Cần giải pháp đồng bộ đưa đô thị thoát khỏi tình trạng ngập úng. |
Tình trạng ngập úng xảy ra ở nhiều đô thị (ĐT), trong đó có các ĐT ĐBSCL. Không chỉ gây bất tiện cho việc đi lại, sinh hoạt và mua bán của người dân, ngập úng còn gây thiệt hại kết cấu hạ tầng, ảnh hưởng môi trường và phát triển kinh tế. Trong bối cảnh quá trình ĐT hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, đặt ra yêu cầu cần có giải pháp chống ngập căn cơ, hữu hiệu cho các ĐT.
Nâng cao năng lực chống ngập
Thực tế cho thấy, tình trạng ngập ĐT nhiều tỉnh, thành ĐBSCL diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Hiện các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống ngập, kết hợp chỉnh trang ĐT.
Điều khiển xe qua một đoạn đường của TP Vĩnh Long bị ngập sau cơn mưa lớn, anh Trịnh Văn Thanh ở Tân Hạnh (huyện Long Hồ) nói: “Đi đường ngập tiềm ẩn nguy hiểm vì xe lớn xe nhỏ phải chen chúc nhau, giao thông hỗn loạn, không biết chỗ nào có bậc cao, hố sâu để tránh như lúc trời không mưa. Chưa kể ngập sâu còn làm xe chết máy, hư hỏng… Về lâu dài, cần có giải pháp chống ngập”.
Theo ghi nhận tại TP Vĩnh Long, sau những trận mưa lớn tầm 30 phút trở lên thì một số tuyến đường nội ô xảy ra tình trạng ngập cục bộ. Đặc biệt, những đợt mưa lớn kết hợp triều cường vào mùa mưa lũ thì càng ngập nặng, có đoạn đường ngập tới 0,5m. Để cải thiện tình trạng này, thời gian qua, TP Vĩnh Long và các ĐT khác của tỉnh được quan tâm đầu tư hạ tầng như nâng cấp mở rộng đường, xây mới và nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng bờ kè, đê bao chống ngập…
Qua đó, giúp nhiều khu vực ĐT giảm thiểu và thoát khỏi tình trạng ngập úng. Tuy nhiên, sở dĩ tình trạng ngập cục bộ ở các ĐT vẫn còn xảy ra là do hạ tầng được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, năng lực thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh, còn do ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, xả rác, xây cất lấn chiếm, thu hẹp đường thoát nước. Đặc biệt còn do lượng mưa tăng, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu…
Góc nhìn chuyên gia
Cho rằng Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với lượng mưa có xu hướng tăng mạnh, ông Norihide Tamoto- chuyên gia JICA/cố vấn chính sách thoát nước tại Bộ Xây dựng Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo chính sách của Nhật Bản để đưa ra những giải pháp phòng chống và ứng phó kịp thời tránh ngập úng ĐT.
Ông cho biết, tại Nhật Bản, việc phát triển hệ thống thoát nước ban đầu tập trung vào việc tiêu thoát nước mưa trong thành phố một cách nhanh chóng. Việc này cũng nhằm tránh tình trạng điều kiện vệ sinh xuống cấp do nước mưa đọng lại kéo dài trong thành phố. Vì vậy, tại Nhật Bản, các dự án xây dựng công trình thoát nước, xử lý nước thải trong đó có thoát nước mưa thuộc trách nhiệm của Chính phủ (bao gồm cả chính quyền địa phương). Chính quyền địa phương sở hữu và quản lý kết cấu hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải và chịu trách nhiệm cuối cùng về hoạt động của các kết cấu hạ tầng đó.
Trên thực tế, lượng mưa có xu thế thay đổi trong những năm gần đây và việc phòng ngừa thiệt hại do ngập lụt ngày càng trở nên khó khăn hơn nếu chỉ giải quyết bằng cách lắp đặt đường ống và máy bơm để thoát nước mưa. Do đó, căn cứ của các chính sách gần đây ở Nhật Bản là kết hợp “các giải pháp cứng” (như phát triển cơ sở vật chất) và “các giải pháp mềm” (như cung cấp thông tin, khuyến khích sơ tán đến khu vực an toàn) trong khi vẫn tận dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có.
Bên cạnh đó là chính sách ưu tiên các giải pháp cho các khu vực quan trọng như các khu vực tập trung nhiều chức năng ĐT. Như vậy, có thể nói, cách tiếp cận cơ bản trong chính sách thoát nước mưa ĐT ở Nhật Bản là sự kết hợp và ưu tiên các giải pháp.
Luật Thoát nước Nhật Bản nêu rõ “phát triển lành mạnh các thành phố” là một trong những mục đích của luật, được hiểu là bao gồm cả việc phòng chống ngập úng ĐT. Để đạt được mục tiêu này, hệ thống thoát nước, bao gồm đường ống nước mưa, các công trình lưu trữ, trạm bơm và các công trình có khả năng thấm nước mưa đã được phát triển trong nhiều năm.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thiệt hại do ngập lụt gây ra bởi biến đổi khí hậu và các yếu tố khác ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều chính sách mới đã được đưa vào luật, bao gồm các nội dung như: lượng mưa dự kiến; xác định các khu vực ưu tiên cao, chẳng hạn như các khu ĐT, làm “vùng giải pháp” và đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng để lưu trữ và thấm nước mưa phục vụ chống ngập…
Xây dựng bờ kè, đê bao, tăng cường công tác dự báo… để giảm thiểu và phòng chống ngập úng. |
Từ việc chia sẻ các giải pháp chống ngập ĐT của Nhật Bản, ông Norihide Tamoto đưa ra một số gợi ý cho Việt Nam. Theo đó, mỗi tỉnh, thành phố cần phải có quy hoạch thoát nước riêng. Bên cạnh, cần ban hành hoặc sửa đổi các luật và quy định làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch cho địa phương cũng như các hướng dẫn kỹ thuật về quy trình xây dựng. Ông cho rằng, sẽ có hiệu quả nếu các kế hoạch này đặt ra các mục tiêu, chẳng hạn như “lượng mưa dự kiến” và xác định các khu vực cần thực hiện các công trình ưu tiên.
Ông cũng cho rằng, nên thành lập các hội đồng hoặc diễn đàn để các bên liên quan trao đổi ý kiến thống nhất các biện pháp ứng phó thiệt hại do ngập úng. Đồng thời, cần khẩn trương phát triển kết cấu hạ tầng để đáp ứng với tốc độ ĐT hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng, nhưng quan trọng là phải quản lý kết cấu hạ tầng một cách hiệu quả.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin