Phát biểu tại Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2024 với chủ đề “Kiến trúc nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)” vừa được tổ chức tại Vĩnh Long, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn nhấn mạnh, lĩnh vực quy hoạch- kiến trúc- xây dựng theo cấu trúc chung sẽ là những mũi nhọn, thuộc nhóm phải đi đầu trong đề xuất các giải pháp nền tảng cho vấn đề thích ứng với BĐKH.
ĐBSCL là vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rất cần những giải pháp thực tiễn, kịp thời và hiệu quả cao. Trong đó, ông đề xuất cần chú ý kinh nghiệm truyền thống của ông cha, theo tinh thần thích nghi linh hoạt, để sống chung và nương nhờ thiên nhiên- xã hội- môi trường bản địa.
Chú trọng các giải pháp thích ứng để phòng thiệt hại cho công trình, nhà ở do ngập ở đô thị. |
Quy hoạch đô thị- nương nhờ vào thiên nhiên
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, sự phát triển đô thị (ĐT) và nông thôn ở nước ta đã đạt được thành quả nhất định về sự nương dựa, thích ứng với điều kiện tự nhiên- xã hội- môi trường- văn hóa theo vùng miền. Qua đó, tạo được môi trường sống an toàn, tiện nghi. Tuy nhiên, BĐKH đang đe dọa và dự báo ngày càng có những hệ lụy khó lường.
Để thích ứng, cần có sự chủ động xem xét từ tổng quan đến chi tiết, sự ảnh hưởng trực diện và vô hình của BĐKH... “Với dự báo chung toàn cầu, thiệt hại về kinh tế do BĐKH đến giữa thế kỷ XXI ước tính vào khoảng 17% GDP là khủng khiếp, mà Việt Nam không thể là ngoại lệ”- TS.KTS Phan Đăng Sơn nhận định.
Trong đó, nước biển dâng khiến đa dạng sinh học bị giảm nghiêm trọng hoặc đảo lộn. Tại các vùng ảnh hưởng nước biển dâng, nhiệt độ tăng cùng với thiên tai ngày càng khốc liệt sẽ gây mất cân bằng, tác động đến phát triển xanh, bền vững. Điều này cũng ảnh hưởng rất tiêu cực đến độ bền, độ an toàn của công trình; ảnh hưởng đến tiện nghi và sức khỏe con người. Thậm chí có thể khiến nguồn thu carbon trước đây thành nguồn thải carbon. Hiệu ứng nhà kính gia tăng, hiện tượng sốc nhiệt và đảo nhiệt nghiêm trọng…
Theo đó, việc quy hoạch ĐT phải xuất phát từ việc nương nhờ tối đa vào thiên nhiên trên cơ sở bảo tồn tối đa sinh thái, đa dạng sinh học tự nhiên. Trong đó, xác lập bền vững về địa điểm đối với từng thể loại công trình và hạ tầng; dành quỹ đất cho việc tạo lập hệ thống thoát nước kịp thời khi có sự cố mưa lũ dài ngày; cải thiện môi trường sinh thái bằng những vành đai xanh và mạng lưới xanh thích ứng.
Bên cạnh, xử lý rác thải theo giải pháp bền vững không xâm hại môi trường; triệt để chống thải carbon và chống tăng khả năng đảo nhiệt ĐT bằng giải pháp quy hoạch xây dựng có tính đến khả năng thông gió, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, giảm hiệu ứng nhà kính trong phạm vi liên kết từng vùng và toàn ĐT.
Đồng thời, tạo lập môi trường xây dựng và vận hành ĐT xanh bằng cách kiểm soát hệ thống chỉ số; phân bố dân cư phù hợp cấu trúc xanh; công nghiệp và dịch vụ có tính toán và thiết lập trên nền tảng xanh; xây dựng nền kinh tế xanh, khả năng tuần hoàn tốt; hệ thống quản lý và vận hành ĐT khoa học, thông minh, thích ứng kịp thời. Cùng với đó, tái sử dụng công trình hiện có cho chức năng mới (khi có yêu cầu) thay cho việc đập bỏ, thay thế được ưu tiên tối đa.
Bên cạnh đó, phân loại ĐT theo cấp độ bị ảnh hưởng BĐKH để xác lập các giải pháp toàn diện, đầy đủ ngay từ đầu là điều quan trọng tiên quyết trong phòng chống, phù hợp cho từng mặt ảnh hưởng từ BĐKH. Các giải pháp truyền thống vùng miền cần được tích hợp, nghiên cứu có chọn lọc theo mức độ thích ứng, vận dụng đầy đủ.
Giải pháp cho nhà ở
Từ góc nhìn thực tiễn, TS.KTS Phan Đăng Sơn đề xuất các giải pháp cụ thể cho nhà ở vùng Tây Nam Bộ, bao gồm các vùng sẽ bị ngập vĩnh viễn do nước biển dâng; vùng không bị ngập thường xuyên, vùng ảnh hưởng xói lở ven sông, biển.
Trong đó, ở vùng không bị ngập thường xuyên, vùng ảnh hưởng xói lở ven sông, biển thì đối với nhà thấp tầng bán kiên cố và kiên cố, cần sử dụng các mẫu nhà linh hoạt và cố định, có tầng trệt để trống sản xuất kinh tế gia đình, phục vụ hoạt động chung. Các tầng trên không ngập lụt được dùng để ở. Phần trên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo; phần tầng trệt cần sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng chịu ngập ngắn hạn; việc sử dụng dạng nhà phao ở những vùng này không nên áp dụng.
Hướng tới sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có khả năng chống chịu cao cho công trình, nhà ở. |
Còn đối với nhà cao tầng, chú ý nhất là phần tầng hầm và phần bị ngập nước để có cấu trúc bền vững và hoạt động độc lập với khối cao tầng phía trên. Chi tiết và giải pháp thông gió, thoát nhiệt, chống nắng cần chú ý tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên theo hướng tái tạo, sử dụng năng lượng hóa thạch cần tối thiểu và giảm dần; chọn vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, có khả năng chống chịu và tái chế.
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, “khai thác tối đa các giải pháp truyền thống, với minh chứng là sự phát triển bền vững được ông cha ta nương nhờ vào thiên nhiên, xác lập và vận hành tốt, không tiêu tốn nguồn lực kinh phí khổng lồ như hiện nay. Một lý do nữa là dường như chúng ta đang lạm dụng quá mức công nghệ vào xử lý mọi vấn đề, trong đó có BĐKH. Vì vậy, rất cần một giải pháp hài hòa và huy động nội lực và thành tựu từ truyền thống tối đa, kết nối công nghệ kinh tế cao, để tiết kiệm nguồn lực”.
Làm sao để thích nghi trong điều kiện nhiệt độ tăng; mưa bão, sụt lún, sạt lở; nước biển dâng; khi gặp hạn hán và dịch bệnh…? TS.KTS Phan Đăng Sơn đề xuất một số giải pháp kết hợp cho công trình, nhà ở: lựa chọn địa điểm, hướng tuyến, công trình giảm thiểu ảnh hưởng khi BĐKH; hình thái và cấu trúc công trình thân thiện, hòa nhập môi trường tự nhiên, có khả năng chống chịu ngập úng, sụt, trượt và an toàn trong gió bão. Bên cạnh, sử dụng vật liệu có khả năng tái chế, tự hủy; khai thác tối đa nguồn năng lượng tự nhiên như điện mặt trời, gió, nước mưa. Đồng thời, dành đất cho không gian xanh, tăng cường sự thông thoáng, giảm rủi ro đảo nhiệt ĐT và tăng thải carbon… |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin