Kinh doanh online- thích nghi với xu hướng tiêu dùng hiện đại

10:21, 08/11/2024

Trước sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có sự linh hoạt trong chuyển đổi hình thức kinh doanh (KD) giữa truyền thống và hiện đại. Sự kết hợp này góp phần tạo ra môi trường KD đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Nhiều sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh.
Nhiều sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử ngành công thương tỉnh.


Linh hoạt hình thức kinh doanh
 

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) được xem là xu thế tất yếu trong hoạt động KD, các DN, HTX, cơ sở KD trong tỉnh đã thay đổi tư duy, chủ động đổi mới, ứng dụng TMĐT để tạo cửa hàng trực tuyến, liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh, góp phần tạo sự thuận lợi trong mua bán, tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, đặc sản của tỉnh.


Chuyên sản xuất và chế biến trái cây thành sản phẩm ăn vặt lành mạnh, anh Nguyễn Hoàng Khang- đại diện hộ KD Foodo (huyện Vũng Liêm), chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 2022 và 2023, chúng tôi đã đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá, KD các sản phẩm mứt xoài, xoài sấy chân không được chế biến từ xoài cát núm của Vĩnh Long trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội. Nhờ các hình thức quảng bá hiện đại, chúng tôi có thể cập nhật hình ảnh, nội dung sản phẩm một cách sinh động hơn. Hơn 2 năm áp dụng phương thức bán hàng hiện đại, không chỉ lượng khách mua hàng qua phương thức này ngày càng tăng, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng cường tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại, đồng thời đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến để tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới”.

Theo anh Khang, không khó để DN tiếp cận với việc KD trên các sàn TMĐT hay mạng xã hội, vì hiện nay có rất nhiều giải pháp, công cụ hỗ trợ miễn phí giúp DN thiết kế, viết nội dung, phân tích xu hướng khách hàng… “Tuy nhiên, mỗi nền tảng số ứng dụng TMĐT có những đặc điểm khác nhau, có sàn thì người dùng sẽ dành thời gian để đọc thông tin sản phẩm trước khi mua, cũng có nền tảng mạng xã hội kết hợp sàn mua sắm lại là nơi mà khách hàng chỉ thích xem video ngắn hay livestream về sản phẩm để ra quyết định mua hàng. Cho nên DN cần hiểu rõ đặc điểm của nền tảng mà mình tham gia cũng như đối tượng khách hàng mà mình hướng đến để có cách tiếp cận, tối ưu hóa hiệu quả KD”- anh Khang chia sẻ.

Không chỉ các DN, mà đến các cửa hàng tạp hóa, tiểu thương ở chợ cũng đang dần thay đổi nhận thức, chủ động ứng dụng TMĐT gắn với chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất, KD. Chị Mai Phương Thảo, chủ cửa hàng trái cây (Phường 1, TP Vĩnh Long) cho hay, để phát triển việc KD, chị đã sớm làm quen với TMĐT, tận dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để được nhiều người biết đến. “Nhờ phương thức này, khách hàng có thể tham khảo thông tin về giá, hàng mới về hay không, thông tin phản hồi của người mua trước. Cạnh đó, phương thức thanh toán online và giao hàng cũng được áp dụng nên thuận tiện cho cả người mua lẫn người bán”- chị Thảo nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp giao thương trên nền tảng số 


Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhờ vào sự phát triển của hạ tầng thông tin, các DN trong tỉnh đã từng bước ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, KD các sản phẩm, hàng hóa, góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT, phát triển hệ sinh thái số cho cộng đồng DN.

Đi vào hoạt động từ năm 2017, đến nay sàn giao dịch TMĐT ngành công thương tỉnh đã thu hút hơn 370 cơ sở, HTX, hộ KD trong tỉnh tham gia với hơn 1.700 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông- thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, gia dụng… Trong đó, tỷ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia sàn giao dịch đạt 75% kế hoạch năm 2024; có 35 sản phẩm, hàng hóa đủ tiêu chuẩn đưa vào áp dụng trong hệ thống truy xuất nguồn gốc theo kế hoạch như: bưởi, rau củ quả, cam sành, sầu riêng, thanh trà, bánh, cốm, thủy sản…

Với mục tiêu trong năm 2024, toàn tỉnh sẽ có 100% sản phẩm OCOP được đưa trên các sàn TMĐT nội địa; 50% DN vừa và nhỏ trong tỉnh thực hiện CĐS; có trên 35 sản phẩm chủ lực của tỉnh ứng dụng các công nghệ số truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; 5% DN vừa và nhỏ có website để quảng bá thương hiệu sản phẩm; 20% tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến… Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo phát triển nguồn nhân lực để nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng TMĐT trong sản xuất KD; xây dựng video hướng dẫn DN KD trực tuyến, sử dụng phần mềm quản lý bán hàng, áp dụng các giải pháp công nghệ như hóa đơn điện tử, công nghệ mã vạch, QR code để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả…

Sự kết hợp giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.
Sự kết hợp giữa loại hình kinh doanh truyền thống và hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Theo ông Giảng A Đoàn- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH-ĐT): “Trong thời đại công nghệ 4.0, CĐS đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, quản lý và KD. Đối với các DN, HTX, CĐS không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc mà còn mở rộng thị trường tạo cơ hội tiếp cận với những khách hàng tiềm năng trên toàn cầu. Chính vì vậy, việc trang bị kỹ năng số và kiến thức về CĐS cho các DN, HTX là điều cần thiết. Trên cơ sở các chủ trương của Trung ương, UBND tỉnh đã tích cực triển khai, ban hành các chính sách quan trọng tạo nền tảng thúc đẩy CĐS, Sở KH-ĐT tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế số, triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, DN ngành nghề truyền thống, DN sản xuất, HTX chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số”.
 

Bài, ảnh: THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh