Kỷ niệm 102 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2024):
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tâm huyết bảo tồn di sản nông nghiệp vùng ĐBSCL

07:20, 23/11/2024
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm trao giải Cuộc thi “Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL”.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm trao giải Cuộc thi “Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL”.

Trong những năm tháng cuối đời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vẫn trăn trở với nhiều công trình, dự án lớn phục vụ quê hương đất nước còn dang dở và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là một trong số đó. Đây là công trình vừa mang những giá trị lịch sử, văn hóa, du lịch, vừa minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, là địa chỉ đỏ giáo dục thế hệ trẻ trân quý công sức làm ra hạt gạo và sống sao cho xứng đáng với tổ tiên mình.


“Còn chút sức lực tôi cũng sẽ đóng góp cho quê hương”


Lúc sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt dành cả cuộc đời mình để phụng sự quê hương, đất nước và luôn đau đáu làm thế nào để nâng cao đời sống của người nông dân, đặc biệt là sau khi về hưu.

Theo ông Nguyễn Văn Lượng- nguyên Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, nói về các vị lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt để lại cho ông ấn tượng sâu sắc bởi vì từng có nhiều cơ hội cùng được làm việc. Hơn 20 năm công tác tại UBND tỉnh và sau đó là HĐND tỉnh, ông đã học hỏi ở Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhiều điều bổ ích trong công việc.

Với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nền nông nghiệp nói chung và cây lúa nói riêng đóng vai trò rất quan trọng, được xem như “trụ đỡ” và là nền tảng cơ bản phát triển đất nước. Vì thế, khi còn đương nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc và đầu tư thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL phát triển. Ngoài điện, đường, trường, trạm thì cây lúa không thể thiếu trong đời sống sản xuất của người nông dân. Sự thay đổi diện mạo của các vùng Đồng Tháp Mười hay Tứ Giác Long Xuyên,... là minh chứng rõ nét nhất.


“Câu nói của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc về hưu khiến tôi nhớ mãi đó là “Còn chút sức lực tôi cũng sẽ đóng góp cho quê hương”. Sau khi trao đổi với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành thời gian một tuần để đi khảo sát tại một số địa phương, góp ý cho bà con từ việc nuôi bò, trồng nấm rơm và thăm hỏi tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Thủ tướng còn quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng một số công trình ở huyện Vũng Liêm, trong đó có Bảo tàng Nông nghiệp tỉnh. Sau khi tham khảo ý kiến các tỉnh, Thủ tướng đã nâng quy mô thành Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL theo nguyện vọng của các địa phương trong khu vực”- ông Nguyễn Văn Lượng nhắc lại kỷ niệm của mình với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.


Tiếc thay, khi công trình Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL chưa triển khai, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra đi mãi mãi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với người dân Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục thực hiện di nguyện của Thủ tướng. Theo những cộng sự thực hiện Đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, ý tưởng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt là mong muốn tái hiện lại chân thực bức tranh làng quê Nam Bộ.

“Để làm được điều này, bước đầu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho thực hiện sưu tầm nông ngư cụ, tôi may mắn được tham gia đề tài này. Qua các nghiên cứu về cách sử dụng từng loại nông ngư cụ cũng như thành phần dân cư sinh hoạt, sản xuất đã tái hiện sinh động nền văn minh nông nghiệp lúa nước”- ông Nguyễn Bách Khoa- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, chia sẻ.


Quyết tâm thực hiện di nguyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt 


Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nhấn mạnh công sức và sự sáng tạo của người nông dân cũng quan trọng như vai trò của khoa học kỹ thuật và sự đầu tư của Nhà nước. Và Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL là nơi xứng đáng để tôn vinh những đóng góp đó, cũng như giáo dục con cháu đời sau. Theo ông Nguyễn Văn Lượng, với công trình Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mong muốn con cháu đời sau biết được cuộc sống lao động lam lũ của người nông dân ngày xưa và cách sử dụng sáng tạo các loại nông cụ của ông cha ta thông qua việc tái hiện mô hình lao động để trải nghiệm thực tế, qua việc phục vụ du khách tham quan cũng mang tính giáo dục truyền thống rất cao.


“Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đặc biệt, công trình phải đảm bảo tính khoa học, tôn trọng lịch sử và sử dụng công nghệ để tái hiện một cách đầy đủ đời sống sản xuất của người nông dân qua từng giai đoạn phát triển của nền văn minh lúa nước gắn với lịch sử của dân tộc và không chỉ nói về cây lúa mà còn phải hướng đến phát triển nền nông nghiệp toàn diện”- ông Nguyễn Văn Lượng cho biết.


Theo ông Nguyễn Bách Khoa, Thủ tướng Võ Văn Kiệt mong muốn xây dựng một bảo tàng nông nghiệp có không gian mở, như một ngôi làng Nam Bộ thực thụ với khung cảnh ruộng đồng và tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất của người nông dân. Công trình phải tái hiện trực quan sinh động, để mang lại hiệu quả cao nhất như mong muốn mà bác Sáu Dân nhắn gửi.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tâm huyết bảo tồn di sản nông nghiệp vùng ĐBSCL
Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tâm huyết bảo tồn di sản nông nghiệp vùng ĐBSCL


“Được nghe bác Sáu Dân nói, được tham gia với tư cách góp ý, tôi hiểu công trình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu được cuộc sống của ông cha ta cơ cực như thế nào khi bị những tá điền áp bức. Từ đó, trân quý hơn những gì đang có và có ý thức trách nhiệm với quê hương. Vì vậy, công trình phải thể hiện đủ ý nghĩa về văn hóa, triết lý nhân văn để phát huy những giá trị cốt lõi của nó”- ông Nguyễn Bách Khoa, chia sẻ.


Với quyết tâm thực hiện di nguyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh phối hợp Tạp chí Kiến trúc- Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức, phát động Cuộc thi “Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Lãnh đạo UBND tỉnh kỳ vọng tìm ra những phương án tối ưu nhất để công trình trở thành thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Trong chương trình khai mạc Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024, lãnh đạo UBND tỉnh đã công bố kết quả Cuộc thi “Thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL”. Theo đó, cuộc thi không có giải nhất. Đồng giải nhì thuộc về Công ty TNHH Tư vấn và thiết kế TAD và Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd, Công ty CP Tư vấn Thiết kế DESO Asia đạt giải ba.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHẠM PHONG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh