VŨNG LIÊM:
Đẩy mạnh phát triển  vùng nguyên liệu dừa hữu cơ

14:24, 08/10/2024
Trồng dừa theo hướng hữu cơ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.
Trồng dừa theo hướng hữu cơ đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Huyện Vũng Liêm đã và đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững bằng cách phát triển chuỗi giá trị cây dừa, góp phần tăng lợi nhuận, thu nhập cho nông dân, phát triển kinh tế địa phương.


Nhiều lợi ích cho nông dân


Theo Trạm Trồng trọt-BVTV huyện Vũng Liêm, trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện chọn các cây chủ lực và tiềm năng, trong đó có cây dừa. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị ngành hàng dừa, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với các địa phương từng bước xây dựng vùng trồng dừa hữu cơ, đạt chuẩn xuất khẩu. Cùng với việc lựa chọn vùng trồng đủ điều kiện, ngành nông nghiệp hướng dẫn nhà vườn thực hiện mã số vùng trồng (MSVT), thống nhất quy trình sản xuất, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu và tuân thủ đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.


Có 15 công trồng dừa theo hướng hữu cơ, cô Nguyễn Thị Đừng (xã Trung An, huyện Vũng Liêm) cho biết: “Trồng dừa theo hướng hữu cơ không quá khó lại được nhiều lợi ích. Tôi không sử dụng phân bón, các loại thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, kiểm soát chất lượng nguồn nước tưới, đồng thời, cung cấp dinh dưỡng cho dừa là từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh… Nhờ đó, vườn dừa của tôi phát triển tốt, ít tốn chi phí, đạt năng suất cao. Trung bình 1 tháng vườn dừa thu hoạch 2.400 trái, với mức giá 130.000-132.000 đ/chục, gia đình tôi có thu nhập khá”.


Cũng có 10 công dừa trồng theo hướng an toàn, hữu cơ, anh Nguyễn Văn Phước Yên (xã Trung An, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Nhiều năm nay tôi không còn sử dụng phân hóa học mà thay vào đó tôi tận dụng phân bò, ủ thêm phân hữu cơ để bón cho cây dừa. Năng suất dừa vẫn đạt tốt, từ 300-350 trái/công, dừa khỏe, ít sâu bệnh, lại bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, giá cả đầu ra luôn ổn định, cao hơn giá thị trường khoảng 5-10%, được bao tiêu sản phẩm nên tôi an tâm trồng”.


Bà Ngô Thị Linh Tuyền- cán bộ địa chính nông nghiệp xã Trung An, cho hay: Thời gian qua, cây dừa đem lại giá trị kinh tế cao nên nông dân tập trung chăm sóc vườn dừa. Địa phương cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng dừa, hướng dẫn nông dân nhận biết và kiểm soát các loại dịch hại trên cây dừa, cách bảo vệ thiên địch, thả bọ đuôi kìm, ong ký sinh…


Phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ bền vững


Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc triển khai thực hiện vùng dừa hữu cơ, MSVT cũng còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, yêu cầu về diện tích cho một vùng trồng cây ăn trái tối thiểu là 10ha trong khi diện tích canh tác của từng hộ nông dân ở huyện Vũng Liêm rất thấp, cần khoảng từ 30-35 nông dân đồng thuận tham gia. Do vậy, rất khó để chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tại vùng trồng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Các vùng trồng chưa cập nhật nhật ký sản xuất của vùng trồng lên cơ sở dữ liệu ngành trồng trọt, chủ yếu nhờ cán bộ NTM xã cập nhật. Trong khi đó, một số địa phương chưa thật sự quan tâm công tác tuyên truyền vận động người dân về xây dựng MSVT nên việc thiết lập mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn. Những quy định về xây dựng và cấp MSVT theo yêu cầu của nước nhập khẩu rất nghiêm ngặt, người nông dân có ý thức chưa cao trong việc chấp hành các quy định này.


Ông Hà Văn Thái- Chủ tịch UBND xã Trung An (huyện Vũng Liêm) cho biết: Trước đây, nông dân trồng dừa theo cách truyền thống, sử dụng phân hóa học, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Do đó, địa phương đã vận động nông dân trồng theo hướng an toàn hữu cơ, nông dân cũng dần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng trái dừa. 


“Toàn xã hiện có khoảng 400ha trồng dừa, trong đó có 78,4ha trồng theo tiêu chuẩn organic. Bên cạnh việc giữ ổn định diện tích trồng dừa, định hướng thị trường cho nông dân, xã cũng sẽ thành lập nhóm Zalo cộng đồng để công khai giá dừa cho nông dân biết, giúp đạt lợi nhuận cao, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, xã sẽ hoàn thành thủ tục thành lập HTX dừa hữu cơ, đồng thời tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ”- ông Thái cho biết thêm. 


Theo ông Nguyễn Văn Sáu- Trưởng Trạm Trồng trọt-BVTV huyện Vũng Liêm, thời gian qua, các MSVT đã được cấp xuất khẩu giá trị nông sản tăng lên rõ rệt, đầu ra nông sản ổn định, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Theo đó, khi nông dân sản xuất dừa được chứng nhận hữu cơ thì công ty sẽ mua cao hơn giá thị trường 5%. Thời gian tới, huyện tiếp tục tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân hiểu rõ về lợi ích của việc xây dựng MSVT, cũng như sản xuất hữu cơ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để nông dân tự nguyện tham gia sản xuất.

Vũng Liêm hiện có trên 5.160ha trồng dừa, trong đó, có gần 4.400ha đang cho trái. Huyện có 48ha dừa ở xã Trung An được chứng nhận hữu cơ. Dự kiến, diện tích làm hữu cơ toàn huyện 500ha (kết hợp với Công ty CP Đầu tư dừa Bến Tre Beinco). Toàn huyện có 7 MSVT dừa xuất khẩu ở xã Tân An Luông (trên 86ha với 212 hộ) và xã Trung Nghĩa (10,25ha với 18 hộ); 8 MSVT nội địa ở các xã: Tân An Luông, Hiếu Phụng, Trung An, Trung Nghĩa.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh