Hành trình mới trên “vương quốc” gạch, gốm đỏ:
Kỳ cuối: Đường đến di sản đương đại 

05:49, 20/11/2024

Đêm 16/11, Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên tổ chức đã diễn ra bên dòng Thầy Cai- trung tâm của làng nghề sản xuất gạch, gốm và là “vùng lõi” của Di sản đương đại Mang Thít, làm nức lòng người dân địa phương và du khách. Trong không gian tráng lệ và đầy mê hoặc, “vương quốc” gạch, gốm đỏ như bước ra từ cổ tích đi qua bao biến thiên thăng trầm vẫn hiện diện giữa cuộc sống đương đại. 

Làng nghề gạch gốm bên dòng kênh Thầy Cai.
Làng nghề gạch gốm bên dòng kênh Thầy Cai.


Chuyển mình cùng dòng chảy thời đại


Tại sự kiện này, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm đã có phát biểu đầy cảm xúc, cho rằng: “Sông nước Vĩnh Long còn là nơi tích tụ phù sa, tạo thành những mỏ đất sét quý giá, hình thành nghề sản xuất gạch, gốm đã có trên 100 năm. Với vẻ đẹp vừa cổ kính, phủ màu thời gian vừa lung linh soi bóng dọc dòng kênh Thầy Cai, sông Cổ Chiên của huyện Mang Thít, “vương quốc” gạch, gốm đỏ đã trở thành niềm tự hào của người dân làng nghề và là điểm đến độc đáo, khác biệt đối với du khách trong và ngoài nước”. 


Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh ý nghĩa tổ chức Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024: “Sự kiện này tiếp tục tôn vinh tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và bàn tay khéo léo qua bao thế hệ của người dân Vĩnh Long từ trên 100 năm nay. Nơi đây còn là vùng đất với những con người phóng khoáng, mộc mạc, chân tình của vùng đất trung tâm Tây Nam Bộ trong cái nôi chung gắn kết các vùng, miền trong cả nước cùng kiến tạo, phát triển; là tâm huyết của thế hệ đi sau mong muốn giữ gìn một làng nghề truyền thống vốn chỉ có trên vùng đất này”- đồng thời kỳ vọng: “Và hơn hết, đây là kết tinh của mong ước “vương quốc gạch, gốm đỏ” sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, để những lò gạch rêu phong, cổ kính mang nền văn hóa Vĩnh Long đến với mọi miền đất nước”. 


Đáng chú ý, tại lễ khai mạc, tỉnh Vĩnh Long đã công bố Đồ án Quy hoạch xây dựng Khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045. Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm cho rằng: “Đồ án đánh dấu bước phát triển trong bối cảnh mới; bảo tồn, phát huy và giữ gìn bản sắc riêng của khu vực, trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Vĩnh Long nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Bên cạnh đó, khai thác được các giá trị và tiềm năng tổng thể, phát triển du lịch cộng đồng thành một trong các trụ cột kinh tế trong mối tương quan phát triển bền vững với các lĩnh vực khác, hình thành hệ sinh thái cảnh quan- di sản- dịch vụ”.


Đồ án hướng đến mục tiêu khai thác các giá trị và tiềm năng tổng thể Khu lò gạch, gốm Mang Thít; phát triển du lịch cộng đồng thành một trong các trụ cột kinh tế trong mối tương quan phát triển bền vững với các lĩnh vực kinh tế khác; đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh, hình thành một hệ sinh thái cảnh quan- di sản- dịch vụ. Đồ án cũng định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quản lý đầu tư xây dựng Khu lò gạch, gốm Mang Thít thời gian tới. 


Trước đó, tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo năm 2021-2025; Đề án Di sản đương đại Mang Thít. Các đề án được triển khai đã góp phần hỗ trợ làng nghề sản xuất gạch, gốm chuyển mình, khôi phục sản xuất, thay đổi công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh, sản xuất mang lại hiệu quả hơn. 


Mở lối tương lai tươi sáng 


Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, cho rằng: “Những nhân tố hình thành làng nghề gạch, gốm trăm năm đó là: Từ ông cha bao thế hệ đã dày công vun đắp và lưu truyền nghề đến ngày nay. Kế đến là nhờ có bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân, thợ giỏi đã biến những sản phẩm gốm thô sơ tưởng chừng đơn giản thành những sản phẩm mang tính nghệ thuật, có độ thẩm mỹ cao. Họ còn là những người thầy truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng cho thế hệ sau, góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề gạch, gốm”. Cạnh đó, sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên và kịp thời bằng những chính sách cụ thể của tỉnh đối với ngành sản xuất gạch gốm. Vai trò của Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, trong thời gian qua, không ngừng nỗ lực, phấn đấu vì mục tiêu, sứ mệnh phát triển ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh nhà.


Cùng với đồ án quy hoạch vừa được tỉnh công bố, bà Ngọc Diệp cho rằng: “Đề án Di sản đương đại Mang Thít nếu được thực hiện thành công, không chỉ là cơ hội lớn đối với người sản xuất gạch gốm cần nắm bắt, còn là cơ hội cho địa phương và cho mọi người dân cùng phát triển”. Đối với hội viên Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long trong vùng Di sản đương đại Mang Thít, BCH hiệp hội thường xuyên vận động các hội viên giữ lại lò tròn để tham gia vào đề án. 


Các đồ án, đề án hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị, cơ hội phát triển mới cho ngành sản xuất gạch gốm dần trở thành một ngành công nghiệp không khói, gắn với phát triển du lịch. Việc hoàn thành các đồ án, đề án này là thuận lợi bước đầu cùng đồng thuận cộng đồng làng nghề giữ gìn, phát triển, để tỉnh hiện thức hóa mục tiêu vừa bảo tồn, đánh thức tiềm năng, mở ra triển vọng kết nối, nâng tầm du lịch của Vĩnh Long, của ĐBSCL với các nước trong khu vực và thế giới.


Nói về đóng góp của làng nghề, sản phẩm gạch gốm trong phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng: “Giá trị về văn hóa, du lịch mà làng nghề nói chung, sản phẩm gạch gốm đỏ nói riêng đã và sẽ mang lại, đó là: Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề nhằm khẳng định kết quả của việc giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, thể hiện tình đất, tình người thông qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và kiến trúc có tính nghệ thuật cao của các lò gạch, gốm đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng có giá trị về kinh tế và tính thẩm mỹ cao. Hoạt động của làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm qua và nét văn hóa truyền thống đó vẫn được gìn giữ trong cuộc sống đương đại.

Đối với lĩnh vực du lịch thì đây được xem là sản phẩm đặc thù làm cơ sở để liên kết vùng, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan Vĩnh Long. Quy hoạch bảo tồn làng nghề gạch, gốm nhằm tạo nét đặc trưng riêng cho Vĩnh Long, đồng thời phát huy giá trị làng nghề thông qua các hoạt động du lịch với các khu chức năng như khu trải nghiệm sản xuất gạch, gốm; khu nghỉ dưỡng loại hình homestay; khu trưng bày các sản phẩm làng nghề; sản xuất quà lưu niệm”. 


* * *

Từ đề án, đồ án của tỉnh, những lò gạch cổ kính sẽ có cơ hội “chuyển mình” thành những lâu đài rực rỡ.
Từ đề án, đồ án của tỉnh, những lò gạch cổ kính sẽ có cơ hội “chuyển mình” thành những lâu đài rực rỡ.


Hoàng hôn dần buông, phủ thêm sắc đỏ cho những mái lò đứng trầm mặc bên bờ sông, ánh chiều tà len qua từng khe gạch tựa như lời chào tạm biệt với ngày cũ, nhưng cũng là lời hứa hẹn về một bình minh mới đang chờ đón. “Vương quốc đỏ”- nơi từng cất giữ những câu chuyện về buổi sơ khai của ngành sản xuất gạch, ngói đến những thế hệ làm nên “Gốm đỏ Vĩnh Long”, giờ đây đã có thêm những đôi tay trẻ tiếp sức, miệt mài đắp nặn, truyền lửa cho thế hệ mai sau. Trong khát vọng gìn giữ làng nghề, từ Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” đến Đồ án “Quy hoạch xây dựng Khu lò gạch, gốm huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đến năm 2045” như thắp lên một ngọn lửa không tắt, viết tiếp câu chuyện phát triển bền vững cho làng nghề trăm năm- nơi truyền thống và hiện đại giao hòa, mở lối cho tương lai tươi sáng.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc:

Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là cơ hội để Vĩnh Long giới thiệu hình ảnh về một nền kinh tế xanh, bền vững, một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Tôi hy vọng, thời gian tới, nghề gạch gốm đỏ sẽ phát triển lên một tầm cao mới, sản phẩm sẽ đa dạng, phong phú, tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt hơn sẽ vươn xa ra thế giới. Những lò gạch đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời nơi đây không những tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, là đặc trưng văn hóa của vùng chúng ta mà còn là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch muôn phương đến với ĐBSCL.
Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, phát huy tối đa tiềm năng, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của vùng, quyết tâm xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, là hình mẫu tiêu biểu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản với tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển bền vững, khẳng định vị thế địa chính trị, kinh tế trong khu vực và cả nước, xứng đáng với tên gọi Vĩnh Long: là mãi mãi giàu có, thịnh vượng.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO TIÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh