Động lực tăng trưởng mới 

07:36, 05/11/2024

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 4/11 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế (KT)- xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT- xã hội năm 2025, đại biểu đánh giá cao công tác điều hành rất chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch KT- xã hội thời gian qua. 


Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại biểu cho rằng còn nhiều hạn chế như: tăng trưởng tín dụng hỗ trợ lãi suất giảm lãi cho vay chưa đạt mục tiêu đề ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn, số DN rút lui khỏi thị trường còn lớn... 


Đại biểu cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Tuy nhiên, số liệu DN rút lui khỏi thị trường cho thấy các DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn. 


Để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền KT; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới. 


Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần KT trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.


Đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả KT chưa cao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp-PTNT tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo hướng giá trị gia tăng cao; đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, công nghệ chế biến sâu, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp nuôi trồng hiện đại… 


Đồng thời sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai năm 2024, nhất là các văn bản thuộc thẩm quyền của các địa phương để đẩy nhanh quá trình tích tụ tập trung đất đai, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún… 


Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong DN, nhất là thủ tục hành chính, lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để DN phục hồi, phát triển. Tăng cường công tác quản lý, tập trung thực hiện các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, ưu tiên bố trí nguồn lực cho đầu tư hạ tầng kết nối, các chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu cơ chế cho phép địa phương được điều chuyển nguồn vốn từ các dự án chậm, kém hiệu quả sang dự án trọng điểm khác để phát huy nguồn lực đầu tư. 


AN NHIÊN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh