Xây nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

15:00, 20/11/2024
Các địa phương đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách và công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các địa phương đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách và công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vĩnh Long là tỉnh có cơ cấu đa dân tộc. Thông qua chương trình xây dựng NTM, đời sống kinh tế người dân trong tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Qua đây, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập, nghèo đa chiều, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật trong xây dựng NTM.


Nhiều chuyển biến tích cực 


Huyện Vũng Liêm có 149.912 người với 45.485 hộ. Trong đó, có 1.108 hộ dân DTTS, gồm: 944 hộ Khmer, 141 hộ Hoa và 23 hộ DTTS khác. Những năm qua, tình hình kinh tế- xã hội của huyện có bước phát triển mới. Chương trình xây dựng NTM đã đạt những kết quả nhất định; lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều chuyển biến; quốc phòng- an ninh được giữ vững ổn định; công tác xây dựng Đảng được tăng cường; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được phát huy...


Toàn huyện Vũng Liêm có 2.178 cán bộ, công chức, viên chức (CB.CC-VC). Trong đó, 28 CB.CC-VC là người DTTS. Công tác phát triển đảng viên là người DTTS được quan tâm chỉ đạo thực hiện, 5 năm qua đã phát triển 15 đảng viên, nâng tổng số đến nay có 55 đồng chí đảng viên là người DTTS. Huyện có 6 người uy tín trong đồng bào DTTS, gồm: 1 người Hoa và 5 người Khmer.


Theo ông Võ Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch công tác dân tộc gắn với kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch xuất phát từ điều kiện và khả năng thực tế. Từ đó, tập trung tổ chức thực hiện và công khai các chính sách, chương trình… hỗ trợ đồng bào DTTS, để đồng bào DTTS biết và tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Đồng thời, lồng ghép hợp lý các chương trình, kế hoạch nhằm phát huy tốt các nguồn lực, nhất là nguồn vốn để giảm nghèo. Công tác tuyên truyền, vận động được tiến hành cụ thể, thiết thực, dễ hiểu phù hợp với thực tế ở các địa phương có đông đồng bào DTTS.


Huyện Tam Bình có 152.446 người với 10 dân tộc. Trong đó 3 dân tộc có dân số đông nhất là Kinh 145.974 người, chiếm 95,76%; Khmer 6.266 người, chiếm 4,11%; Hoa 176 người, chiếm 0,11% và 30 người DTTS khác. 


Những năm qua, huyện Tam Bình đã đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách và công tác an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, đời sống người dân Khmer ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2-4 %/năm. Tỷ lệ hộ dân vùng đồng bào DTTS có điện kế chính sử dụng đạt 97,97%. Hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống tập trung đạt 92,5%. Tỷ lệ lao động là người Khmer được đào tạo có việc làm hàng năm là 4,23%. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng kiên cố, đồng bộ để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các công trình thủy lợi ngày càng được hoàn thiện đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 


Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số


Đồng bào Khmer sống rải rác tại các xã, thị trấn trong huyện Tam Bình. Trong đó, tập trung đông nhất ở xã Loan Mỹ với 1.507/1.712 hộ. Loan Mỹ là xã vùng sâu của huyện và ấp Giữa là ấp đặc biệt khó khăn. Cuối năm 2021 xã Loan Mỹ được công nhận đạt chuẩn xã NTM. 


Toàn huyện Tam Bình có 2.200 CB.CC-VC. Trong đó, 166 CB.CC-VC là người DTTS. Công tác xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào DTTS được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Huyện có 6 chi bộ, đảng bộ cơ sở có đảng viên là người DTTS. Trong đó, Đảng bộ xã Loan Mỹ có đông đồng bào Khmer sinh sống với 362 đảng viên, trong số này có 177 đảng viên là người DTTS. Xã có 21 CB.CC, trong đó 5 CB.CC là người DTTS. Bên cạnh, Chi bộ Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Vĩnh Long trực thuộc Đảng bộ huyện Tam Bình có 22 đảng viên, trong đó 6 đảng viên là người DTTS. Trường có 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó 8 người DTTS.


Theo UBND huyện Tam Bình, CB.CC-VC là người DTTS có số lượng khá đông, nhưng chủ yếu thuộc ngành hệ thống dọc, số lượng tham gia công tác cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị chưa đảm bảo theo quy định. Việc bảo tồn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết của người DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhưng tỷ lệ cán bộ biết tiếng DTTS đặc biệt là ở địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer chưa nhiều, làm ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.


Cùng với đó, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS chưa thật sự bền vững; nhận thức của một số hộ dân DTTS chưa cao, chưa ý thức tự lực tự cường vươn lên trong cuộc sống, còn tư tưởng không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách của Nhà nước và xã hội. 


Còn theo đánh giá của UBND huyện Vũng Liêm, người DTTS áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi vẫn còn hạn chế. Từ đó hiệu quả sản xuất chưa cao, làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế gia đình. Một bộ phận người lao động DTTS đang làm việc ở các công ty, xí nghiệp ở các thành phố lớn gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập. Một số hộ chưa mạnh dạn phát triển sản xuất. Tỷ lệ lao động qua đào tạo không cao. Một bộ phận ít quan tâm đến chính sách của Đảng, Nhà nước, ít tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị- xã hội. Công tác vận động, tập hợp đồng bào DTTS tham gia vào các phong trào của các đoàn thể chính trị- xã hội đạt hiệu quả chưa cao. 


Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ CB.CC-VC người DTTS trong tình hình mới, ông Trần Thanh Lâm- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đề nghị cần tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ DTTS, đảm bảo số lượng, chất lượng, chỉ tiêu cho Đại hội Đảng và HĐND các cấp. Bên cạnh, quan tâm đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ DTTS tại chỗ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cùng với đó, có chính sách ưu tiên trong giáo dục và đào tạo đối với người DTTS. Đồng thời, tạo điều kiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đồng bào DTTS một cách đồng đều giữa các thành phần dân tộc.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh