Nhiều đoạn sạt lở được gia cố, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn biến rất phức tạp, tần suất và mức độ sạt lở ngày càng gia tăng. Mặc dù các ngành liên quan, địa phương và người dân có nhiều biện pháp bảo vệ bờ sông, kênh rạch, song công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi các ngành, các cấp cần nỗ lực hơn để phát huy hiệu quả.
Diễn biến bất ngờ, khó dự đoán
Mặc dù các cấp, các ngành đã nỗ lực ứng phó, nhưng sạt lở vẫn gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống người dân. Bên cạnh những mặt đạt được trong công tác phòng chống thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Điểm dễ nhận thấy là các vụ sạt lở thường diễn ra bất ngờ, khó dự đoán và gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo ông Đặng Minh Quân- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, tình hình sạt lở, sụp lún trên các tuyến đường đan giao thông và các tuyến đê bao, bờ bao ven sông lớn vẫn còn xảy ra, nhất là trong những ngày triều cường đạt đến đỉnh; diễn biến của thời tiết ngày càng phức tạp, khó khăn cho công tác ứng phó và phòng tránh.
Ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Trà Ôn cho rằng: Công tác tuyên truyền trong phòng chống thiên tai nói chung và sạt lở bờ sông nói riêng vẫn còn hạn chế và không kịp thời, đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống sạt lở bờ sông. Cùng với đó, nhận thức của người dân chưa cao, ít quan tâm xem đó là việc của Nhà nước mà chưa thấy trách nhiệm của mình.
Trong khi đó, việc người dân xây dựng công trình, nhà ở ven sông, rạch luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nguy hiểm, đe dọa tính mạng, tài sản trong mùa mưa lũ, gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa và hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đặc biệt với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết bất thường làm cho tình trạng sạt lở công trình, nhà ở ven sông, kênh, rạch ngày càng gia tăng.
Đó là chưa kể công tác dự báo về sạt lở bờ sông ở ĐBSCL chưa có, gây khó khăn trong ứng phó. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gây sạt lở bờ sông của các tổ chức, cá nhân đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cấp, các ngành, nên nhiều vụ việc sau khi được phát hiện, chậm được xử lý do chưa rõ cơ quan chủ trì thực hiện, nhất là việc xây dựng công trình, nhà ở ven sông.
Việc phát hiện các trường hợp xây dựng các công trình lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn các huyện còn hạn chế. Chủ yếu do người dân cung cấp thông tin hoặc khi phát hiện thì đã xây dựng xong, đã làm phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp trong việc xử lý vi phạm. Song song đó, việc khai thác tài nguyên, khoáng sản (đất, cát) trái phép của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động, gây nhiều khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Ông Lưu Nhuận- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi nhận định: Đa phần những hộ dân bố trí tại các điểm dân cư là những hộ khó khăn, có thu nhập thấp,… không đủ điều kiện chuyển đến khu tái định, thiếu kinh phí cất nhà nơi ở mới, nên công tác tuyên truyền, vận động còn gặp khó khăn. Đặc điểm tự nhiên của địa phương là có nhiều kênh rạch và tập quán sinh sống rải rác của cư dân, nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bố trí sắp xếp lại dân cư. Cùng với đó, số lượng hộ cần di dời là khá lớn, quỹ đất công của các địa phương hầu như không còn, sau di dời đến nơi ở mới thì điều kiện sản xuất chưa thích nghi và chưa đảm bảo cho người dân ổn định phát triển sản xuất.
Qua khảo sát các điểm sạt lở trong tỉnh, ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Công tác dự báo về sạt lở bờ sông chưa được thực hiện, nên việc ứng phó với sạt lở bờ sông đang rất bị động. Thời gian qua, chủ yếu tập trung cho khắc phục khi đã đã xảy ra sự cố sạt lở. Bên cạnh đó, các hành vi xây dựng nhà ở công trình lấn chiếm bờ sông, kênh rạch còn xảy ra nhiều, làm gia tăng tải trọng. Việc xây dựng tạm bợ đã gây ra sạt lở, nguy cơ sụp, việc ngăn chặn chưa kịp thời. Chương trình cụm tuyến dân cư vùng lũ giai đoạn 1 và 2 đã giải quyết cơ bản. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người dân quay trở lại nơi ở cũ.
Sạt lở gây ra nhiều hệ luỵ và việc phòng chống còn lắm gian nan, thách thức. |
Theo Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh, tâm lý tập quán người dân từ bao đời nay sống rải rác, không tập trung, sống ven kênh rạch… nên việc vận động di dời gặp khó. Đồng thời, người không có đất thì không thể di dời. Song song đó, các chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ khôi phục sản xuất giống cây trồng, vật nuôi còn thấp không đủ người dân tái thiết lại sản xuất. Bên cạnh đó, “không có chế tài bắt buộc di dời khẩn đối với các hộ dân sống ở những nơi xung yếu, nơi sạt lở nguy hiểm trong khi công tác vận động là chính”- ông Nguyễn Thanh Cần nói thêm.
Nguồn lực có hạn
Trên thực tế, một trong những hạn chế quan trọng khiến việc ứng phó sạt lở vô cùng nan giải là do nguồn lực có hạn. Việc xác định được nguyên nhân, nắm được quy luật gây ra sạt lở để khắc phục hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài là rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tính toán chính xác, tài liệu cập nhật đầy đủ và giải pháp thích ứng, khoa học, quan trọng, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.
Nhiều địa phương cho hay, nguồn lực của địa phương còn khó khăn, nên việc khắc phục sạt lở bờ sông còn hạn chế, chỉ xử lý mang tính tạm thời trước mắt. Việc xử lý sạt lở bờ sông chủ yếu lồng ghép vào nguồn lực của Trung ương hỗ trợ. “Khó khăn chung hiện nay của địa phương là nguồn kinh phí còn hạn chế, không đủ để triển khai thực hiện hết nhu cầu của các dự án, công trình đầu tư sửa chữa, duy tu khắc phục sạt lở bờ sông ở thành phố”- ông Đặng Minh Quân- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho hay.
Ông Hồ Thế Nhu- Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Long Hồ cho biết: Do nguồn vốn địa phương hạn chế, chỉ đầu tư công trình quy mô nhỏ, giải pháp chủ yếu là gia cố cừ tràm, cừ dừa, chỉ khắc phục tạm thời. Đối với sạt lở quy mô lớn thì tỉnh đầu tư giải pháp kiên cố. Những khu vực sạt lở được tỉnh công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp, triển khai các dự án công trình khắc phục sạt lở còn chậm.
Bên cạnh đó, đa số các khu vực sạt lở nằm trên các tuyến sông lớn thuộc phân cấp tỉnh quản lý, tỉnh chưa có đơn vị quản lý khai thác để phối hợp xử lý, địa phương kinh phí hạn chế chỉ đầu tư gia cố khắc phục tạm thời. Hiện, theo quy định mới Luật Đấu thầu đối với công trình trị giá trên 100 triệu đồng phải tổ chức đấu thầu, gây khó khăn cho địa phương trong việc đầu tư công trình khắc phục sạt lở.
Song song đó, nghị định số 02/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, được ban hành năm 2017 nên giá trị hỗ trợ người dân còn thấp so với thiệt hại của người dân và mức sống hiện tại.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, kinh phí đầu tư hàng năm còn rất hạn chế. Năm 2021 đến nay, nhu cầu cần đầu tư khắc phục các điểm sạt lở bờ sông hơn 3.000 tỷ đồng, nhưng tiền khắc phục là 12,3 tỷ đồng. Năm 2020 đến nay, bằng nguồn vốn trung ương, địa phương, vốn vay đang tập trung đầu tư và sắp triển khai tới đây so với nhu cầu thực tế vẫn rất ít, chỉ đáp ứng một phần của 4.351 tỷ đồng.
Ông Lưu Nhuận cho rằng: Sạt lở trong tỉnh xảy ra nhiều nơi, gây bất ổn cho cư dân ở vùng ven sông. Phòng chống sạt lở cần đầu tư những công trình lớn và xây dựng khu tái định cư, nhưng nguồn kinh phí của tỉnh để hỗ trợ cho các địa phương còn hạn hẹp. Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh mỗi năm thu được khoảng 12-15 tỷ đồng, cũng chỉ đủ hỗ trợ xử lý khoảng một nửa trong tổng số khoảng 120-150 điểm sạt lở mỗi năm, dẫn đến việc đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sạt lở còn rất hạn chế. Chủ yếu thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý trước mắt, mang tính tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại.
Ông Nguyễn Thanh Cần cho hay: Phòng, chống sạt lở cần kinh phí đầu tư lớn, phải có khu tái định cư cho người dân, trong khi ngân sách hàng năm không thể đáp ứng yêu cầu thực tế. Chủ trương Chính phủ thì có, nhưng cả giai đoạn 2021 đến nay không được bố trí vốn tái định cư cho dân theo Quyết định 590 ngày 18/5/2022. Hiện, giải pháp, cách làm là gia cố.
Hiện, tình trạng sạt lở diễn biến rất phức tạp, tần suất và mức độ ngày càng gia tăng. |
Có thể thấy, do nhiều nguyên nhân đã khiến tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp. Với nguồn lực, điều kiện đầu tư hiện nay không đáp ứng được tốc độ ảnh hưởng ngày càng mạnh và bất thường của biến đổi khí hậu, sạt lở năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư các công trình đê bao kiên cố tại các địa phương còn nhiều hạn chế. Do đó, sự chung sức của mọi tầng lớp trong công tác ứng phó thiên tai, sạt lở, bảo vệ sản xuất là hết sức cần thiết.
Ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng: Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ khôi phục sản xuất giống cây trồng, vật nuôi theo quy định của pháp luật còn thấp, không đủ để người dân tái thiết lại sản xuất hoặc ổn định nơi tái định cư, nơi ở mới. Nhận thức, tâm lý của nhiều người dân hiện còn rất chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai, chưa chủ động di dời đến những nơi khác khi có nguy cơ cao nguy cơ hiện hữu. Do khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, nên nhiều kế hoạch triển khai công tác ứng phó, xử lý và phòng, chống sạt lở bờ sông chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền. Việc triển khai đầu tư khu dân cư khu tái định cư cho đối tượng sạt lở chưa thực hiện. Công tác phối hợp giữa ngành chuyên môn và chính quyền địa phương trong xử lý khẩn cấp một số điểm sạt lở lớn chưa kịp thời. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY
>> Kỳ cuối: Quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin