Trẻ ở lứa tuổi học đường nên đi khám mắt định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm để phát hiện sớm các tật khúc xạ mắt và được can thiệp sớm. |
Đó là chủ đề của ngày Thị lực thế giới (10/10/2024). Chủ đề nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên sức khỏe mắt của trẻ em và mang đến cho trẻ em trên toàn thế giới cơ hội yêu thương đôi mắt của mình.
Tật khúc xạ đang ngày càng phổ biến trong lứa tuổi học sinh, sinh viên, trong đó chủ yếu là cận thị. Các nghiên cứu gần đây của ngành y tế đã cho thấy tỷ lệ cận thị ở trẻ em Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là ở các thành phố, thậm chí có lớp trên 50% học sinh bị cận thị. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các em nhỏ dành nhiều thời gian sử dụng thiết bị điện tử có màn hình và ít thời gian hoạt động ngoài trời. Một số ít do di truyền;…
Đến các trường học trong khu vực TP Vĩnh Long, hầu như lớp nào cũng có học sinh phải đeo kiếng cận. Tỷ lệ học sinh tiểu học bị cận thị chiếm tới 10-15%, thậm chí cao hơn, trong đó có những em cận tới 5-6 độ. Đặc biệt, ở các trường chuyên, lớp chọn, học sinh bị cận thị chiếm tỷ lệ khá cao.
Em Nguyễn Anh Tuấn (lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Du) cho biết: “Con được mẹ cho đi khám mắt và đeo kính cận lúc đi học. Lúc trước khi chưa đeo kính, con coi tivi phải nheo mắt, giờ có kính con nhìn lên bảng ở xa đã thấy rõ. Ở lớp có 6 bạn đeo kính giống con”.
Theo BS.CK1 Lê Minh Phương- Trưởng Phòng Kế hoạch chỉ đạo tuyến Bệnh viện Chuyên khoa mắt tỉnh, qua các đợt khám tầm soát tại nhiều trường học thời gian qua từ thành thị đến nông thôn, các bác sĩ đã phát hiện rất nhiều trường hợp không biết bản thân bị các dị tật khúc xạ như: cận thị, loạn thị… và hầu như trên 70% học sinh không biết cách chăm sóc mắt, đi khám mắt định kỳ.
Ngày Thị giác thế giới 2024 là dịp để kêu gọi mọi người cùng chăm sóc sức khỏe mắt của trẻ em và chính mình. Việc kiểm tra mắt định kỳ, giảm tiếp xúc với các thiết bị điện tử và tham gia các hoạt động ngoài trời không chỉ giúp bảo vệ đôi mắt cho trẻ mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh về mắt khác.
Theo các bác sĩ, trẻ phải ngồi học đúng tư thế, đủ ánh sáng. Quan trọng nhất là trẻ ở lứa tuổi học đường nên đi khám mắt định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm để phát hiện sớm các tật khúc xạ mắt và được can thiệp sớm.
“Hãy đưa trẻ đến khám tại bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt khi nghi ngờ trẻ bị cận thị với các dấu hiệu như nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa; tiến lại gần khi xem tivi hoặc bảng; cúi mặt khi đọc sách, viết bài; trẻ viết sai, viết thiếu nhiều chữ hoặc phải chép bài của bạn; chớp mắt, dụi mắt không buồn ngủ và thấy mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi học bài, đọc sách.”- BS Minh Phương cho hay.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Huy- Trưởng Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Mắt Trung ương, chúng ta cần hỗ trợ thêm về mặt dinh dưỡng. Cần cho trẻ ăn những rau củ quả có màu vàng và màu đỏ chứa nhiều vitamin A. Bên cạnh đó cần bổ sung vi chất dinh dưỡng. Cứ sau 20 phút sử dụng điện thoại, máy tính, xem tivi thì phải nghỉ, nhìn ra xa khoảng 60m trong thời gian 20 giây để thư giãn. Khoảng cách xem điện thoại 30cm, máy tính để bàn cách 60cm, xem tivi cách 3m. Tư thế ngồi với khoảng cách như vậy cũng giúp mắt khỏe hơn. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin