Trong phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy (MTQG-PCMT) đến năm 2030, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang cho rằng, trước tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh về cả nguồn cung và nguồn cầu, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta. Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang thống cao với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết và tính cấp bách của việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển, an ninh, an toàn của đất nước.
Qua nghiên cứu tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội và thông tin từ các cơ quan hữu quan cho thấy, Chương trình MTQG-PCMT đến năm 2030 được xây dựng với 3 nhóm chỉ tiêu (giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại) và 9 dự án thành, 6 tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì, với tổng nguồn vốn dự kiến 22.450,194 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương tối thiểu là 17.725,657 tỷ đồng (chiếm 78,96%), vốn ngân sách địa phương khoảng 4.674,537 tỷ đồng (chiếm 20,82%).
Nội dung chương trình được xây dựng trên cơ sở tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình PCMT giai đoạn 2021-2025; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác PCMT, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy, về cơ bản việc xây dựng Chương trình MTQG-PCMT đến năm 2030 cũng phù hợp với chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác PCMT, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác PCMT của đất nước.
Tham gia góp ý vào các nội dung của chương trình:
Thứ nhất, băn khoăn về tính khả thi của các chỉ tiêu dự kiến triển khai thực đến năm 2030 (5 năm): Nhiều chỉ tiêu chưa đánh giá được cơ sở đề ra cũng như tính khả thi trong thực hiện.
Ví dụ:
- 100% các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá. Đây là một chỉ tiêu khó, với tỷ lệ tuyệt đối như thế này thì tính khả thi không cao, trong khi hiện nay tình hình ma túy diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi, gia tăng sử dụng công nghệ cao, triệt để lợi dụng thành tựu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Internet, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, manh động, sẵn sàng chống trả và gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ
- Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%. Theo đánh giá của Bộ Công an, hiện nay số xã có tệ nạn ma túy chiếm tỷ lệ 83,7%, tương đương với tỷ lệ 16,3% số xã, phường, thị trấn (xã) không có ma túy, như vậy trong thời gian 5 mục tiêu của chúng ta chỉ phấn đấu tăng thêm 3,7% số xã không có ma túy là thấp, vì mỗi năm số xã không ma túy tăng lên chưa được 1% (0,74%), theo tôi ít nhất mỗi năm phải tăng thêm 1-2% số xã không ma túy thì mới thấy rõ quyết tâm chính trị trong làm sạch ma túy trên các địa bàn.
- Ngoài ra, còn có một số chỉ tiêu trong nhóm chỉ tiêu giảm cung, giảm cầu còn thấp so với yêu cầu đặt ra của thực tiễn PCMT như:
+ Trên 70% các đối tượng thực hiện công tác truyền thông được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông về PCMT; trên 80% các cơ quan truyền thông chủ lực và cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn mở các chuyên trang/chuyên mục/chuyên đề về PCMT.
+ Trên 70% lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cấp bộ, cấp tỉnh và lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cảnh sát biển được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại để thu thập, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông tin nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.
+ Trên 80% cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc lực lượng công an nhân dân, cảnh sát biển, hải quan được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Trên 80% các đơn vị và cán bộ, chiến sỹ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc bộ đội biên phòng và cảnh sát biển được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.
+ Trên 95% người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy thuộc diện trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát và nâng tỷ lệ thực hiện đối với các nhóm chỉ tiêu này để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát tính trùng lắp về phạm vi, đối tượng, nội dung các dự án thành phần và các tiểu dự của Chương trình MTQG PCMT với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại kỳ họp này để phân tích các mục tiêu cụ thể và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp nhằm bảo đảm tính khả thi, từ đó đề xuất cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực nhằm tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo các nội dung chương trình được thực hiện tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ ba, đề xuất cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá tính phù hợp của Chương trình với Quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và hệ thống quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Quan tâm làm rõ hơn giải pháp bảo đảm nguồn lực đáp ứng mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra của Chương trình, cơ cấu vốn các dự án thành phần, cơ chế đặc thù phân bổ vốn phù hợp cho các địa phương khó khăn, chưa tự cân đối ngân sách và có tính chất phức tạp về ma túy.
Thứ tư, về quan điểm ưu tiên nguồn lực cho thực hiện các chương trình, mục tiêu trong các dự án thành phần và tiểu dự án, tôi đề xuất cơ quan hữu quan ưu tiên nguồn lực 2 lĩnh vực:
- Nguồn lực cho công tác truyền thông PCMT, việc ưu tiên dành nguồn lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục là hết sức cần thiết và cấp bách, là giải pháp căn bản giúp người dân nâng cao nhận thức, phát hiện vấn đề tạo dư luận xã hội và định hướng cho quần chúng có cái nhìn đúng, đủ về tác hại và hậu quả của ma túy, tự giác cùng lực lượng chức năng tố giác tội phạm ma túy.
- Nguồn lực đầu tư cho công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên không gian mạng, thời gian qua, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng sự tiến bộ của khoa học- công nghệ như: sử dụng phương thức thanh toán giao dịch bằng thẻ ngân hàng quốc tế; tinh vi hơn là sử dụng tiền ảo (bitcon, ethereum- tuy không có giá trị ở Việt Nam nhưng vẫn có giá trị quy đổi và thanh toán ở một số quốc gia, liên lạc qua mạng xã hội: zalo, facebook, viber, telegram…), mạng chìm gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện điều tra, xử lý, chúng ta vẫn chưa đánh giá được toàn diện “bức tranh” tội phạm ma túy trên không gian mạng.
Thứ năm, đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề về cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, phân khai trách nhiệm các cơ quan trong thực hiện chương trình theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo tinh gọn đầu mối, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục triển khai, thực hiện, thanh quyết toán kinh phí để đảm bảo tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực, chương trình được triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin