PHỎNG VẤN:
Sản phẩm gạch, gốm đỏ Vĩnh Long mang đậm dấu ấn văn hóa, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương

08:25, 09/11/2024
Vào lúc 20 giờ ngày 16/11, tại Làng nghề sản xuất gạch, gốm kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Bộ Văn hóa-TT-DL, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp-PTNT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức lễ khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 với quy mô tổ chức cấp khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, BTC cũng mở rộng mời TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh, thành khu vực miền Trung, miền Bắc tham gia.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc phỏng vấn ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 về vị trí của làng nghề đối với sự phát triển của tỉnh Vĩnh Long, cũng như những kỳ vọng của tỉnh vào festival này.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời.


* Thưa ông! Làng nghề gạch gốm đỏ Vĩnh Long có tuổi đời hơn trăm năm, được đánh giá là làng nghề gạch gốm đỏ lâu đời và độc đáo nhất miền Tây. Ông đánh giá thế nào về vị trí của làng nghề đối với sự phát triển của tỉnh Vĩnh Long trong thời gian qua?


- Ông Lữ Quang Ngời: Ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX, ở khu vực Nam sông Cổ Chiên. Đến những năm giữa thế kỷ XX, toàn tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch ngói nung. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, số lượng lò gạch tăng mạnh lên 2.300 lò (riêng ngành sản xuất gốm ra đời vào năm 1983 và phát triển mạnh từ năm 1997 đến nay), với trên 12.000 lao động tham gia sản xuất, với hàng ngàn mẫu mã khác nhau, các sản phẩm gốm Vĩnh Long đã có mặt ở khắp các châu lục và quốc gia trên thế giới như EU, Mỹ, Châu Úc, Nhật Bản,…, với sản lượng sản xuất tăng lên gần 50 triệu sản phẩm/năm, doanh thu bình quân hàng năm của các doanh nghiệp ngành gạch gốm ước khoảng 700 tỷ đồng và dần trở thành thế mạnh, đặc trưng của tỉnh, nổi tiếng với thương hiệu “Gốm đỏ Vĩnh Long”, sản phẩm đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh, có thời điểm ngành sản xuất gạch gốm chiếm khoảng 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, đóng góp ngân sách tỉnh khá lớn, góp phần phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương và nâng cao đời sống người dân trong khu vực. 


* Hoạt động sản xuất gạch gốm đỏ Vĩnh Long đã có thời gian thăng trầm, có giai đoạn phát triển hàng ngàn miệng lò với hàng trăm công ty xuất khẩu, nhưng cũng có giai đoạn làng nghề đìu hiu. Nhưng làng nghề đã vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển như hôm nay. Để vực dậy làng nghề thì ngoài những chủ trương phù hợp của tỉnh, bên cạnh đó còn có sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức. Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của những cá nhân, tổ chức trong việc vực dậy làng nghề như hôm nay?

Những lò gạch, gốm dọc hai bên kênh Thầy Cai nhìn từ trên cao. Ảnh: TRẦN NGỌC
Những lò gạch, gốm dọc hai bên kênh Thầy Cai nhìn từ trên cao. Ảnh: TRẦN NGỌC


- Ông Lữ Quang Ngời: Về những đóng góp của cá nhân, tổ chức trong việc vực dậy làng nghề trong thời gian qua là rất đáng được trân trọng, thể hiện lòng yêu nghề, yêu quê hương, đất nước thông qua việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển một ngành nghề truyền thống đã được ông cha ta từ bao thế hệ đã dày công vun đắp và lưu truyền đến ngày nay.


Về tổ chức, BCH Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đã có nhiều đóng góp cho phát triển ngành sản xuất gạch gốm tỉnh nhà. Hiệp hội là cầu nối giúp các doanh nghiệp sản xuất gạch gốm phản ánh những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng đến với các cơ quan quản lý nhà nước để từ đó giúp cơ quan quản lý nhà nước tham mưu ban hành các chính sách gắn với thực tế, sát với nhu cầu, khả năng thực hiện để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. 


Về cá nhân, để giữ gìn, khôi phục làng nghề gạch gốm Mang Thít, trước hết là công lao, tâm huyết của cộng đồng, của những người thợ thủ công truyền thống. Chính họ đã giữ lửa, giữ nghề, đưa sản phẩm của Vĩnh Long đi khắp ĐBSCL và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều người ở nhiều quốc gia biết đến Vĩnh Long từ các sản phẩm, tác phẩm mỹ nghệ làm từ đất sét Vĩnh Long. Để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các tác phẩm, sản phẩm gạch gốm đỏ Vĩnh Long bên cạnh các doanh nghiệp đi đầu như Ba Nghĩa, Tư Buôi, Sáu Lộc, Tám Nhiệm, Đoàn Thị Ngọc Diệp... dành nhiều tâm huyết với làng nghề, thì các nghệ sĩ, điêu khắc gia của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có vai trò hết sức quan trọng. Các họa sĩ Lê Triều Điển, Thế Đệ, Đặng Can, Lê Quý, Trần Có... đã gắn bó với làng nghề truyền thống, thổi hồn vào đất thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Gốm của làng nghề chúng ta là gốm đỏ, thô, không tráng men như những làng nghề khác nhưng đạt giá trị thẩm mỹ cao, hấp dẫn người xem, khách hàng xa gần là nhờ vào bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ. 


* Vĩnh Long xác định lấy sản phẩm gạch gốm đỏ làm điểm nhấn trong phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh. Ông có thể cho biết những giá trị về văn hóa, du lịch mà làng nghề nói chung, sản phẩm gạch gốm đỏ nói riêng đã và sẽ mang lại?


- Ông Lữ Quang Ngời: Giá trị về văn hóa, du lịch mà làng nghề nói chung, sản phẩm gạch gốm đỏ nói riêng đã mang lại, đó là:


Thứ nhất giá trị về văn hóa: Bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề nhằm khẳng định kết quả của việc giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, thể hiện tình đất, tình người thông qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và kiến trúc có tính nghệ thuật cao của các lò gạch, gốm đã tạo ra các sản phẩm gạch, gốm đặc trưng có giá trị về kinh tế và tính thẩm mỹ cao, vì thế nên hoạt động của làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm qua. Trong thời kỳ tiếp biến văn hóa, nét văn hóa truyền thống của làng nghề vẫn được gìn giữ lồng vào trong cuộc sống đương đại.


Thứ hai giá trị về du lịch: Đối với lĩnh vực du lịch thì đây được xem là sản phẩm đặc thù làm cơ sở để liên kết vùng, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan Vĩnh Long. Quy hoạch bảo tồn làng nghề gạch, gốm nhằm tạo nét đặc trưng riêng cho Vĩnh Long, đồng thời phát huy giá trị làng nghề thông qua các hoạt động du lịch với các khu chức năng như khu trải nghiệm sản xuất gạch, gốm; khu nghỉ dưỡng loại hình homestay; khu trưng bày các sản phẩm làng nghề; sản xuất quà lưu niệm.


 
Làng gốm Tư Buôi (Phường 5, TP Vĩnh Long) được xây dựng hoàn toàn bằng gạch gốm đỏ là điểm đến thú vị với nhiều du khách thập phương.Ảnh: Nguyên Khánh
  Làng gốm Tư Buôi (Phường 5, TP Vĩnh Long) được xây dựng hoàn toàn bằng gạch gốm đỏ là điểm đến thú vị với nhiều du khách thập phương.Ảnh: Nguyên Khánh


* Tỉnh đang có kế hoạch tổ chức Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh. Ông có thể cho biết những kỳ vọng của tỉnh vào festival này?


- Ông Lữ Quang Ngời: Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần thứ I năm 2024 là sự kiện quan trọng của tỉnh Vĩnh Long được chuẩn bị chu đáo. Sự kiện có nhiều hoạt động nổi bật, hấp dẫn như: Khu hội chợ, triển lãm công thương, nông nghiệp, du lịch với quy mô 700-800 gian hàng, nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo, hội thi của ngành nông nghiệp, công thương, du lịch. Ngoài ra còn có không gian trưng bày và trải nghiệm sản xuất gạch, gốm, văn hóa đặc trưng “Đất và người Vĩnh Long”; tái hiện trên bến dưới thuyền; xác lập kỷ lục Việt Nam 102 món ăn từ tàu hủ ky và dùng kèm tàu hủ ky đầu tiên tại Việt Nam; biểu diễn flyboard, thi đấu đua ghe tam bản; trình diễn múa rối nước, diều Led,…


Qua sự kiện festival lần này, tỉnh Vĩnh Long tin tưởng và kỳ vọng sẽ hun đúc, khơi gợi thêm tình yêu làng nghề truyền thống; tin tưởng, khát vọng giữ nghề, làm giàu bền vững từ làng nghề của cộng đồng địa phương, của các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh. Từ đó giá trị sản phẩm làng nghề truyền thống được nâng lên cao hơn, trở thành những tác phẩm nghệ thuật đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã; đi xa hơn, đi nhiều hơn ở tầm quốc gia, quốc tế. Cũng qua festival nhận thức chung của các cấp, các ngành, các cơ quan chuyên môn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy, phát triển làng nghề gạch gốm được nâng lên. Từ đó để mọi người, mọi ngành cùng nhìn thấy tiềm năng to lớn của làng nghề trong việc góp phần tăng trưởng kinh tế; liên kết với các tỉnh thành lân cận phát triển du lịch tỉnh nhà, du lịch ĐBSCL.


NGỌC LIỄU (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh