NGHỊ QUYẾT ỨNG PHÓ SẠT LỞ, GIẢM THIỂU RỦI RO THIÊN TAI:
Kỳ 3: Phát huy hiệu quả giải pháp công trình và phi công trình

18:51, 09/11/2024

Để khắc phục, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra, ngành chức năng, địa phương luôn duy trì thực hiện hai giải pháp phòng, chống sạt lở là phi công trình và công trình. Nhiều giải pháp đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại do sạt lở gây ra.

Các cấp, các ngành cùng địa phương tập trung khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. 
Các cấp, các ngành cùng địa phương tập trung khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. 


Kè mềm chống sạt lở


Vĩnh Long có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, việc sạt lở bờ sông thường xuyên diễn ra gây tổn thất lớn đến sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và nhà cửa, đời sống người dân ven sông, kênh, rạch. Đặc biệt, trong những năm gần đây xuất hiện rất nhiều hiện tượng sạt lở không những sông lớn mà còn xảy ra nội đồng. 
Để giảm thiểu thiệt hại do sạt lở, từ nhiều năm qua, các ngành chức năng luôn duy trì thực hiện giải pháp phòng chống sạt lở là công trình và phi công trình. Trong đó, giải pháp phi công trình được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu. 


Theo đó, những giải pháp phi công trình được thực hiện như: thông tin truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về tác hại và các giải pháp phòng tránh, xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch; theo dõi diễn biến sạt lở; tổ chức cắm biển cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại; di dời dân ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở; sử dụng cây cỏ và các vật liệu tại chỗ để chắn sóng, chống xói lở bờ... 

Đoạn kè chống sạt lở tại xã Thuận An (TX Bình Minh) do một công ty tài trợ xây dựng. 
Đoạn kè chống sạt lở tại xã Thuận An (TX Bình Minh) do một công ty tài trợ xây dựng. 


Một số nghiên cứu cho thấy, trồng cây, cỏ để chống sạt lở có hiệu quả đối với bờ sông ngòi, kinh, rạch có tốc độ sạt lở yếu (dưới 2m/năm). Sạt lở ở tốc độ này thường xảy ra ở những sông nhỏ, kinh, rạch nội đồng nằm ngoài vùng đê bao bị bồi lắng, dòng chảy yếu, ít tàu ghe qua lại hoặc ở những đoạn sông, rạch, kinh bị giáp nước hay ở những bãi bồi trên các cồn, cù lao, bãi sông lớn.


Nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần triển khai giải pháp phi công trình phòng chống sạt lở, thời gian qua, ngành chức năng, địa phương, cùng người dân đã thực hiện giải pháp trồng cây xanh phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh, rạch.


Theo đó, để ứng phó với sạt lở, tại các tuyến sông, người dân cũng đã thực hiện các kè mềm bằng cây xanh. Có nhà cặp sông lớn, nhiều năm nay ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm) không còn quá lo lắng về tình trạng sạt lở bờ sông. Ông cho biết: “Trước đây khu vực này là bãi đất trống ven sông, thường xảy ra sạt lở. Tôi đã nghĩ ra cách trồng cây cặp mé sông để giữ đất. Theo đó, phía ngoài tôi trồng lục bình, phía trong bờ tôi trồng cây gừa và cây tra. Đây là 2 loại cây giữ bờ rất tốt, còn lục bình thì giảm tác động của sóng vào bờ. Từ khi triển khai đến nay được 3 năm, tôi thấy đã giữ được đất tốt, không có dấu hiệu sạt lở”.


Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai mô hình kè sinh thái bằng cây xanh tại huyện Vũng Liêm để chống sạt lở bờ sông. Cụ thể, năm 2023, Sở Nông nghiệp-PTNT đã vận động một công ty hỗ trợ trồng 5.000 cây bần với 2ha bãi bồi ven sông Cổ Chiên, thuộc ấp Đại Nghĩa và Phú An (xã Trung Thành Đông) nhằm hạn chế sạt lở bờ sông. Trong 8 tháng năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục vận động trồng 1.500 cây bần trên bãi bồi sông Cổ Chiên.


Mô hình kè sinh thái chống sạt lở bằng cây bần đã được thực hiện thí điểm tại các xã Thanh Bình, Quới Thiện và Trung Thành Đông (huyện Vũng Liêm) đã dần được hình thành. Cụ thể, bần được trồng ở vị trí ngay góc gió chướng thổi vào, nước xoáy vào đất liền. Khi triển khai mô hình này, về lâu dài sẽ tránh được gió, giảm sạt lở bờ sông. Đây là giải pháp có chi phí thấp, dễ thực hiện, phòng sạt lở hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau khi trồng, xã cũng thường xuyên theo dõi, cắm cọc cố định để cây không bị bật rễ, cuốn trôi theo dòng nước.


Theo ông Châu Minh Tuấn- Chủ tịch UBND xã Trung Thành Đông, toàn xã có hơn 2.000m bờ sông trồng bần chống sạt lở. Mô hình trồng cây xanh làm bờ kè chống sạt lở được nhiều hộ dân quan tâm thực hiện. Để mô hình thật sự đạt được hiệu quả cao, địa phương sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, thông tin để người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc trồng cây xanh làm bờ kè. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình, nhằm góp phần hạn chế tình trạng sạt lở đất ven sông”- ông Châu Minh Tuấn cho hay. 


Ứng phó chuyên nghiệp và thích ứng an toàn


Theo ngành chức năng, tại những nơi sạt lở mạnh (từ 5m đến dưới 10 m/năm) và rất mạnh (trên 10 m/năm) thường xảy ra ở những tuyến bờ sông lớn, kinh trục có dòng chảy mạnh, mái bờ gần thẳng đứng, nhiều tàu ghe qua lại... Vì vậy, chống sạt lở bằng trồng cây, cỏ sẽ không hiệu quả. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ để ứng phó tình trạng sạt lở.


Theo đó, từ năm 2020 đến nay, được sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cùng với việc bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã đầu tư 10 tuyến kè bê tông cốt thép kiên cố (đang triển khai 7 tuyến, chuẩn bị thực hiện 3 tuyến); gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố lòng sông, gia cố tạm bằng cừ tràm, cừ dừa với khoảng 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở hơn 40.000m, kinh phí 4.336 tỷ đồng.


Trong đó, đáng kể nhất là tuyến kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (từ chân cầu Mỹ Thuận đến rạch Cái Sơn Bé, đi qua các phường: Trường An, Tân Ngãi, Phường 1, 2, 5 và 9 của TP Vĩnh Long) được đầu tư năm 1998-2021 dài gần 12.000m. Tỉnh cũng đang thực hiện tiếp các dự án kè chống sạt lở khác, như: kè rạch Cái Cá- Cầu Lầu- Kinh Cụt (TP Vĩnh Long), kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít- khu vực 10B, thị trấn Trà Ôn (huyện Trà Ôn)... Việc đầu tư những công trình kè giúp giải quyết dứt điểm tại những nơi bị sạt lở mạnh, ổn định dân cư và chỉnh trang đô thị.


Theo ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, từ năm 2023 đến tháng 4/2024, sở phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam hoàn thành việc quan trắc, nghiên cứu đánh giá ổn định bờ sông và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở sông Cổ Chiên, đoạn từ rạch Cái Cá đến rạch Bà Bóng dài 2.500m thuộc xã Hòa Ninh, An Bình (huyện Long Hồ), Phường 1, 2 và 5 (TP Vĩnh Long).

Đồng thời, phối hợp triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá ổn định bờ sông và trình phê duyệt nhiệm vụ thuộc khu vực các tuyến sông lớn giai đoạn 2023-2025, với tổng chiều dài các tuyến sông được khảo sát là 209.600m, gồm: Sông Tiền, Cổ Chiên, Cái Cam, sông Hậu, Cái Vồn, Măng Thít và kênh Xáng.


Giai đoạn 2021-2030, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát quan trắc, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và bản đồ hiện trạng, cảnh báo các khu vực trọng điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch trong tỉnh; đưa ra những dự báo, cảnh báo, ngăn chặn các tác động bất lợi đến sự ổn định của bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Tuy các cấp các ngành đã nỗ lực ứng phó, nhưng sạt lở vẫn gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống người dân.
Tuy các cấp các ngành đã nỗ lực ứng phó, nhưng sạt lở vẫn gây nhiều thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống người dân.


Từ năm 2021 đến tháng 6/2024, cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương kiểm tra các hoạt động khai thác cát, khoáng sản trái phép. Qua đây, đã phát hiện 12 tổ chức vi phạm khai thác cát lòng sông không có giám đốc điều hành mỏ, vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác (ngoài khu vực mỏ), không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vượt độ sâu cho phép, đã lập thủ tục xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 2,2 tỷ đồng.

Bên cạnh, xử lý công trình xây dựng lấn chiếm đất sông, kênh, rạch, bãi bồi, gây cản trở dòng chảy làm mất an toàn công trình, gây sạt lở. Theo đó, đã ra quyết định xử phạt với số tiền 30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm.


Thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương, đã có những giải pháp kịp thời, đồng thời ban hành văn bản phối hợp, tổ chức, thực hiện từ công tác phòng ngừa, quy trình khắc phục, ứng phó xử lý khắc phục, quy chế phòng chống, trình tự thực hiện, công tác cảnh báo, hỗ trợ trước mắt và lâu dài… đã góp phần ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông.


Cùng với tinh thần chủ động phòng ngừa, phòng chống, ứng phó ngày càng hiệu quả, xem đây là trách nhiệm, việc làm của từng tổ chức, đơn vị, địa phương, không đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm. Song song đó, các ngành chức năng và địa phương cũng đã kịp thời đề xuất phương án đầu tư khắc phục những điểm sạt lở có tính chất nguy hiểm, mang tính bức xúc, cho thấy sự quan tâm của chính quyền, các ngành chuyên môn tham mưu đầu tư, khắc phục giải quyết kịp thời tình huống trước mắt.

Để ứng phó với sạt lở, tại các tuyến sông, người dân đã thực hiện các kè mềm bằng cây xanh. 
Để ứng phó với sạt lở, tại các tuyến sông, người dân đã thực hiện các kè mềm bằng cây xanh. 

Ngành chức năng cũng đã quan tâm thực hiện việc rà soát, công bố kịp thời tình huống khẩn cấp thiên tai về sụp lún, sạt lở trên địa bàn. Từ đó, góp phần ngăn chặn, có phương án khắc phục nhanh chóng, kịp thời hậu quả do sạt lở gây ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, tính mạng; tham mưu đầu tư nhiều tuyến kè kiên cố, góp phần giữ ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân khu vực đô thị, thị tứ khắc phục và hạn chế sạt lở bờ sông. 


Song, thực tế cho thấy trong công tác phòng chống thiên tai vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, liên tục xuất hiện các cơn bão lớn, siêu bão và cả những cơn mưa kéo dài gây xói mòn, sạt lở. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tháo gỡ những khăn trong quá trình triển khai thực hiện công tác phòng chống rất cần sự quan tâm, nỗ lực, chung tay của cả hệ thống chính trị. 

Giai đoạn 2021-2024, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tham mưu UBND quyết định hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố gần 12,4 tỷ đồng đầu tư khắc phục công trình thủy lợi bị thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn đóng góp ngày công lao động, mặt bằng, khắc phục hậu quả đê đập bị sạt lở, vỡ đê, tràn đê và di dời tài sản của hộ bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực sạt lở; tự gia cố, đầu tư một số đoạn đê, đập thuộc đất sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY 

>> Kỳ 4: Nhiều thách thức, lắm gian nan
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh