Trẻ em Việt Nam đang đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng 

16:52, 24/10/2024
Bữa ăn học đường có vai trò quan trọng trong phát triển trí lực, thể lực và chiều cao của trẻ.
Bữa ăn học đường có vai trò quan trọng trong phát triển trí lực, thể lực và chiều cao của trẻ.

Suy dinh dưỡng (DD) thể thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất DD là 3 gánh nặng về DD mà trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt.


Thông tin được PGS.TS Trần Thanh Dương- Viện trưởng Viện DD (Bộ Y tế) cho biết tại hội thảo quốc tế DD người Việt, chủ đề DD học đường do Bộ Y tế, Hiệp hội DD Nhật Bản và Viện DD TH vừa tổ chức.


Tại hội thảo, TS Nguyễn Phương Mai- chuyên gia về khoa học não bộ ở Hà Lan thông tin, DD không hợp lý, quá nhiều nước ngọt có ga, xiên bẩn, đồ ăn nhanh... không chỉ ảnh hưởng thể lực mà còn ảnh hưởng trí lực của trẻ. Đã có nghiên cứu xác định trẻ em ăn uống nhiều thực phẩm bẩn, không lành mạnh, khả năng giải toán giảm đến 20%. Thức ăn không chỉ là DD để nuôi sống cơ thể mà còn là năng lượng cho bộ não. Giải pháp của vấn đề này là giáo dục DD cho trẻ ngay từ trường học, dạy trẻ từ bé về thức ăn và lối sống lành mạnh.


Theo số liệu điều tra toàn quốc năm 2023, tỷ lệ suy DD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi của Việt Nam là 18%, thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ suy DD thể thấp còi trẻ em dưới 20%- mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Song, tỷ lệ này vẫn còn cao ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.


Bên cạnh đó, tất cả nhóm tuổi đều tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì. Trong đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, tức tăng gấp đôi sau 10 năm. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ thiếu vi chất DD vẫn cao, đặc biệt là sắt và kẽm.


Khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12, đây là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Vì vậy, vấn đề chăm lo DD cho trẻ em ở giai đoạn này rất cần thiết.


Chiến lược Quốc gia về DD giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ suy DD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15% vào năm 2030, đồng thời kiểm soát tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Tăng cường giáo dục DD trong nhà trường. Mục tiêu là năm 2025, có 60% trường học ở khu vực thành thị và 40% ở khu vực nông thôn tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị.


Để cải thiện DD, giúp trẻ phát triển chiều cao và đạt được các mục tiêu đề ra, theo PGS.TS Trần Thanh Dương, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức DD để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm DD lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ DD cho trẻ em.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh