Những ngày Festival Gạch gốm đỏ- Kinh tế xanh sôi động dần khép lại, nhưng cánh cửa cơ hội phát triển làng nghề gạch, gốm đỏ Mang Thít trở thành ngành công nghiệp không khói đang được mở ra. Kèm theo đó nhiều kỳ vọng từ các đề án, đồ án quy hoạch làng nghề, tâm huyết của chính quyền địa phương, sự đồng thuận từ cộng đồng sẽ làm chuyển đổi mạnh mẽ vùng đất này.
Rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến làng nghề gạch, gốm Mang Thít dịp này, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp muốn… lịm tim của từng dãy lò gạch cổ kính màu thời gian, tận tay nặn đất tạo hình, tìm hiểu làng nghề trăm năm. Cùng cảm xúc với chúng tôi, nhiều người đã thốt lên: Đúng là tuyệt đẹp, có một không hai!
Bên dòng kênh Thầy Cai, thả tầm mắt ra khung cảnh nguy nga, lộng lẫy dưới ánh mặt trời, anh Dương Chí Hiền tự nhận rất đam mê gạch gốm quê mình mà không ngại “tay chân lấm lem bùn đất”. Anh mở quán cà phê “Nhà gạch gốm đương đại” cho khách tới tham quan. Nâng niu từng sản phẩm quà tặng “cải tiến về mẫu mã, vừa tay, đặc biệt là mang tính thẩm mỹ hơn”. Anh hào hứng nói với chúng tôi về từng cây cột làm từ gốm đỏ, độc đáo nét hoa văn tạo ra từ “ý tưởng trong đầu”. Những viên gạch ngân lượng cũng được tạo tác riêng biệt, không đụng hàng…
Ly cà phê đá tan mà chuyện về gạch, gốm anh Hiền kể say sưa chưa dứt. Nhớ có đoàn khách Đài Loan (Trung Quốc) vừa đến đã bị “hớp hồn”, họ đi hết lò này qua lò khác, mấy tiếng đồng hồ vẫn chưa muốn rời. Sinh ra và lớn lên tại đây, anh Hiền luôn tự hào làng nghề của mình quá đẹp. Vì yêu cái vẻ đẹp mộc mạc mà tráng lệ đó, anh Hiền muốn làm du lịch để du khách tới làng nghề và vẫn đang còn ấp ủ rất nhiều dự định để đi đường dài…
Chúng tôi vô cùng tâm đắc chia sẻ của anh Dương Chí Hiền: Khách tới làng nghề ngắm nhìn lò gạch, cũng cần có cái để giữ chân họ. Người dân chưa hiểu cách làm du lịch nên còn bỏ phí tài nguyên có sẵn. Phía sau những lò gạch là vườn cây ăn trái, ruộng lúa mênh mông… Nếu cộng đồng người dân giữ lò đồng thuận để tạo ra những sản phẩm du lịch, dịch vụ; thì chúng ta mới có thể khai thác tiềm năng rất lớn trên “cái nền” làng nghề trăm năm và những lò gạch, gốm độc đáo.
Chủ trương, định hướng đã có. Và để hiện thực hóa ước vọng biến lò gạch rêu phong trở thành những “lâu đài rực rỡ”, làng nghề vẫn đang cần những con người thật sự nhiệt huyết và nguồn lực đầu tư lớn. Đó là cả một chặng đường dài phía trước.
TRẦN PHƯỚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin