Gia đình (GĐ) là tế bào của xã hội. Xuất phát vai trò và tầm quan trọng của mỗi GĐ đối với sự phát triển của đất nước, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thể hiện sự quan tâm đến công tác xây dựng và bảo vệ GĐ hạnh phúc, phát triển bền vững. Trong đó, có nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).
Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền với nhiều hoạt động phong phú, đề cao giá trị gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc. Ảnh: HẢI YẾN |
Năm 2024, công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở về công tác PCBLGĐ có chuyển biến tích cực, nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCBLGĐ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Từ đó đã chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động phù hợp chức năng nhiệm vụ từng ngành, từng lĩnh vực. Công tác truyền thông về xây dựng GĐ hạnh phúc và PCBLGĐ được các cơ quan phối hợp thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được sự quan tâm cũng như tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với vai trò là Thường trực BCĐ công tác GĐ tỉnh Vĩnh Long, Sở Văn hóa-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan thành viên BCĐ và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường công tác xây dựng GĐ trong tình hình mới và các kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển GĐ Việt Nam, chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong GĐ, chương trình quốc gia về PCBLGĐ trong tình hình mới đến năm 2025... và nhiều văn bản thuộc lĩnh vực công tác GĐ giai đoạn hiện nay.
Tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về PCBLGĐ, các mục tiêu, nhiệm vụ của UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1166/UBND-VX ngày 4/3/2024 về việc tăng cường công tác PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và Công văn số 3086/UBND-VX ngày 22/5/2024 về việc triển khai Quyết định số 428/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh.
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCBLGĐ được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong năm, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã tổ chức 5.987 cuộc tuyên truyền với 216.873 lượt người tham dự thông qua chương trình phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm của cơ quan, đơn vị, địa phương, họp giao ban, sinh hoạt đoàn thể, hội thi, tọa đàm... và nhiều hình thức khác gắn với các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện và treo 450 băng rôn, 220 cờ nội dung, 620 khẩu hiệu trên các tuyến đường chính, nội ô thành phố, nơi tập trung đông dân cư, trước cổng cơ quan, đơn vị, trường học; thay mới nội dung 274m2 pano tấm lớn. Hệ thống loa truyền thanh thông minh trên địa bàn tỉnh tăng cường phát sóng tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCBLGĐ.
Sở Văn hóa-TT-DL phối hợp Sở GD-ĐT tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền trực tiếp về công tác GĐ, giáo dục đạo đức, lối sống trong GĐ, bộ tiêu chí ứng xử trong GĐ, nội dung Luật PCBLGĐ tại 8 trường THPT trên địa bàn tỉnh có trên 1.600 lượt đại biểu là giáo viên, học sinh tham dự. Phối hợp Báo Vĩnh Long thực hiện 3 chuyên trang tuyên truyền về xây dựng GĐ hạnh phúc, PCBLGĐ (với 10 trang báo in và báo điện tử) nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày GĐ Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xóa bỏ BL đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11. Ngoài ra, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long thực hiện tuyên truyền 172 tin, 78 bài, phỏng vấn trên sóng phát thanh và sóng truyền hình; Công an tỉnh thông qua chuyên mục Vì An ninh Tổ quốc, ANTV Vĩnh Long, fanpage Phụ nữ Công an thực hiện 109 tin, bài tuyên truyền.
Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác GĐ, PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, BCĐ công tác GĐ được thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, được kiện toàn thành viên kịp thời. Toàn tỉnh hiện có 124 công chức thực hiện nhiệm vụ công tác GĐ và PCBLGĐ, cụ thể: có 1 công chức chuyên trách cấp tỉnh thuộc phòng quản lý văn hóa và GĐ, 16 công chức kiêm nhiệm cấp huyện, và 107 công chức văn hóa cấp xã kiêm nhiệm (số liệu tính đến 31/10/2024). Ngoài ra, còn có sự tham gia tuyên truyền, vận động, can thiệp, xử lý các vụ BLGĐ của 728 ban chủ nhiệm CLB GĐ phát triển bền vững; 500 nhóm PCBLGĐ và 752 tổ hòa giải cơ sở tại các ấp, khóm, khu trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các mô hình, đề án về xây dựng GĐ hạnh phúc, PCBLGĐ do các cơ quan, đơn vị triển khai, nhân rộng tại các xã, phường, thị trấn đã hình thành mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên rộng khắp trong Nhân dân. Nổi bật là mô hình “Can thiệp PCBLGĐ”, đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong GĐ” của ngành văn hóa; mô hình “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật” của ngành công an; mô hình “PCBLGĐ, mua bán người”; CLB PCBLGĐ và xâm hại trẻ em; tổ phụ nữ PCBLGĐ; ngôi nhà hạnh phúc... của các cấp hội LHPN. Song song đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động PCBLGĐ thông qua phong trào xây dựng “GĐ văn hóa”, “GĐ ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, đăng ký thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong GĐ “GĐ 5 không 3 sạch”, “GĐ 5 có 3 sạch”… Từ đó, nhận thức của người dân về PCBLGĐ từng bước được nâng lên, số vụ BLGĐ có xu hướng giảm.
Trong năm, Sở Văn hóa-TT-DL tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác GĐ và PCBLGĐ tại 13 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện, thị xã. Qua kiểm tra, các địa phương cơ bản thực hiện tốt nội dung quản lý nhà nước về công tác GĐ và PCBLGĐ. Theo báo cáo các huyện, thị xã, thành phố, năm 2024, toàn tỉnh có 10 vụ BLGĐ (giảm 4 vụ so với cuối năm 2023). Trong đó: BL tinh thần 3 vụ; BL thân thể 7 vụ. Các địa phương và ngành chức năng đã xử lý theo quy định pháp luật 10 vụ (đạt tỷ lệ 100%). Trong 10 vụ BLGĐ được phát hiện và xử lý thì có 2 người bị BLGĐ là trẻ em (dưới 16 tuổi), 2 người bị BL là người cao tuổi trong GĐ (trên 60 tuổi).
Bên cạnh những thuận lợi, công tác PCBLGĐ cũng còn một số khó khăn như đội ngũ cán bộ tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ ở cấp huyện và cấp xã tuy được tập huấn, bồi dưỡng hàng năm. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ này ở cơ sở chưa ổn định, luôn có sự thay đổi dẫn đến việc theo dõi, tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ không được liên tục. Ngoài ra, ngoài công việc chuyên môn còn kiêm nhiệm một số nhiệm vụ khác nên công tác tham mưu, triển khai thực hiện công tác GĐ, PCBLGĐ đôi khi chưa đạt kết quả cao.
Cấp ủy, chính quyền địa phương có quan tâm cho công tác PCBLGĐ nhưng chưa nhiều vẫn còn một số địa phương xem nhẹ công tác PCBLGĐ. Một số xã chưa quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác PCBLGĐ theo quy định kể cả cấp huyện và cấp xã (gồm huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân, Long Hồ và TX Bình Minh). Vì vậy, các nhiệm vụ công tác GĐ, PCBLGĐ chưa được quan tâm thực hiện, chủ yếu lồng ghép tuyên truyền trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.
Các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể tỉnh có tham gia, phối hợp tổ chức hoạt động PCBLGĐ, tuy nhiên không thường xuyên liên tục do không có kinh phí riêng cho công tác này mà lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Để duy trì và phát huy kết quả đạt được trong công tác PCBLGĐ trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm, tập trung đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng GĐ trong thời kỳ mới; nâng cao các kiến thức, kỹ năng về công tác PCBLGĐ... nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị, GĐ và xã hội về PCBLGĐ. Phối hợp tốt trong việc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách cho hoạt động PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh.
Củng cố, kiện toàn BCĐ công tác GĐ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Xây dựng, phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, GĐ và trẻ em thực hiện nhiệm vụ công tác GĐ và PCBLGĐ tại các ấp, khóm, khu. Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ về PCBLGĐ cho cán bộ, đảng viên, công chức, đặc biệt là những người trực tiếp tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ PCBLGĐ các cấp.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các cấp tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí cho các hoạt động PCBLGĐ; trong phạm vi quản lý và chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan công tác PCBLGĐ. Tích cực, chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân kỷ niệm ngày GĐ Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về PCBLGĐ (tháng 6) hàng năm, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, trong việc quan tâm xây dựng GĐ no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Các địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình, đề án, CLB về xây dựng GĐ hạnh phúc, PCBLGĐ do các cơ quan, đơn vị triển khai.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, tư vấn và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những cá nhân, GĐ có hành vi vi phạm pháp luật về PCBLGĐ. Kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, GĐ có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác này.
HOÀNG OANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin