Gạch gốm đỏ và câu chuyện hồn đất, tình người bên dòng Cổ Chiên:
Kỳ 2: Đất chở nặng tình người

06:37, 06/11/2024
Những người thợ đã giữ lửa, giữ nghề, góp phần đưa gốm đỏ Vĩnh Long vươn xa.
Những người thợ đã giữ lửa, giữ nghề, góp phần đưa gốm đỏ Vĩnh Long vươn xa.


Theo dòng chảy thời gian cùng sự phát triển của đời sống xã hội, làng nghề sản xuất gạch gốm tỉnh Vĩnh Long đứng trước những khó khăn, thách thức. Thế nhưng, những con người “xem đất là máu thịt”, đã tìm cách “khoác chiếc áo mới” để gốm Vĩnh Long có một vị trí giữa dòng gốm nghệ thuật đương đại.


Trong đó, phải kể đến ông Nguyễn Văn Buôi- Chủ nhân ngôi nhà gốm đỏ đạt kỷ lục Việt Nam và được thế giới vinh danh, hay họa sĩ Lê Triều Điển, người được tặng danh hiệu Nghệ nhân gốm đỏ Vĩnh Long, đã thổi hồn để đất sét bên dòng Cổ Chiên một lần nữa được tái sinh.


Nghệ nhân mê “thổi hồn” cho đất


Sinh ra tại tỉnh Bến Tre, học Bách khoa, song họa sĩ Lê Triều Điển lại đam mê hội họa. Những chiếc lò gạch san sát nhau bên bờ sông nhả khói là nguồn cảm hứng vô tận để ông sáng tác tranh nghệ thuật lại trở thành mối lương duyên gắn kết ông với nghệ thuật tạo tác sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long. Gần 30 năm gắn bó với gốm đỏ Vĩnh Long, họa sĩ Lê Triều Điển hiểu “nết đất, nết người” nơi đây. Thế nên các tác phẩm của ông, bên cạnh phương diện nghệ thuật luôn thắm đượm hồn đất, tình người châu thổ.

“Khi đôi tay chạm vào đất là lúc cảm xúc được thăng hoa”- họa sĩ Lê Triều Điển.
“Khi đôi tay chạm vào đất là lúc cảm xúc được thăng hoa”- họa sĩ Lê Triều Điển.


“Mình vẽ tranh về gốm và cũng ái mộ ông Vương Hồng Sển, đọc sách ông ấy về gốm khiến mình càng yêu thích gốm, dần dà nó như máu thịt của mình. Mình thấy những danh họa thế giới họ đều làm gốm, làm tăng sức hấp dẫn và tha thiết của mình. Dưới chân mình là đất, mà ở ĐBSCL đất là kho tàng khổng lồ. Mình có lợi thế để làm gốm. Thì khi mình làm gốm nghệ thuật thì đã có sẵn phương tiện, linh hồn, sẵn tâm tình trong đất, nước thôi thúc mình làm”- họa sĩ Lê Triều Điển xúc động nhớ lại.


Họa sĩ Lê Triều Điển chia sẻ, khi người nghệ sĩ chạm vô đất là lúc sự sáng tạo được đánh thức, người ta gọi là “thổi hồn” vào đất. Theo họa sĩ, nhà thơ Phạm Thị Quý (bút danh Hồng Lĩnh), Hội Văn học Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh và là vợ của họa sĩ Lê Triều Điển: “Đất rất là truyền cảm, truyền cảm qua bàn tay, qua xúc giác của mình. Đất rất mịn màn, mát dịu, nó làm cho mình có nhiều cảm xúc”. Vốn “nặng lòng với đất”, nên khi đôi tay vuốt ve lên phôi đất, là lúc xúc cảm của 2 người nghệ sĩ cùng thăng hoa để tạo nên những tuyệt tác. 

Họa sĩ Lê Triều Điển cùng vợ đang sáng tác tác phẩm “Mùa xuân của Đất”.
Họa sĩ Lê Triều Điển cùng vợ đang sáng tác tác phẩm “Mùa xuân của Đất”.


Trong ngày tái ngộ tại tỉnh Vĩnh Long cách đây không lâu, ông bà đã cùng nhau sáng tác tác phẩm “Mùa xuân của Đất”. Tình yêu với đất được họa sĩ Lê Triều Điển lan tỏa đến đông đảo khách tham quan, thưởng lãm qua các cuộc triển lãm nghệ thuật trong và ngoài nước. Trong đó, hàng chục cuộc triển lãm về những tác phẩm điêu khắc từ gốm đỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới đã làm nên dấu ấn cá nhân của ông trong giới yêu nghệ thuật.


Năm 2010 trong sự kiện Festival Gốm sứ Việt Nam do tỉnh Bình Dương tổ chức, ông cũng được vinh danh là “Nghệ nhân gốm Vĩnh Long”. Họa sĩ, nhà thơ Phạm Thị Quý nhận xét: “Anh Điển là người say mê sáng tạo, nhất là đối với đất, với gốm. Nhiều khi hai vợ chồng làm gốm không biết thời gian, làm quên ăn quên uống luôn”. 


Những tâm hồn đồng điệu 


Sự say mê sáng tạo xuất phát từ tình yêu thiết tha với đất là chất kết dính họa sĩ Lê Triều Điển với ông Nguyễn Văn Buôi (tức Tư Buôi)- xuất thân trong gia đình có truyền thống làm gạch, ngói. Khi việc sản xuất gạch gặp khó khăn, không như bao người khác chọn cách ly hương, ông Tư Buôi quyết tìm hướng đi để khôi phục nghề. Việc gặp họa sĩ Lê Triều Điển đã giúp ông hiện thực hóa niềm mơ ước sản xuất những sản phẩm gốm đỏ mang tính nghệ thuật cao. Trong đó, nổi bật là công trình ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống được làm hoàn toàn từ gốm đỏ Vĩnh Long tọa lạc tại Phường 5, TP Vĩnh Long có tổng diện tích gần 300m².


“Mình cũng ấp ủ đề tài làm du lịch và một ngôi nhà gốm. Thì anh Lê Triều Điển đã gợi ý rất nhiều để ngôi nhà phù hợp với văn hóa của mình”- ông Nguyễn Văn Buôi, chủ ngôi nhà gốm đỏ Vĩnh Long, tiết lộ.


“Đình làng gắn liền văn hóa dân gian người Nam Bộ với lối kiến trúc có nhiều họa tiết trang trí hết sức gần gũi: rồng, phượng, con chim, con dơi, con rùa,… Nên mình hướng anh Tư Buôi theo hướng đó, thì anh hết sức thông minh khi chuyển nó thành tác phẩm đặc sắc phù hợp để trang trí trong nhà. Chính nét độc đáo đó tạo nên giá trị được thế giới công nhận”- họa sĩ Lê Triều Điển bộc bạch.


Không chỉ nhận kỷ lục về “Ngôi nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam”, căn nhà này còn đạt một số giải thưởng quốc tế và trở thành niềm tự hào của những người mong muốn giữ nghề, phát huy những giá trị truyền thống của vương quốc gốm đỏ Vĩnh Long.


“Tôi thật sự rất vui vì mình đã làm được ngôi nhà này. Bởi từ đó chứng minh được rằng, từ đất sét Vĩnh Long chúng tôi không chỉ làm ra những viên gạch tốt, những sản phẩm mỹ nghệ dùng trong trang trí mà còn có thể làm thành cột, kèo,… dựng nên một căn nhà hoàn chỉnh thay thế cho gỗ cùng các vật liệu khác”- ông Tư Buôi phấn khởi nói.


Hiện căn nhà gốm đỏ của ông Tư Buôi là điểm dừng chân trong chuỗi du lịch của nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước. Để đáp ứng nhu cầu tham quan ngày một nhiều, ông xây dựng thêm điểm du lịch sinh thái tại cù lao xã An Bình (huyện Long Hồ) cùng khu “Làng gốm Tư Buôi” (Phường 5, TP Vĩnh Long) nổi bật với sắc đỏ đặc trưng của gốm Vĩnh Long, gồm khu vực tham quan, trưng bày sản phẩm gốm đỏ, nhà ăn, khu phòng nghỉ.

Các sản phẩm gốm đỏ mini do cơ sở ông Tư Buôi sản xuất là sản phẩm du lịch rất được yêu thích hiện nay.
Các sản phẩm gốm đỏ mini do cơ sở ông Tư Buôi sản xuất là sản phẩm du lịch rất được yêu thích hiện nay.


Đưa câu chuyện tình đất, tình người vào sản phẩm là cách mà những người làm gốm mỹ nghệ Vĩnh Long đang thực hiện. Để mỗi sản phẩm gốm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên từ đất mà còn là sự gửi gắm tâm tư, tình cảm của “những tâm hồn đồng điệu” mang tình yêu sâu nặng với quê hương đất nước, lòng tự hào về những giá trị lịch sử truyền thống của một nơi được mệnh danh “đất địa linh, sinh anh kiệt”. 

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng: “Chính những người thợ đã giữ lửa, giữ nghề, đưa sản phẩm của Vĩnh Long đi khắp ĐBSCL và nhiều quốc gia trên thế giới. Song để góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các tác phẩm, sản phẩm gạch gốm đỏ Vĩnh Long thì phải kể đến các doanh nghiệp đi đầu như Ba Nghĩa, Tư Buôi, Đoàn Thị Ngọc Diệp... cùng các nghệ sĩ, điêu khắc gia: họa sĩ Lê Triều Điển, Đặng Can, Trần Có...”.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU- TẤN TÂN
(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh