Phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam nóng lên trên các diễn đàn gần đây. Một đất nước dài gần 2.000km mà hệ thống đường sắt cũ kỹ lạc hậu cả trăm năm không tạo động lực cho phát triển.
Chính phủ cho biết, dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam từng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư năm 2010. Tuy nhiên, thời điểm này còn có ý kiến băn khoăn về tốc độ, phương án khai thác, nguồn tiền đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế thấp. Cụ thể, khi đó GDP mới ở mức 147 tỷ USD trong khi tổng mức đầu tư dự án lên đến 55,8 tỷ USD, tương đương 38% GDP, nợ công ở mức cao là 56,6% GDP. Vì vậy, dự án không được thông qua.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng đã ký báo cáo tóm tắt tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam. Trong đó, Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu khởi công dự án vào năm 2027 và đưa dự án hoàn thành năm 2035.
Lý do đưa ra, hiện nay, nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 trong nước đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP. Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng dự án năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Cũng theo tính toán của Chính phủ, khi triển khai dự án đến năm 2030, cả 3 tiêu chí về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn mức cho phép; 2 tiêu chí tăng so với mức cho phép là nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia và bội chi ngân sách. Còn sau năm 2030, đáp ứng chỉ tiêu nợ công nhưng các chỉ tiêu khác tăng, tuy nhiên không nhiều so với kịch bản không đầu tư dự án.
Chính phủ khẳng định đây là “công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế”.
Mới đây, tại họp phiên toàn thể lần thứ 20 của Ủy ban Kinh tế để thẩm tra chủ trương đầu tư dự án này. Các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết đầu tư, bởi “nếu không kết nối với các tuyến đường quốc tế, Việt Nam có thể bị gạt ra lề của cuộc chơi khu vực và toàn cầu”.
Trách nhiệm lịch sử và trước tương lai của quốc gia một lần nữa đặt ra. Vì vậy, để triển khai chủ trương đầu tư dự án, như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cần phải có cách làm mới với quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, khơi dậy và phát huy tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần dám nghĩ dám làm, sáng tạo để làm công trình này.
N. HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin