Cần sự đồng thuận và cả hy sinh vì lợi ích chung 

07:20, 04/12/2024

Mấy ngày qua, vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trở thành mối quan tâm của nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. 


BCH Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận về chủ trương phải sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, và chủ trương này bắt buộc phải làm.


Tại hội nghị triển khai về công tác này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành triển khai thực hiện, hoàn thành tổng kết và gửi báo cáo về BCĐ trước ngày 31/12/2024. Đồng thời, xây dựng Báo cáo tổng kết, triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo xin ý kiến (hoàn thành trước ngày 15/2/2025). BCĐ sẽ hoàn thiện Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị trước ngày 28/2/2025 để trình Hội nghị BCH Trung ương (dự kiến trung tuần tháng 3/2025) xem xét, thông qua. 


Liên quan tới thực hiện chủ trương này, có ý kiến cho rằng sẽ có những tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của những người có liên quan. Đặc biệt, khi việc sáp nhập có thể dẫn đến việc điều chỉnh, giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức, cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu. 


Thế nên, trong quá trình thực hiện để tạo sự đồng thuận cần bàn thảo thật thấu đáo, làm thật công tâm, khách quan, chính xác và quan trọng là cần cả sự hy sinh, chia sẻ của những người có liên quan. Hơn thế nữa, việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước ở thời điểm này. 


Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận, ủng hộ cao, điều cần quan tâm là phải có những chế độ, chính sách thỏa đáng cho cán bộ dôi dư, bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy. Điều này đã đúc rút được trong quá trình sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như các đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua. 


Trong mọi cuộc cải cách, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng, nhưng sự hy sinh đó phải đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực, thì sẽ tạo được sự đồng thuận từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 


PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhận định, sự quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. 


AN NHIÊN
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh