Cha mẹ không nên giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện

18:22, 21/11/2024
Trẻ em cần được giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.
Trẻ em cần được giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Nếu chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe (GPLX) thì ngoài việc người điều khiển phương tiện bị phạt, người giao xe (chủ xe) cũng bị liên đới trách nhiệm...

Con số… giật mình


Thời gian qua, báo chí liên tiếp đưa tin về những vụ nhóm lức tuổi thiếu niên tập trung chạy xe mô tô lạng lách trên đường phố và đã xảy ra những vụ tai nạn thương tâm cho người đi đường. Điển hình một vụ ở TP Hà Nội vào ngày 3/11, đoàn xe chạy tốc độ cao đâm vào cô gái dừng đèn đỏ, làm cô gái chết tại chỗ; 1 vụ ở TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), 2 em thiếu niên chạy tố độ cao đâm vào cột điện tử vong…

 
Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông (GT) trong lứa tuổi thanh thiếu niên xảy ra phổ biến thời gian qua. 


Ở đây yếu tố chính thuộc về cha mẹ, vì cưng chiều con nên sắm xe phân khối lớn theo sự đua đòi; mặt khác là không quản lý, giáo dục để con tự ý lái xe đi chơi theo bạn bè, hoặc những em bỏ học lêu lổng tụ tập khích động gây mất trật tự an toàn GT và thậm chí xảy ra những hệ lụy vô cùng đau thương cho gia đình và người khác.


Tại một hội thảo về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, một con số làm nhiều người giật mình là có đến 38,5% đối tượng đua xe trái phép là học sinh (chủ yếu là học sinh cấp 3), chiếm 23,5% là học sinh đã bỏ học. Cá biệt một số đối tượng khi thấy mô tô CSGT tuần tra còn bất ngờ vượt đèn đỏ, luồn lách để tìm cách chạy trốn gây nguy hiểm cho những người tham gia GT khác.


Mới đây, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh đường bộ do Bộ Công an soạn thảo, có đề xuất một số trường hợp sẽ bị tịch thu xe máy như: đua xe trái phép, buông cả hai tay khi đang lái xe, dùng chân lái xe, lái xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong và ngoài đô thị. Đây được coi như một giải pháp mạnh để ngăn chặn quái xế.


Người giao bị xử lý, kể cả hình sự


Không giao xe cho con cái, người chưa đủ tuổi điều khiển xe. Tuyệt đối không giao xe cho người mà mình biết người đó có nồng độ cồn, có ma túy và không có giấy phép lái xe (kể cả giấy phép lái xe hết hạn hoặc bị tước GPLX).


Khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe, người giao phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; người điều khiển phương tiện xảy ra tai nạn phải bị xử phạt và người giao phương tiện cũng liên đới trách nhiệm tùy theo mức độ hành vi của người điều khiển và hậu quả của vụ tai nạn, từ bị xử phạt vi phạm hành chính đến chịu trách nhiệm hình sự.

 

Điều 264 Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ như sau:

Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 ngàn đồng đến dưới 500 ngàn đồng.


Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.


Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.


Trước tiên, người giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, khi bị phát hiện phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Cá nhân giao xe hoặc để cho người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng. Đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Điều 8 Luật Giao thông (GT) đường bộ 2008 quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: Đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng. Điều khiển phương tiện GT đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy. Điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.
Điều 60 quy định độ tuổi của người lái xe: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh (phải có giấy phép lái xe), xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi. Như vậy, người có nồng độ cồn, có chất ma túy; Người không có giấy phép lái xe và người chưa đủ 16 tuổi không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia GT đường bộ.

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh