Tập trung xuống giống vụ lúa Đông Xuân

11:14, 19/11/2024

Thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2024-2025. Để thực hiện thắng lợi vụ lúa, nông dân đã tuân thủ các khuyến cáo về thực hiện xuống giống tập trung theo đúng lịch thời vụ, phòng tránh rủi ro do các loại dịch hại nói chung và thiên tai gây ra. 

Nông dân tập trung chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân.
Nông dân tập trung chuẩn bị xuống giống vụ lúa Đông Xuân.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, ngành đã khuyến cáo bố trí thời vụ theo hướng tập trung “né rầy”, đồng loạt trên từng khu vực; không nên xuống giống kéo dài so với khung lịch chung.

Đặc biệt, vùng có nguy cơ nhiễm mặn cần xuống giống sớm để “né mặn” ở thời điểm cuối vụ. Theo đó, lịch xuống giống vụ lúa này tập trung trong 3 đợt. Trong đó, hiện nông dân trong tỉnh đang tập trung xuống giống đợt 2, với diện tích xuống giống khoảng 30.000ha, tập trung từ ngày 8-28/11/2024 (nhằm con nước từ mùng 10-25/10 âl), đây là đợt xuống giống chính của tỉnh và phân bố tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Tính đến nay, lúa vụ Đông Xuân 2024-2025 đã xuống giống trên 11.600ha, đạt gần 30% kế hoạch (40.000ha), tăng 5,4 lần hay tăng gần 9.500ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trên 9.600ha trà lúa đang ở giai đoạn mạ, trên 850ha đẻ nhánh, trên 1.100ha đồng trổ.

Vừa gieo sạ xong 5 công lúa giống OM18, chú Nguyễn Văn Bền (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho hay: “Ngay sau thu hoạch lúa vụ Thu Đông, tôi đã tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng về việc tiến hành làm đất và vệ sinh đồng ruộng, rồi mở đồng đưa nước lũ vào ruộng nhằm tiêu diệt các mầm sâu bệnh, bồi bổ phù sa cho đất. Tôi thực hiện sạ lúa bằng máy phun hạt nên tiết kiệm được thời gian, chi phí so với trước đây gieo sạ bằng tay”.

Chú Lê Tấn Lợi (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cũng cho biết: “Do vụ lúa Thu Đông tôi thu hoạch ngay đợt mưa nên không đem rơm ra khỏi ruộng được. Nên sau đó, tôi vệ sinh đồng ruộng, trục vùi rơm rạ, sử dụng nấm Trichoderma, bón lót phân lân để hạn chế ốc bươu vàng đẻ trứng, nguồn sâu hại lây lan, hạn chế được ngộ độc hữu cơ cho lúa Đông Xuân”.

Để có vụ mùa thắng lợi, ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, cho biết: Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận hoặc tương đương. Trong đó, nhóm giống lúa chủ lực có khả năng thích ứng rộng, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tốt: OM5451, OM4900, OM6976, Đài thơm 8, OM18…; nhóm giống lúa bổ sung: OM380, OM34, OM429, OM2517, OM9577, OM9955…; các giống lúa chống chịu phèn, mặn như OM6976, OM5451, OM9921, OM380 (chịu được độ mặn ở mức độ trung bình- khá), OM9577, OM9955 (giống lúa chịu mặn ở mức độ khá hơn).

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cần đảm bảo có cách ly về thời gian giữa các vụ lúa ít nhất 3-4 tuần nhằm hạn chế ảnh hưởng bởi ngộ độc hữu cơ, đồng thời ngăn chặn sự lưu tồn và lây lan của dịch bệnh. 

Cụ thể, sau khi thu hoạch lúa cần vệ sinh đồng ruộng, cày, xới vùi gốc rạ vào đất và phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh. Chỉ nên bắt đầu xuống giống lúa tập trung cách thời điểm thu hoạch lúa khoảng 3-4 tuần, ít nhất 2-3 tuần.

Khuyến cáo và nhân rộng các mô hình sản xuất giảm giá thành như: “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, canh tác bền vững, thông minh, mô hình công nghệ sinh thái, áp dụng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV, bón phân cân đối. Ứng dụng cơ giới đồng bộ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, xây dựng các vùng trồng sản xuất có truy xuất nguồn gốc đáp ứng các tiêu chí tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Song song đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành các công trình, đê bao thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thuộc nguồn vốn tỉnh, vốn Trung ương đầu tư, đồng thời đề nghị các địa phương rà soát lại hệ thống đê bao, thủy lợi nhanh chóng tu sửa những nơi xung yếu, xuống cấp nhằm đảm bảo cho sản xuất. 


“Các địa phương cần rà soát lại tình hình thực tế trên địa bàn và có kế hoạch tổ chức chỉ đạo sản xuất cụ thể cho từng vùng. Những vùng sản xuất lúa 3 vụ không hiệu quả phải bố trí lại mùa vụ theo hướng 2 vụ lúa- 1 vụ màu; 2 vụ lúa- 1 vụ cá; 2 vụ màu- 1 vụ lúa hoặc chỉ 2 vụ lúa.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; có phương án tham mưu điều tiết cấp thoát nước, sử dụng nước phù hợp cho sản xuất. Đặc biệt, cần chỉ đạo tốt việc liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản”- ông Nguyễn Văn Liêm khuyến cáo. 

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, ước diện tích lúa gieo trồng cả vụ Thu Đông gần 35.400ha, đạt 118% kế hoạch hay tăng gần 5.400ha so với kế hoạch. Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch trên 31.500ha lúa Thu Đông (đạt gần 90% diện tích gieo trồng), ước sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt trên 181.800 tấn với năng suất bình quân ước đạt 5,76 tấn/ha.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh