Hút thuốc lá là mối nguy hiểm gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

06:10, 29/11/2024

(VLO) Theo các bác sĩ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể làm chậm tiến triển bệnh nếu tuân thủ phác đồ điều trị, có lối sống lành mạnh và không hút thuốc lá (TL).

Khi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát hoặc diễn biến nặng, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Khi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát hoặc diễn biến nặng, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

90% bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mạn tính liên quan đến thuốc lá

Theo PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc- Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, phần lớn những người bị COPD liên quan đến TL. Với thời gian hút 20 năm, mỗi ngày 1 gói, khả năng số người mắc bệnh này sẽ gia tăng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 3 triệu người mắc bệnh COPD và phần lớn đến bệnh viện giai đoạn trễ- ở giai đoạn 3 và 4. Chính vì vậy, vấn đề phát hiện sớm bệnh COPD rất quan trọng.

90% bệnh nhân (BN) COPD có liên quan đến TL. Nếu không hút TL, nguy cơ mắc COPD rất ít. Chỉ có 10% BN COPD không liên quan đến TL. Nguyên nhân là do ô nhiễm trong nhà, đốt than đá, than củi trong môi trường kín hoặc hút TL thụ động trong thời gian kéo dài. Người hút TL có tỷ lệ gây tàn phế và tử vong do COPD cao gấp 10 lần so với người không hút TL.

Tại Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long, có đến hơn 80% BN mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là bệnh COPD có tiền sử hút TL hoặc thường xuyên hút TL thụ động.

Những BN điều trị nội trú bị bệnh COPD có độ tuổi từ 40 trở lên, chủ yếu nam giới đang gánh chịu hậu quả không nhỏ về sức khỏe do thói quen hút TL gây ra. Ai cũng có nhiều lần nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và cả tim mạch. Sức khỏe suy kiệt, mất sức lao động, điều trị bệnh ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và còn là gánh nặng của người thân.

Ông M.V.N. (xã Hòa Tịnh, huyện Mang Thít) thở dài: “Tui cũng đã từng cai TL vài ba lần nhưng không thành công, tái đi tái lại liên tục. Khi lên cơn ho, khó thở, nhìn TL rất sợ nhưng khi bệnh đã ổn định, miệng nhợt nhạt lại không kiềm chế được cơn thèm TL. Một năm nằm viện mấy lần, đợt này ho ra máu nhiều, mệt mỏi quá, kỳ này tui quyết tâm cai TL”.

Bỏ thuốc lá để điều trị hiệu quả bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo các bác sĩ điều trị, nhiều BN dù biết hút TL sẽ khiến bệnh COPD nặng hơn, ho nhiều hơn, mệt và khó thở hơn. Song, sau khi vừa điều trị dứt điểm thì không ít BN lại tiếp tục hút TL. Có trường hợp hôm nay xuất viện, ngày mai lại nhập viện do hút TL. Vòng lẩn quẩn đó cứ lặp đi lặp lại nhiều lần nên bệnh chỉ có tăng nặng dần.

Vì vậy, việc quản lý, chẩn đoán điều trị theo dõi BN lâu dài là điều cần thiết. Đồng thời, chẩn đoán sớm rất quan trọng, đặc biệt là những người hút TL.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có triệu chứng nghi ngờ COPD, BN phải đến bác sĩ ngay, như đang hút TL mà ho đờm kéo dài; phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu điều trị khá đơn giản. Thậm chí, chỉ ngưng hút TL, bệnh sẽ không tiến triển nữa.

Theo BS.CK2 Phạm Văn Hoàng- Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long, khi chẩn đoán sớm mắc COPD đặc biệt người hút TL, các bác sĩ khuyên BN phải bỏ hút TL là tiên quyết. Tiến triển của bệnh sẽ chậm lại, giảm đợt cấp, điều trị tối ưu hóa với mục đích BN dễ thở, giảm tử vong.

“BN cần tuân thủ thuốc dự phòng duy trì đều đặn gồm có thuốc chống viêm, giảm phù nề tại chỗ và các thuốc giãn phế quản. Cần tăng cường tập thể dục, có thói quen sinh hoạt điều độ để tăng cường hô hấp.

Đồng thời, tiêm vaccine ngừa cúm hàng năm và vaccine phế cầu là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nhiễm trùng hô hấp và làm chậm sự tiến triển của bệnh”- BS.CK2 Phạm Văn Hoàng khuyến cáo.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh