Bàn chuyện phân luồng học sinh

06:30, 06/11/2024

Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, câu chuyện phân luồng học sinh (HS) sau THCS và THPT nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu.


Theo đại biểu, thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (gọi tắt là Quyết định số 522), công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng HS chưa đạt mục tiêu đề ra là ít nhất của 40% HS tốt nghiệp THCS và 45% HS tốt nghiệp THPT đi học nghề. 


Đánh giá về vấn đề này, đại biểu cho rằng chủ trương phân luồng HS sau THCS nhằm tạo nguồn nhân lực với cơ cấu nghề phù hợp nhu cầu sử dụng nhân lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua công tác tuyên truyền, nghiên cứu, khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường việc làm chưa được quan tâm đúng mức, đa số HS và phụ huynh lúng túng và thiếu thông tin trong việc lựa chọn nghề nghiệp.


Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục thực hiện phân luồng cực đoan, cứng nhắc dẫn đến sự đồng thuận không cao của phụ huynh và HS. Có một thực tế là tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề cấp huyện không đủ hấp dẫn để thu hút HS tham gia học, vì cơ sở vật chất không được đầu tư đồng bộ, đội ngũ giáo viên cơ hữu không đảm bảo, trình độ trung cấp và sơ cấp nghề không có nhiều cơ hội để kiếm được việc làm. 


Thực tiễn cho thấy, việc phân luồng 40% HS THCS đi học nghề và 60% tiếp tục học THPT công lập đã tạo ra một áp lực rất lớn cho các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm. Theo báo cáo các tỉnh cho thấy mỗi năm có khoảng trên 15% HS tốt nghiệp THCS bỏ học trực tiếp lao động và không có việc làm ổn định. Chất lượng đào tạo nghề đối với HS tốt nghiệp THCS còn thấp và tỷ lệ có việc làm không cao. Chỉ tiêu phân luồng 45% HS tốt nghiệp THPT đi học nghề cũng không đạt mục tiêu đề ra vì đa phần các em đều mong muốn theo học một trường ĐH nhất định và ít đi học nghề. 


Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị, ngoài việc tăng cường thông tin tuyên truyền về chính sách này cần đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu của xã hội, gắn đào tạo nghề với nhu cầu, việc làm của doanh nghiệp, chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Song song đó, Chính phủ cần tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 522 để có giải pháp phân luồng phù hợp. 


Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay HS đối mặt với một sức ép rất lớn khi thi vào lớp 10 THPT. Đã đến lúc chúng ta cần phải đánh giá một cách đầy đủ sau một thời gian triển khai Quyết định số 522 và xem công thức phân luồng cho HS sau THCS và sau THPT mức độ phù hợp còn đến đâu. Bởi lẽ, khi nguyện vọng của các cháu lớn hơn và sự khác biệt giữa các vùng miền rất lớn thì lúc đó nảy sinh ra rất nhiều vấn đề, gây căng thẳng cho các cháu trong sự lựa chọn. Hơn thế nữa, tránh tình trạng nhiều cháu lại chuyển sang học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm này lại đang gánh vác một nhiệm vụ tương tự như trường THPT nhưng trong một điều kiện rất khó đảm bảo được các điều kiện tốt như các trường THPT hiện nay. 
AN NHIÊN
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh