Đi chợ quê bên cồn, nghĩ về làng gạch gốm đỏ 

09:53, 22/12/2024
Để trở thành “Điểm hẹn phương Nam”, làng nghề gạch gốm đỏ cần có sản phẩm, dịch vụ ấn tượng, thu hút sự quan tâm của du khách.
Để trở thành “Điểm hẹn phương Nam”, làng nghề gạch gốm đỏ cần có sản phẩm, dịch vụ ấn tượng, thu hút sự quan tâm của du khách.

Phiên chợ quê Tân Thuận Đông mở ra từ cuối năm 2022, họp chiều thứ 7 hàng tuần và đến nay trở thành điểm hẹn yêu thích của du khách. Cùng bạn bè dạo chợ cuối tuần, thưởng thức quà bánh, thức uống dân dã miệt vườn, chúng tôi nghĩ về làng nghề gạch gốm đỏ bên dòng Thầy Cai, nếu có một sản phẩm du lịch tương tự như phiên chợ quê bên cồn dễ thương này, thì sẽ còn hấp dẫn đến cỡ nào? 


Tân Thuận Đông là xã cù lao của TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) bao bọc bởi sông Tiền, miệt vườn tươi tốt, yên bình. Để qua chợ quê, khách xuống đò chạy dọc sông mênh mông dăm mười phút đã cặp bến cù lao xanh mướt… Bước lên chợ quê như được trở về một thời xa, khung cảnh chợ xưa với các quầy hàng bằng tre trúc, mái lá đơn sơ… bày bán đủ các loại trái cây, thức uống dân dã, rau củ miệt vườn. Các chị, các cô vui vẻ mời chào, thân thiện trong chiếc áo bà ba duyên dáng. 


Chúng tôi tham quan vừa mua những món ưa thích, chưa giáp chợ đã tay xách nách mang lỉnh kỉnh đủ thứ đồ ăn. Chợ có khu vực cho khách ngồi ăn uống tại chỗ, bàn ghế được bố trí ven sông rạch thoáng mát, du khách thích thú vừa thổi vừa ăn. Đón gió sông Tiền lồng lộng… 


Nhóm chúng tôi có những người bạn ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh. Họ xem trên TikTok thấy mê quá, bèn rủ rê chúng tôi đi chợ quê một lần cho biết. Ai cũng bất ngờ vì ý tưởng kinh doanh táo bạo này: Mở phiên chợ quê ở bên cồn, đò giang cách trở. Rồi nói tới nói lui mới té ra, chính cái xanh tươi miệt vườn, chuyến đò dập dềnh sóng nước đã tạo thêm sự tò mò, trải nghiệm cho mình. Càng thấy không bõ công lặn lội đường xa xôi tới đây… 


Nhưng chỉ thưởng thức món ăn ngon, “đi khơi khơi” rồi xuống đò về lại thành phố, chúng tôi cảm thấy chưa đã. Cảm giác như còn thiếu một thứ gì đó. 


Một thứ gì đó để tìm hiểu, để dừng chân, chạm vào… Như khi chúng tôi dẫn khách phương xa đến làng nghề gạch gốm bên kênh Thầy Cai của Vĩnh Long mình, họ mê mẩn chụp ảnh, ngắm nghía. Những chủ lò vui vẻ kể cho khách nghe đủ chuyện làng nghề đã cùng ông bà, cha chú gìn giữ, truyền nghề đến trăm năm. Nghề gạch gốm lặng lẽ đi vào đời sống văn hóa người dân miền châu thổ… 


Dù là buổi sớm mai hay hoàng hôn đang xuống, khung cảnh lò gạch gốm luôn hiện ra với vẻ đẹp tráng lệ nhất. Càng trầm trồ, ngạc nhiên trước vẻ đẹp như bước ra từ cổ tích; thán phục bàn tay biết bao người đã dày công đắp xây từng lò gạch như những lâu đài nguy nga. Chiêm ngưỡng một di sản vô giá, chúng tôi tiếc nuối bởi “vương quốc” như vẫn còn đang ngủ say. Qua thời ăn nên làm ra, những lò gạch cũ đang chuyển đổi công năng sang “ngành công nghiệp không khói”, được kỳ vọng thay đổi sinh kế đem lại thu nhập cho người dân làng nghề và trở thành điểm đến độc đáo bậc nhất cho du khách. 


Nhưng nói như những người khách phương xa và cả các chủ lò thừa nhận: Người dân chưa nhận ra mình đang sở hữu một di sản quá độc đáo, chưa nhìn thấy cơ hội cũng như chưa biết làm gì để khai thác nguồn vốn quý sẵn có này. Họ cần được định hướng ngành nghề du lịch để mở ra một viễn cảnh tương lai. 


Thử hình dung dọc tuyến kênh Thầy Cai, mỗi nhà làm một cái bến sông, mở thông tuyến đường ven sông, du khách có thể đi xuyên qua từng sân phơi, nhà xưởng… Mỗi chủ lò sẽ bán một món ăn đặc sản cho khách dừng chân, thưởng thức hương đồng cỏ nội… Mỗi điểm lò gạch sẽ là một trải nghiệm của du khách khi hòa vào đời sống thường ngày của người dân, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua những câu chuyện từ người thật việc thật…

Khi đã có sản phẩm thu hút, lượng khách đủ nhiều, người dân địa phương sẽ làm thêm dịch vụ homestay, hướng dẫn viên, làm quà lưu niệm, dùng những chiếc xuồng nho nhỏ đưa khách đi tham quan, tiếp cận lò gạch gốm từ mặt sông… 

Những món ăn dân dã, đặc sản tạo sức hút du khách ở chợ quê Tân Thuận Đông.
Những món ăn dân dã, đặc sản tạo sức hút du khách ở chợ quê Tân Thuận Đông.


Viễn cảnh đó, bên cạnh những định hướng chiến lược ở cấp vĩ mô, còn rất cần những ý tưởng táo bạo, nguồn lực đủ mạnh để “kích hoạt”, đánh thức làng nghề. Nhưng cần phải làm gì để lôi kéo, thu hút du khách đến với làng nghề trước cái đã. Chúng tôi chợt nghĩ đến một phiên chợ như chợ quê bên cồn Tân Thuận Đông, được đặt trong bối cảnh khu lò gạch cổ kính bên dòng trên kênh Thầy Cai hiền hòa, không biết sẽ còn hấp dẫn và bắt mê đến cỡ nào?

Bài, ảnh: YÊN HƯƠNG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh