạt 80-90%”- ông Đỗ Đình Gần lưu ý.
• Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin