Định hướng chiến lược quy hoạch kiến trúc cho vùng ĐBSCL

13:56, 11/12/2024

(VLO) Là một kiến trúc sư (KTS) và nhà quy hoạch (QH) với hơn 40 năm kinh nghiệm chuyên môn, nghiên cứu và giảng dạy tại nhiều nước, tại Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2024 vừa tổ chức tại Vĩnh Long, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn đã có những phân tích, gợi ý một số định hướng chiến lược QH kiến trúc (KT) cho vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, xã hội và ứng phó tốt với các nguy cơ về môi trường.

Ưu tiên thúc đẩy hạ tầng đô thị kết nối. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Ưu tiên thúc đẩy hạ tầng đô thị kết nối. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH

Ưu tiên phát triển đô thị về vùng đất cao

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đây là một định hướng chiến lược quan trọng, đem lại hiệu quả rất cao cho việc giúp ĐBSCL sớm thoát khỏi tình trạng là một trong những khu vực có nguy cơ cao nhất thế giới do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng (NBD).

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (2009-2024), ĐBSCL là 1 trong 3 vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do tác động của BĐKH.

Còn theo nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ, nếu mực NBD 1m thì 20% đồng bằng châu thổ sẽ bị mất; dâng 2m diện tích ĐBSCL sẽ bị xóa còn phân nửa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống 15 triệu dân. Còn theo nghiên cứu của 19 nhà khoa học đăng trên tạp chí Science, nếu tiếp tục phát triển với cách thức như hiện nay, đồng bằng sẽ bị nhấn chìm đến 90% diện tích vào năm 2100.

Tuy đó chỉ mới là những dự báo mang tính tham khảo với độ chính xác chưa cao, nhưng rõ ràng nguy cơ ngập gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu cư dân của vùng là có thật, do đó, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn khuyến cáo: “Từ nay các địa phương trong vùng ĐBSCL nên tích hợp bản đồ kịch bản BĐKH và NBD vào bản đồ QH đô thị (ĐT) trong hồ sơ trình duyệt, đi kèm với các đề xuất ưu tiên phát triển ĐT về phía vùng đất cao và các kịch bản ứng phó khác”.

Ưu tiên thúc đẩy hạ tầng

 

Dù lợi thế vị trí nằm gần TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ năng động và phát triển. Tuy nhiên, do hạ tầng kết nối vùng còn khá yếu kém nên đến nay ĐBSCL chưa phát triển tương xứng tầm với tiềm năng. Do đó, việc ưu tiên thúc đẩy hạ tầng kết nối trọng điểm đa phương tiện để tạo nên sức mạnh kinh tế vùng ĐT liên kết là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu hiện nay của ĐBSCL.

“Việc hoàn thành kết nối hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không giữa các ĐT trong ĐBSCL với nhau và với TP Hồ Chí Minh và các ĐT Đông Nam Bộ được càng nhanh chóng hiệu quả chừng nào, phát triển ĐT cũng như phát triển kinh tế sẽ càng đạt mức cao chừng ấy, nhờ phát huy được tác động cộng hưởng từ sự cộng tác liên vùng và liên ngành của các địa phương”- TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng nhấn mạnh việc ĐBSCL cần chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng thuận thiên. Đồng thời, tạo ra các vùng và trục động lực có tiềm năng phát triển hấp dẫn để thu hút đầu tư và nguồn nhân lực.

Đột phá quy hoạch kiến trúc- đem lại sức sống mới cho đồng bằng

Đề xuất tương lai ĐBSCL có thể phát triển tập trung theo 4 hành lang phát triển và từ những định hướng mới về kinh tế- xã hội và môi trường trong tương quan phát triển vùng ĐT, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần khuyến khích hình thái QH KT thích ứng với mô hình phát triển kinh tế mới, với BĐKH, lũ lụt… với những giải pháp QH KT mang tính đột phá mới có thể đem lại sức sống mới cho đồng bằng.

Theo Kỷ yếu Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2024, TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch của Ngo Viet Architects & Planners, là một KTS và nhà QH với hơn 40 năm kinh nghiệm chuyên môn và nghiên cứu, giảng dạy tại nhiều nước gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản… Ông rất gắn bó và có nhiều bài viết về vùng ĐBSCL; từng tháp tùng phái đoàn của Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và KTS Ngô Viết Thụ đi thực địa nghiên cứu phát triển cho ĐBSCL; là thành viên nhóm chuyên gia tác giả Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL (2023).

Theo đó, QH ĐBSCL phải dựa trên các cơ sở khoa học, kế thừa các QH phát triển trước đó, phân chia vùng thành 3 vùng sinh thái, bao gồm vùng nước ngọt, vùng nước lợ và vùng nước mặn. Từ 3 vùng lớn đó, 14 tiểu vùng được hình thành xác định theo từng đặc điểm địa lý sinh thái, sản xuất và xem xét các kịch bản BĐKH, NBD, tình trạng xâm nhập mặn, thời tiết bất thường, và các tình huống biến động nguồn nước sông Mekong ở đầu nguồn.

Trong quá trình đó, các hình thái sản xuất nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông, ĐT... sẽ phải chuyển đổi trong từng giai đoạn, nhằm ứng phó tốt hơn các biến động bất lợi của BĐKH và các yếu tố khác.

Bên cạnh, phát triển những khu ĐT mới theo mô hình tiên tiến, ĐT nén mật độ cao với đầy đủ tiện ích hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giao thông công cộng thuận tiện, và nền đất cao đủ để ứng phó với tình huống kịch bản NBD trong dài hạn.

Cùng với đó, tổ chức lại các nông trường theo hướng cơ giới hóa và công nghiệp hóa theo mô hình hiện đại, giúp cho việc canh tác hiệu suất cao, nhờ có sự hỗ trợ của máy móc và công nghệ. Mặt khác, xây dựng hệ thống hạ tầng đa phương tiện kết nối đa trung tâm, đảm bảo lưu thông thuận tiện trong mọi tình huống thiên tai và BĐKH; kiến tạo hệ thống đê bao bảo vệ cho những khu ĐT lịch sử có nền đất thấp, có nguy cơ ngập cao khi NBD.

Đồng thời, thiết kế KT nhà ở linh hoạt, ví dụ có thể linh động dâng cao theo phao nổi để thích ứng với lũ lụt, có không gian đa dụng và không gian dự phòng để thích ứng trong vùng sống chung với lũ. Đặc biệt, khuyến khích áp dụng các tiêu chí QH và KT xanh như LEED và LOTUS trong việc xây dựng và cải tạo các công trình mới tại vùng ĐBSCL, thông qua các chương trình hướng dẫn cụ thể cho người dân và giảm thuế cho các công trình xanh.

Tổ chức vùng đô thị theo mô hình đa trung tâm, đa bản sắc

Theo TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn, ĐBSCL hiện là “vùng trũng” về ĐT hóa của cả nước. So với các vùng khác, ĐBSCL có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ di cư cao nhất. Kết quả thống kê năm 2019, dân số vùng ĐBSCL là 17,3 triệu người, chỉ tăng rất ít so với mức 17,2 triệu người trước đó 10 năm. Số lượng di cư ròng khỏi ĐBSCL trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người.

Để làm cho ĐBSCL trở lại là nơi đáng sống và thu hút dân cư, các nhà quản lý cần tổ chức lại QH kinh tế- xã hội và QH vùng ĐT theo mô hình đa trung tâm, đa bản sắc với tính cạnh tranh ĐT cao. Trong đó, mỗi khu trung tâm, mỗi khu cộng đồng dân cư đều đem lại các cơ hội việc làm tốt, với cuộc sống có tiện ích hạ tầng xã hội đầy đủ, đáp ứng nhu cầu an cư lạc nghiệp cho cư dân.

TUYẾT HIỀN (lược ghi)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh