Truyện ngắn:
Miên mải phù sa

12:14, 13/10/2024

HIỀN DƯƠNG

Tranh minh họa: Trần Thắng 
Tranh minh họa: Trần Thắng 

Thơ về khi những cơn nắng hạn còn dai dẳng thiêu đốt miệt đồng. Khi thấy bóng người kéo vali đến trước cửa nhà máy, một người con trai đang xếp gạch ra phơi dừng hẳn tay, mắt nhìn trân trân vào dáng điệu cô con gái dong dỏng cao coi bộ rất quen thuộc. Người con trai ấy là Luân, người thợ nhanh nhẹn và sức vóc nhất, thuần thục hết mọi khâu trong lò gạch của gia đình Thơ. Vậy là hai năm qua anh chàng vẫn luôn ở đây. Một người dưng lại thiết tha gắn bó với cơ nghiệp của gia đình cô hơn là đứa con gái rượu của chủ lò chỉ mê mải đi tìm giấc mơ ở một phương trời khác.


Khi biết chắc đúng là Thơ, Luân hơi khựng lại rồi rất nhanh đã mất hút sau những thiên gạch được xếp hàng hàng lối lối cao ngất. Lát sau anh trở ra cùng một người đàn ông tóc đã hoa râm. Nhát thấy con gái cưng trở về sau mấy năm biền biệt xứ xa, cha Thơ xúc động không nói nên lời, vẻ mừng mừng tủi tủi.


“Tía!”


Thơ cất giọng nghẹn ngào rồi sà vào lòng cha. Người đàn ông già nua bởi đốt lò quanh năm cay cay sóng mắt, bàn tay khô sần đỡ lấy con gái. Nhưng ngay lập tức ông biểu Thơ nhanh chân về nhà cách dây chuyền làm gạch độ mấy trăm thước vì bầu không khí trong nhà máy lúc này nóng nực như nung như thiêu.


Chiều hôm đó ăn bữa cơm đoàn tụ, Luân cũng được gia đình Thơ mời tới chung vui. Gọi là gia đình nhưng thiệt chỉ còn hai cha con mà mấy năm qua Thơ lại chu du bên bờ kia đại dương bởi khát khao khám phá vùng đất mới. Kể về chuyến lao động kỳ nghỉ sang Úc mà hai năm trước người con gái quyết lòng đăng ký làm hồ sơ đi, Thơ không dám hé môi về những ngày vất vả khổ cực thức khuya dậy sớm việc chẳng ngơi tay vì sợ cha cô xót lòng xót dạ. Cô chỉ bảo mình rất nhớ tía, nhớ nhà.


Lúc đi dạo bên bờ kè sông trong buổi chiều se se gió mát, nhìn sóng nước dòng Cổ Chiên đục ngầu miên mải phù sa, Luân hỏi: Vậy còn Luân thì sao hả Thơ?


Dù hiểu ý Luân đang hỏi mình có nhớ tới anh không nhưng Thơ vẫn giả đò hổng hay hổng biết. Cô mỉm một nụ cười ý nhị rồi nhìn ra mênh mông lộng gió, vài chiếc tàu máy xình xịch xé nước, nhỏ bé giữa bao la dòng chảy không biết đâu là điểm cuối cùng. Mặt trời dần chìm xuống chân mây đỏ ối. Từ đây nhìn vương quốc gạch gốm thật trầm mặc, cổ kính. Mỗi lò như một khối tháp bằng sa thạch, uy nghi soi mình trước gương nước lặng lờ trôi. 
Sốt ruột vì không thấy Thơ đáp lời mình, sợ cô không nghe thấy, Luân gãi đầu lập bập hỏi lại. Lần này rành rọt hơn: “Chứ Thơ có nhớ Luân không?”


Thơ lại im lặng rảo bước mặc kệ tâm trạng người con trai ngổn ngang. Nhìn vẻ mặt hơi vụng về, ngờ nghệch của Luân, Thơ nhớ lại thời khắc đầu tiên hai người gặp nhau cách đây mấy năm khi cha cô sau một chuyến đi đến tỉnh bên đã dẫn về một thanh niên lạ mặt. Nhìn vẻ rụt rè nhưng thật thà chất phác, Thơ dí dỏm bước tới làm quen. Cô tinh nghịch nhìn Luân rồi nháy mắt kèm một lời như trêu ghẹo:


“Mèn đét, hồi này màu da nâu đang thịnh lắm. Coi anh nam tính quá chừng!”


Trái với sự dạn dĩ của Thơ, Luân nhát cáy đứng gãi đầu không dám đáp nửa câu. Chừng khi cha Thơ gọi, anh như được giải vây chạy về phía lò gạch. Đây là người làm công đến thử việc mà cha Thơ mới mộ thêm. Ân cần hướng dẫn từng khâu với Luân xong, ông chủ lò gạch dặn người chuẩn bị cho anh một chỗ ăn ngủ ngay trong nhà máy.
Luân tuy còn trẻ tuổi nhưng đã tỏ ra là người hiểu chuyện.

Từ ngày đến làm việc, anh tháo vác chăm chỉ, chịu khó học hỏi và tỉ mẩn, cẩn trọng đến từng việc nhỏ nhất khiến người nghiêm khắc với nghề như cha Thơ cũng thấy hài lòng. Nhiều lần ông khen Luân trước mặt Thơ, khiến cô nàng đối với người thợ gạch mới của cha cũng có nhiều ấn tượng tốt.


Ông Lâm cha Thơ rất coi trọng nghề làm gạch. Không chỉ vì sự nghiệp đó còn là kỷ niệm của ông về một thời khốn khó được người chủ lò này lúc sinh tiền dang tay cưu mang giúp đỡ để ông có được ngày hôm nay. Sinh ra từ phố biển miền Trung nơi bão lũ thăm ghé triền miên, cha mẹ qua đời trong một lần đi ghe ra vùng nước sâu gặp cơn bão động, cha Thơ vì hoàn cảnh mà trở thành lưu lạc.

Ông xin làm thuyền viên cho tàu cá, mười mấy tuổi đã biết bao lần ra khơi. Từng đối mặt hàng bao cơn sóng dữ, bão lớn bão nhỏ, ông tự rèn cái chất cần cù, gan dạ. Đó cũng là tính cách của người vạn chài quê hương ông, sau này cũng cần khi làm nghề gạch.

Ấy rồi số trời run rủi, trong một lần đánh bắt qua cửa Định An, tàu cá của ông đang làm thuê bị phá nước. Tất thảy đều trôi theo dòng chảy mênh mông. May nhờ ông kịp thời tháo được tấm ván gỗ mà lênh đênh rồi dạt vào một cù lao. Ông ngoại Thơ lúc đó đang tìm nguồn đất sét tại đây, nghe hoàn cảnh của cha Thơ, đã không ngần ngại mời ông về làm thợ phụ cho lò gạch. 


Thấy người thợ được việc lại siêng năng, ông ngoại Thơ hết lòng quý mến. Lâu ngày dài tháng đã xem cha Thơ như con cháu trong nhà. Sau này, cha mẹ Thơ nảy sinh tình cảm, gia đình cũng tác thành tổ chức cưới hỏi cho đôi trẻ về ăn ở với nhau. Mẹ Thơ là con một nên hồi ông ngoại mất đã giao lò lại cho cha Thơ kế tục. Nhà máy hiện giờ là cơ nghiệp ba đời của ông ngoại Thơ để lại cho con.


Có lẽ như nhìn thấy mình một lần nữa trong Luân mà cha Thơ đã mang anh về đây. Luân lớn lên trong viện mồ côi, mười bảy tuổi đã làm bạn chòi cho một chủ đáy hàng khơi ngoài cửa biển. Đận đó bão quét, cả hàng đáy tan nát, Luân may mắn kịp lúc được bạn ghe rước về.

Chủ hàng đáy sau chuyến đó phá sản, Luân thất nghiệp, đi làm bốc vác cho cửa hàng vật liệu xây dựng. Một lần cha Thơ đích thân đi giao gạch cho đại lý của mình đã vô tình biết Luân. Có lẽ trong cuộc đời này điều bất ngờ nhất là những mối nhân duyên, những người có sự đồng thanh tương ứng nào đó thì thể gì cũng gặp.


Mà nghề làm gạch, tuy chẳng khó nhưng chưa bao giờ là dễ. Hồi mới về lò, Luân lóng nga lóng ngóng, để gạch hư gạch bể cũng nhiều. Cha Thơ chẳng những không rầy mà còn từ tốn chỉ dẫn. Lấy hết kinh nghiệm của một đời lao động, ông trao truyền hết lại cho Luân. Tỷ như lúc gạch còn mềm người thợ phải nâng niu, nhẹ nhàng từng thao tác để đảm bảo tiến độ và tính thẩm mỹ ra sao. Khi gạch đã được phơi qua nắng, nung qua lửa ròng rã nhiều ngày đêm thì có lúc cũng cần thử thách để tìm ra và loại bỏ những viên không đạt chất lượng.


Luân là người sáng dạ nên học rất mau biết. Từ lúc nghiền đất cho đến khi ra mẻ gạch thành phẩm, khâu nào anh cũng lành nghề. Mỗi lần ra thăm nhà máy của cha, Thơ lại thấy Luân đứng thợ ở một vị trí khác nhau. Có lúc ngồi trên xe cuốc xúc đất cho máy nghiền ăn. Khi lại đứng cắt gạch thô, canh chừng nối những sợi kẽm bị đứt.

Vài lần cô tới lại thấy anh đang phơi gạch, rồi có bận không thấy đâu mới biết Luân canh lửa lò nung. Mỗi lần gặp Thơ, dù đang mệt cỡ mấy Luân cũng cười thật tươi. Mồ hôi lấm tấm trên gương mặt rám nắng mà hàm răng anh thì trắng. Mái tóc bồng bềnh phấp phới, cơ bắp vạm vỡ phanh ra khi anh đứng lên cúi xuống dỡ gạch chất lên xe rồi đẩy vào lò. Mấy lần Thơ đứng nép vào những lối gạch chăm chú nhìn người thanh niên.

Dường như những thiệt thòi phải chịu chưa bao giờ quật ngã được anh, chính nguồn năng lượng mạnh mẽ đó thu hút Thơ, khiến Thơ để ý. Dần dà từ mối quan hệ chủ thợ họ trở thành bạn bè rồi cũng sinh lòng cảm mến lúc nào không hay. Từ ngày má mất sớm, chỉ còn hai cha con Thơ nương tựa vào nhau, cuộc sống của Thơ lặng lẽ, có phần đơn độc. Sự xuất hiện của Luân giống như một làn gió mát thổi qua thế giới của cha con cô, làm đầy dần những khoảng trống và túng thiếu.

Như những lần buồn bực Thơ có thêm một người để tâm sự, vài khi chán nản có thêm một người để động viên. Luân tuy ít nói, có phần cục mịch nhát gan nhưng bù lại rất khéo làm trò và đồ chơi để vỗ về trẻ nhỏ. Với Luân, Thơ vẫn là một cô bé rất trẻ con. Mà hồi còn ở cô nhi viện, Luân rất có kinh nghiệm dỗ dành của một người anh lớn luôn dạt dào tình cảm.


Vậy mà hai năm trước Thơ nói sẽ đi nước ngoài là đi. Cô bảo muốn thử xem khả năng sinh tồn của mình đến đâu, cứ được bảo bọc mãi cô thấy mình gần như vô dụng. Giờ Thơ hãy còn trẻ, phải để mình thử sức, huống hồ cô yêu thích cái đất nước có chỉ số đáng sống cao ngất ấy vô cùng. Sau khi sang đó rồi Thơ mới hiểu chẳng có nơi nào đáng sống cho bằng chỗ có người ta yêu thương.

Đồng tiền bên ấy dễ kiếm lại có giá trị cao nhưng chẳng có đồng tiền nào đến từ sự ăn không ngồi rồi cả. Lao động chân tay hay trí óc thì đều phải chăm chỉ cật lực mới tạo ra của cải vật chất cho đời. Suy cho cùng cuộc sống có vất vả, nhưng chính khoảng thời gian đó đã rèn dạy Thơ. Mà bài học quan trọng nhất mà cô học được có lẽ là phải biết trân trọng những gì mình đang có. Và trong số đó có người con trai đang ở ngay phía sau mình. Chỉ cần Thơ quay lại, sẽ ngay lập tức thấy Luân.


Nhưng vẫn cái vẻ tinh nghịch cũ, Thơ đáp cô lúc nào cũng nhớ… hết các anh em trong lò gạch nhà cô. Rồi hỏi đùa: “Chứ mấy năm nay Luân đã để ý được ai chưa vậy?”. Người con trai lại bẽn lẽn gãi đầu nhưng giọng nói thật rắn rỏi: “Thì… vẫn luôn đợi người từ châu Đại Dương trở về”.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh