NGHỊ QUYẾT ỨNG PHÓ SẠT LỞ, GIẢM THIỂU RỦI RO THIÊN TAI:
Kỳ 2: Sạt lở do đâu và vì sao?

17:39, 08/11/2024

Các vụ sạt lở xảy ra thường để lại hậu quả nặng nề về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Câu hỏi đặt ra là tại sao sạt lở lại xảy ra và ngày càng xảy ra nhiều hơn trước và tại sao chúng ta khó có thể dự đoán để phòng tránh loại hình thiên tai này?

Thói quen cất nhà trên sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở. 
Thói quen cất nhà trên sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở. 


Sau gia cố lại tiếp tục sạt lở 


Ngày 26/10/2024, đã xảy ra điểm sạt lở trên tuyến bờ vùng giáp sông Cổ Chiên tại ấp An Hòa (xã An Bình, huyện Long Hồ). Điểm sạt lở này có chiều dài khoảng 90m, ngang 3,5m, tại vị trí đầu đất bà Nguyễn Ngọc Yến; làm ảnh hưởng đến khoảng 100 hộ dân sinh sống và khoảng 70ha vườn cây ăn trái; 1 trụ điện hạ thế bị đổ ngã và kéo theo khoảng 80m dây điện hạ thế mất an toàn.


Trước đó, vào tháng 8/2024, cùng trên tuyến bờ vùng này, cũng đã xảy ra điểm sạt lở có chiều dài 100m, vô sâu khoảng 3,5m tại đầu đất của bà Nguyễn Ngọc Yến, đất ông Nguyễn Đình Lũy. Điểm sạt lở vừa mới được địa phương gia cố, khắc phục xong thì nay lại tiếp tục xảy ra sạt lở đoạn gần kề.


Ngay sau khi sạt lở, UBND xã An Bình đã đến khảo sát hiện trường, hỗ trợ người dân di dời tài sản, gia cố đê bao nhằm tránh thiệt hại cho người dân. Nguyên nhân sạt lở được đánh giá bước đầu là do đang bước vào mưa lũ, triều cường, mực nước sông biến động, nền đất mềm, gây ra tình trạng sụp lún, sạt lở. Dự báo: khả năng sụp lún, sạt lở còn tiếp tục xảy ra. 


Theo ngành chức năng, trước hết vì áp lực đất đai ở đô thị, nên người dân sinh sống rất gần bờ sông, gia tải lên bờ sông ngày càng lớn đã tạo điều kiện cho sạt lở xảy ra. Thứ hai là, phần lớn những khu vực này có nền đất rất yếu, thậm chí nhiều chỗ rất ít đất mà người dân chỉ đổ cát lên để san lấp, xây dựng. Cùng với đó, do điều kiện tự nhiên, thời điểm giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa, cộng thêm yếu tố dòng chảy, thủy triều đã góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở.


Tại điểm sạt lở nghiêm trọng ấp Tích Lộc (xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn), nguyên nhân là do lòng sông sâu, dưới tác động của sóng do dòng chảy và mật độ giao thông thuỷ lớn làm cho mái bờ bị xói mòn nghiêm trọng, kết hợp với tải trọng của các căn nhà xây dựng cặp bờ sông, khi mực nước sông xuống thấp làm cho mái bờ sông mất ổn định, dễ gây sạt lở.


Ông Hồ Phước Dư- Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít cho rằng: hầu hết các đoạn đê bao sạt lở được xác định là do chân đất mềm yếu, mưa nhiều, đất ven sông không liên kết chặt; hình thái sông có nhiều đoạn cong, dòng chảy xiết, áp sát bờ tạo hàm ếch, xâm thực gây sạt lở. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát sông làm giảm hàm lượng phù sa trong dòng chảy, sông lớn hạ thấp lòng dẫn. Các phương tiện thủy như tàu, xà lan lưu thông và neo đậu tạo sóng gây sạt lở bề mặt, chân vịt gây dòng chảy xáo trộn phá vỡ kết cấu lòng sông.


Theo ông Đặng Minh Quân- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, tình hình sạt lở, sụp lún trên các tuyến đường đan giao thông và các tuyến đê bao, bờ bao ven sông lớn vẫn còn xảy ra, nhất là trong những ngày triều cường đạt đến đỉnh. Diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp đã gây khó khăn cho công tác ứng phó và phòng tránh. Một số địa phương chưa chủ động trong công tác duy tu, sửa chữa các công trình ứng phó với thiên tai, còn trông chờ sự đầu tư, hỗ trợ từ cấp trên. Có tình trạng công trình đã xuống cấp, sạt lở nhưng chậm khắc phục dẫn đến việc sạt lở, sụp lún ngày càng nghiêm trọng hơn.

PGS.TS Lê Anh Tuấn- Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ): 
Với tình trạng hiện nay, sạt lở ở ĐBSCL có thể tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới do lượng phù sa từ sông Mê Kông ngày càng giảm, cùng với việc khai thác cát và nước ngầm quá mức. Khi thiếu phù sa, làm cho sông sâu hơn và bờ sông trở nên dốc, dẫn đến trượt và sạt lở đất để bù đắp. Sông Tiền và sông Hậu- hai sông chính vùng ĐBSCL hiện có đáy sâu hơn trước, nên phải rút đáy từ các sông nhánh ra để bù. Các sông nhánh lại tiếp tục rút đáy các nhánh của nó, sạt lở theo đó mà lan khắp nơi, tới cả các sông, kênh nội đồng. Điều này lý giải vì sao sạt lở vùng ĐBSCL hiện không chỉ ở các sông chính như trước đây mà còn xuất hiện toàn vùng, nặng nhất là tại các cù lao do nền đất yếu.

Tác động từ thiên nhiên và con người


Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng nguyên nhân sạt lở xuất phát từ tác động khác nhau, từ thiên nhiên và từ con người. Cụ thể, từ thiên nhiên: địa chất mềm yếu; mưa nhiều; chế độ bán nhật triều không đều (2 lần triều lên, 2 lần triều xuống/ngày) làm giảm lực dính của đất ven sông, đất ven sông “bở rời” không liên kết chặt, gây sạt lở. Cùng với đó. hình thái sông cong, dòng chủ lưu áp sát bờ, tấn công bờ gây sạt lở. Song song đó, việc nổi cồn làm thay đổi dòng chảy… 


Đối với yếu tố từ con người, việc khai thác cát đã làm giảm hàm lượng phù sa trong dòng chảy, sông lớn hạ thấp lòng dẫn, kéo theo các nhánh chi lưu hạ thấp lòng dẫn theo. Bên cạnh, còn có chất tải nặng ven sông. Đó là, công trình lấn sông, bè cá ven sông làm giảm mặt cắt ướt, làm cho vận tốc dòng chảy lớn lên. Bên cạnh, tàu, xà lan qua lại và neo đậu gây sóng gây sạt lở bề mặt, chân vịt gây dòng chảy xáo trộn phá vỡ kết cấu lòng sông…


Ngoài ra, động lực dòng chảy tác động vào lòng dẫn có cấu tạo nền địa chất mềm yếu. Đồng thời, do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra sạt lở. Sạt lở thường diễn ra ở khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định, nơi dòng sông hẹp, thắt cổ chai và do các dòng sông bị “đói” phù sa. 


Theo đó, thiếu phù sa là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện nay, phần nhiều phù sa đã bị mắc kẹt lại trong các hồ chứa trên thượng nguồn. “Khi hàm lượng phù sa ít đi, dòng nước nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh, xoáy vào bờ và đáy sông, dẫn đến sạt lở”- ông Văn Hữu Huệ cho biết thêm.


Có thể thấy, sạt lở bờ sông trở thành loại hình thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này không thể trong thời gian ngắn. Do đó, để ứng phó, khắc phục hậu quả sạt lở, đòi hỏi ngành chức năng, địa phương, người dân phải tập trung toàn lực thực hiện các biện pháp công trình và phi công trình để giải thiểu thiệt hại do loại hình thiên tai này gây ra. 


Về các nguyên nhân cơ bản gây sạt lở, theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, đối với tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, hầu hết các khu vực sạt lở thường xảy ra mạnh, phổ biến ở những vị trí tại đỉnh các khúc sông cong, vị trí phân nhập lưu, đầu các cù lao, khu vực đông dân cư… Lưu lượng dòng chảy trên hệ thống sông Tiền lớn, sông Hậu, khu vực đoạn sông cong, phân nhập lưu cũng nhiều hơn sông Hậu đây là những vị trí sinh ra vận tốc dòng chảy lớn phức tạp. Do vậy số điểm xói ở bờ, lòng sông thuộc hệ thống sông Tiền xảy ra nhiều hơn, mức độ cũng lớn hơn sông Hậu.

Phần lớn những khu vực sạt lở có nền đất rất yếu. 
Phần lớn những khu vực sạt lở có nền đất rất yếu. 


Các khu vực sông ảnh hưởng của cả lũ lẫn triều (vùng giao thoa), thường là có hướng, vận tốc dòng chảy rất phức tạp, đặc biệt là vào thời điểm triều rút vận tốc dòng chảy tăng lên đột ngột tác động gây xói lòng dẫn và sạt lở bờ sông là rất lớn (điển hình là các sông ở khu vực tỉnh Vĩnh Long). Ngoài ra, có nguyên nhân khác từ các hoạt động kinh tế, xã hội thiếu kiểm soát.


Trước tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên hệ thống sông ở ĐBSCL nói chung và dọc sông Tiền và sông Hậu nói riêng ngày một nghiêm trọng, nhiều năm qua hàng loạt công trình bảo vệ bờ đã được xây dựng nhằm giảm bớt thiệt hại do SL bờ gây ra. Hình thức kết cấu các công trình bảo vệ bờ khá đa dạng, phong phú, qua thống kê cơ bản có 3 loại công trình chính bảo vệ bờ gồm công trình dân gian, thô sơ; công trình bán kiên cố; công trình kiên cố.

Ông Nguyễn Thanh Cần- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh: 
Việc khai thác tài nguyên khoáng sản đất, cát trái phép không được quy hoạch cũng gây ra tình trạng sạt lở sông lớn, sông nhỏ, hút đất, lấy cát gần bờ. Giải pháp thi công thiết kế một số công trình thủy lợi, giao thông kết hợp thủy lợi chưa phù hợp đôi khi làm gia tăng sạt lở. Ví dự như: móc đất gần bờ, lấy đất quá sâu làm mất chân taluy của kênh rạch, gây sạt lở. Theo đó, công trình dân tự làm cũng bị lở, Nhà nước thực hiện cũng sạt lở. 

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO LY 


>> Kỳ 3: Phát huy hiệu quả giải pháp công trình và phi công trình

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh