Phát triển kiến trúc hướng tới tương lai

15:07, 20/11/2024
 

 Hội thảo Gặp gỡ mùa thu 2024 với chủ đề Kiến trúc (KT) nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong khuôn khổ Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long.

Ông Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, có bài tham luận nêu lên vấn đề phát triển nhà ở, tạo sinh kế trong điều kiện BĐKH hiện nay và định hướng sắp tới… ông mong muốn các KT sư, các nhà khoa học tìm ra được giải pháp để giải quyết vấn đề này cũng như định hướng không gian phát triển đô thị vừa bảo tồn nền nông nghiệp văn minh lúa nước của ĐBSCL.


Kiến trúc hiện đại, bền vững là ưu tiên hàng đầu


Ông Bùi Văn Nghiêm mang đến góc nhìn sâu sắc từ việc tìm hiểu các khía cạnh lịch sử và thực tiễn của quá trình chỉnh trị sông ngòi, kênh rạch tại ĐBSCL dưới góc nhìn lịch sử khẩn hoang. Đồng thời, phân tích bài học thực tiễn từ các quốc gia có kinh nghiệm về quản lý và khai thác không gian mặt nước, như Hà Lan.

Tham luận cũng giới thiệu các dự án thực tiễn tại tỉnh Vĩnh Long- một trong những khu vực giàu tiềm năng để phát triển các mô hình đô thị và không gian sống ven sông, tạo điều kiện cho du lịch sinh thái phát triển, cũng như cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Qua đó, chỉ ra vai trò thiết yếu của việc quản lý và khai thác không gian mặt nước trong cấu trúc đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh BĐKH và áp lực gia tăng dân số tại ĐBSCL. 


Bày tỏ vui mừng đón tiếp các chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch- KT đầu ngành, nhiều nhà quản lý, các KT sư có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước đến Vĩnh Long, ông Lữ Quang Ngời- Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Hội thảo là cơ hội để cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp KT nhà ở thích ứng với BĐKH, hướng tới xây dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho cộng đồng.


Là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực ĐBSCL, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030 Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với BĐKH. “Để đạt mục tiêu trên, việc phát triển một nền KT hiện đại, bền vững, thích ứng với BĐKH là một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Vĩnh Long”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.


Theo ông, hiện BĐKH đang gây ra nhiều tác động đáng kể đến tỉnh Vĩnh Long nói riêng cũng như khu vực ĐBSCL nói chung, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người dân. Sự ảnh hưởng của nước biển dâng và hiện tượng ngập lụt tại Vĩnh Long cũng gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Từ năm 2000 đến nay, mực nước lũ tại sông Cửu Long đã tăng khoảng 15-20cm, dẫn đến ngập lụt ngày càng thường xuyên hơn. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình. Các khu vực ven sông và đất thấp cũng bị xói mòn nhanh chóng, đe dọa hạ tầng kỹ thuật và các công trình ngầm. Hiện tượng xâm nhập mặn ở Vĩnh Long ngày càng phức tạp và lan rộng, trong đó có những khu vực nồng độ mặn lên tới 4‰ vào mùa khô, gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và nguồn nước sinh hoạt. Sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều nơi và ngày càng nghiêm trọng hơn.


Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, giông lốc và mưa lớn cũng tác động mạnh mẽ đến Vĩnh Long, buộc các công trình phải xây dựng với kết cấu bền vững hơn để chống chịu tốt hơn. Lượng mưa lớn kết hợp triều cường thường gây ra tình trạng ngập lụt tại các khu vực trũng thấp. Những tác động này đang đặt ra nhiều thách thức cho việc quy hoạch- KT, xây dựng công trình của các đô thị phải thích ứng với BĐKH, vấn đề phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết.


Nguồn cảm hứng, động lực hướng đến tương lai thịnh vượng


Nhận định hội thảo Gặp gỡ mùa thu năm 2024 với chủ đề “KT nhà ở thích ứng với BĐKH” vô cùng ý nghĩa và phù hợp với xu hướng hiện nay, ông Lữ Quang Ngời bày tỏ tin tưởng: “Những ý kiến đóng góp, những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn của quý đại biểu tại hội thảo sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực để hướng đến một tương lai KT Việt Nam nói chung, của ĐBSCL nói riêng ngày càng bền vững và thích ứng BĐKH”.

Vĩnh Long có tiềm năng khai thác mặt nước để phát triển, mở rộng không gian đô thị, tạo bản sắc sông nước vùng châu thổ ĐBSCL. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Vĩnh Long có tiềm năng khai thác mặt nước để phát triển, mở rộng không gian đô thị, tạo bản sắc sông nước vùng châu thổ ĐBSCL. Ảnh: NGUYÊN KHÁNH


Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn- Chủ tịch Hội KT sư Việt Nam, BĐKH là một trong những chủ đề có tính thời sự nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Mỗi quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới đều đưa vấn đề đó vào nhóm nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong bước đường đi tới hiện nay. Tại Việt Nam, Chính phủ và các ngành, các cấp, từng địa phương cũng đang mạnh mẽ, quyết liệt bước vào công cuộc tìm giải pháp ứng phó để chủ động thích nghi trong tương lai gần.


Theo đánh giá của các tổ chức chuyên môn có uy tín trên thế giới, nước ta nằm trong số ít nước ở vùng bị ảnh hưởng lớn nhất về BĐKH, nhất là vấn đề nước biển dâng, nên nhiệm vụ này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Lĩnh vực quy hoạch, KT, xây dựng theo cấu trúc chung sẽ là những mũi nhọn, thuộc nhóm phải đi đầu trong đề xuất các giải pháp nền tảng cho vấn đề này. ĐBSCL sẽ là vùng đặc biệt với ảnh hưởng nghiêm trọng, rất cần những giải pháp thực tiễn, kịp thời và hiệu quả cao.


Trên tinh thần chủ động và tiên phong, Hội KT sư Việt Nam luôn cố gắng nhập cuộc những kế hoạch hành động quốc gia với tinh thần tâm huyết cao nhất, chuyên môn cống hiến kịp thời nhất, với lực lượng chuyên gia giàu trí tuệ, nhiệt thành nhất, kết nối, sẻ chia trên phạm vi trong nước và quốc tế. 


Hội thảo mùa thu với chủ đề “KT nhà ở ứng phó với BĐKH” do hội tổ chức lần này cũng không nằm ngoài những mục tiêu đó. Từ trung tâm là hơn 40 bài viết chuyên khảo, tập trung tại kỷ yếu gần 400 trang, đã đưa đến một bức tranh đa sắc, khá toàn diện về nhìn nhận, nghiên cứu, đề xuất từ các nhà chuyên môn trong và ngoài nước, đã cất công tìm tòi, nghiên cứu. Góp phần khai thông thêm dòng chảy ứng phó, để thích nghi với BĐKH gắn với từng vùng bản địa. Với hy vọng sẽ có những đề xuất hướng đi và giải pháp mới xuất hiện. 


Với 6 bài tham luận trình bày tại hội thảo, đã tiếp cận vấn đề xuất phát từ thực tiễn, để nghiêm cẩn tập hợp, xem xét, đánh giá những thành tựu, bài học đã có trên phạm vi toàn cầu cho đến từng vùng miền bản địa đất nước. Từ đó, đề nghị nội dung cần tiến hành cho hiện tại và tương lai ở Việt Nam. Vì vậy, chúng ta sẽ được cập nhật từ tổng quan đến chi tiết, từ lý thuyết đến giải quyết cụ thể xung quanh chủ đề này khá đa dạng, rõ ràng.


“Đặc biệt hội thảo này chúng ta còn có sự tham kiến, gợi hướng nghiên cứu, triển khai của chính các nhà lãnh đạo hàng đầu của tỉnh Vĩnh Long. Điều đó, càng góp phần hữu ích ý nghĩa cao về thực tế, xuất phát từ vùng nguy cơ tiềm tàng bị hưởng nặng nhất của BĐKH ở nước ta: miền Tây Nam Bộ”- TS.KTS Phan Đăng Sơn bày tỏ. 

Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm
Với diện tích mặt nước rộng lớn và cảnh quan đặc trưng, Vĩnh Long có tiềm năng khai thác mặt nước để phát triển, mở rộng không gian đô thị và tạo bản sắc sông nước vùng châu thổ ĐBSCL. Đặc biệt hình thành các không gian dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ven sông, kênh rạch. Phương thức này vừa tận dụng được tiềm năng và thế mạnh của vùng đất, vừa hạn chế thấp nhất việc thu hồi đất lúa cho việc chuyển đổi thành không gian đô thị.

TUYẾT HIỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh