Nông sản sạch là xu hướng tất yếu, phản ánh mong muốn của người tiêu dùng về sức khỏe và môi trường. |
Trong bối cảnh người tiêu dùng (NTD) ngày càng chú trọng đến sức khỏe và an toàn thực phẩm, nông sản (NS) sạch đang trở thành xu hướng tiêu dùng tất yếu. Tuy nhiên, hành trình đưa NS sạch “từ trang trại đến bàn ăn” vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Từ sản xuất đến phân phối, mỗi khâu đều đòi hỏi sự cải tiến để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường.
Tại sao nông sản sạch vẫn “kén” người mua?
Theo các chuyên gia kinh tế, sự gia tăng nhận thức về sức khỏe và môi trường đã thúc đẩy phát triển mô hình nông nghiệp (NN) sạch. NS sạch không chỉ đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều NS Việt Nam, như: gạo, trái cây, cà phê và thủy sản, đã đạt chất lượng cao, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU…
Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, NS sạch vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi. PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Khôi- Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Trường ĐH Cần Thơ), nhận định: “NTD chưa quen với việc trả giá cao hơn cho sản phẩm sạch. Điều này dẫn đến việc tiêu thụ bị hạn chế, cần nâng cao nhận thức và xây dựng niềm tin để thúc đẩy thị trường phát triển”. Ông cũng nhấn mạnh rằng niềm tin vào chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiêu thụ NS sạch.
Bên cạnh đó, sản xuất NS sạch tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn. PGS.TS Võ Thành Danh (giảng viên cao cấp, Trường Kinh tế- ĐH Cần Thơ) cho rằng, phương thức sản xuất truyền thống, manh mún, thiếu hợp tác khiến việc đạt các tiêu chuẩn chất lượng trở nên khó khăn. Chi phí đầu tư cao, từ kết cấu hạ tầng đến kiểm nghiệm, là một rào cản lớn. Ngoài ra, mạng lưới giao thông và chuỗi cung ứng yếu kém cũng làm tăng chi phí vận chuyển, đặc biệt đối với NS dễ hỏng như rau củ và trái cây.
Tại Vĩnh Long, tiềm năng phát triển NS sạch rất lớn nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi với diện tích đất NN chiếm 78% tổng diện tích đất tự nhiên. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, sản xuất NN còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa xây dựng được vùng sản xuất tập trung, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là các nước phát triển là những hạn chế của ngành NN tỉnh nói chung.
Ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh, cho biết: NS Việt Nam hiện vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những thị trường khó tính với sự cạnh tranh cao. Các mặt hàng NS chủ lực Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, điều này phần nào giảm đi tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của NS Việt Nam trên thị trường.
Sự linh hoạt trong sản xuất, thay đổi thói quen canh tác nông nghiệp đang góp phần định hướng tiêu dùng sạch. |
Xây dựng lòng tin
Thời gian qua, tỉnh cũng rất quan tâm đến sản xuất NN xanh, NN sạch, trong đó sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý được chú trọng. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để phát triển NN, như: hỗ trợ sản xuất NN công nghệ cao, đầu tư hạ tầng, nhân lực cho các HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn và đã đạt được những thành quả nhất định.
Song song đó, ngành chức năng cũng đã phối hợp tổ chức các hội nghị, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu giới thiệu, quảng bá NS, thực phẩm an toàn tới tay NTD. Qua đó, giúp NTD hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng những mặt hàng NS an toàn được cung cấp trên thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để đưa sản phẩm, hàng hóa bảo đảm chất lượng đến tay NTD và tiếp cận được các kênh phân phối hiện đại, các thị trường khó tính cần có nhiều giải pháp đồng bộ, như: xây dựng chuỗi cung ứng, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cũng cần được chú trọng…
PGS.TS Lưu Thanh Đức Hải- Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế (ĐH Cần Thơ), nhấn mạnh, xây dựng thương hiệu NS sạch là con đường tất yếu để nâng cao giá trị sản phẩm. Thương hiệu mạnh không chỉ tăng sức cạnh tranh mà còn tạo niềm tin vững chắc cho NTD trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần sự hỗ trợ đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp và nông dân trong đầu tư kỹ thuật, vốn và chính sách.
Theo TS Lê Nguyễn Đoan Khôi, “NS sạch là xu hướng tất yếu, nó phản ánh mong muốn của NTD về sức khỏe và môi trường”. Để bắt nhịp được với xu hướng này thì người nông dân cần được cung cấp kiến thức, kỹ thuật sản xuất và cách tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp và NTD để hình thành chuỗi cung ứng hiệu quả.
Theo đó, chuỗi cung ứng minh bạch sẽ là chìa khóa để xây dựng niềm tin từ NTD. Hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch giúp NTD dễ dàng xác minh thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, chất lượng của NS; thuận tiện hơn trong việc truy cập thông tin về các tiêu chuẩn và chứng nhận sản phẩm.
Trong đó, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao truy xuất nguồn gốc NS sạch.
Các giải pháp như blockchain, QR code, IoT và AI giúp theo dõi toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất đến phân phối. Điều này không chỉ tạo sự yên tâm, niềm tin cho NTD, mà còn thúc đẩy tiêu thụ NS sạch, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành NN nói chung.
Người tiêu dùng cần có lựa chọn thông minh, ưu tiên sử dụng nông sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng. |
Theo các chuyên gia kinh tế, để xu hướng sử dụng, tiêu dùng NS sạch, thực phẩm an toàn được phát triển bền vững, hướng tới sức khỏe cộng đồng, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp, chính sách nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chất lượng NS sạch để tạo niềm tin, bảo vệ quyền lợi cho NTD.
Song song đó, NTD cũng cần có lựa chọn thông minh, ưu tiên sử dụng NS sạch, có nguồn gốc rõ ràng, nên mua sản phẩm từ các trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn, tạo động lực cho nông dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức về lợi ích của NS sạch, khuyến khích mọi người cùng chung tay tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, uy tín.
Bài, ảnh: SONG THẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin