Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sản phẩm an toàn sức khỏe, thân thiện với môi trường. |
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc người tiêu dùng (NTD) sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường dần trở thành xu hướng, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường, hướng đến một lối sống xanh.
Lan tỏa từ những hành động nhỏ
Tiêu dùng xanh được hiểu là việc mua và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất đều không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên. NTD đang dần ưu tiên sử dụng các thực phẩm sạch, không có chất bảo quản, có nguồn gốc rõ ràng; giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, nhựa; thanh toán không dùng tiền mặt hay nhận hóa đơn trực tuyến… góp phần làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Khi rời khỏi nhà, em Phạm Nhật Hồng- sinh viên năm 2, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, thường mang theo túi xách bằng vải, một bộ ly, ống hút bằng inox để đựng đồ uống trong ngày. “Em đang tập thói quen nói không với túi nilon và các loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Việc làm nhỏ sẽ góp phần giúp thế giới sạch, đẹp hơn”- em Hồng nói.
Thu gom, phân loại, ép nhỏ chai nhựa để tạo ra những vật dụng hữu ích, chương trình “đổi chai nhựa lấy sen đá” của Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long đã thu hút nhiều sự quan tâm, tham gia của NTD. Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, cho biết: “Chương trình mong muốn lan tỏa ý thức thu gom, tái chế nhựa đến cộng đồng NTD khi tham quan, mua sắm tại siêu thị. Ngày thường siêu thị sẽ bố trí 6 thùng rác tự phân loại tại nhiều khu vực, với sức chứa khoảng 5kg chai nhựa để tạo thói quen phân loại rác tại nguồn cho khách hàng. Hoạt động này dự kiến sẽ được tổ chức định kỳ 1 lần/tháng. Cứ mỗi 10 chai nhựa rỗng mà khách hàng mang đến, cho chúng vào máy ép được bố trí tại sảnh siêu thị, khách sẽ đổi lấy 1 cây sen đá hoặc 1 hộp sữa. Sau đó chai nhựa sẽ được chuyển đến các đơn vị xử lý, tái chế rác thải, số tiền mà chúng tôi bán nhựa cho đơn vị tái chế sẽ gây quỹ hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn”.
Thời gian qua, bên cạnh việc chuyển đổi sử dụng túi nilon khó phân hủy sang túi tự hủy, Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long đã khuyến khích khách hàng “sống xanh”, xây dựng thói quen sử dụng túi môi trường, túi có thể tái sử dụng nhiều lần… bằng cách tặng điểm thưởng cho khách hàng khi mua sắm tại điểm bán trực tiếp trong chương trình “Ngày không túi nilon!”.
Đang hướng dẫn con cho chai nhựa vào máy ép nhựa tại siêu thị, chị Trần Ngọc Quyên (Phường 3, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Trước đây sau mỗi lần uống nước, các con hay vứt vỏ chai vào thùng rác. Giờ đây con học được cách rửa sạch, tháo nắp chai, xếp gọn vào góc nhà để đợi ngày mang đến siêu thị đổi cây hoặc sữa. Tôi hy vọng chương trình sẽ tiếp tục duy trì, giúp các con hình thành thói quen bảo vệ môi trường thêm xanh,
sạch, đẹp”.
Góp phần bảo vệ môi trường
Việc chuyển hướng sang các giải pháp bảo vệ môi trường đã trở thành xu hướng chung trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng cũng không đứng ngoài cuộc. Chị Trần Diệp Bích Thanh- chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Xanh- Phú An Khang (xã Long Phước, huyện Long Hồ) cho hay: “NTD ngày càng quan tâm hơn với những sản phẩm vật liệu xây dựng có kết cấu nhẹ, có khả năng tái sử dụng cao. Trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay có rất nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, từ nguồn gốc nguyên vật liệu đến quy trình sản xuất, vừa thể hiện tính truyền thống, vừa mang nét đẹp hiện đại. Cạnh đó, các giải pháp và thiết bị nội thất thông minh như đèn năng lượng cảm biến sẽ tự động tắt, mở vào ban đêm; khóa cửa thông minh thay thế ổ khóa truyền thống, được tích hợp các công nghệ tiên tiến như kết nối bluetooth, wifi, mã pin, vân tay… Máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời cũng được NTD ưa chuộng trong thời gian qua”.
Vận hành máy cảm biến ép nhựa trong chương trình “đổi chai nhựa lấy sen đá” tại Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long. |
Trước tác động của biến đổi khí hậu, môi trường ô nhiễm và nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, xu hướng sử dụng xe điện ngày càng được quan tâm. Theo anh Nguyễn Hoàng Hiệp- chủ cửa hàng Hiệp Huệ (Phường 3, TP Vĩnh Long): “Khoảng 5 năm trở lại đây, NTD sử dụng xe điện dần phổ biến hơn, không chỉ dành cho học sinh mà còn phù hợp với nhiều lứa tuổi, công việc khác nhau. NTD chọn xe đạp điện nếu có nhu cầu di chuyển ngắn, hoặc đi xa hơn sẽ chọn xe gắn máy điện vì giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu, không gây tiếng ồn và khả năng bảo vệ môi trường”.
Cạnh đó, xe ô tô điện cũng được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu mua xe ô tô của người dân tăng cao. Các nhà sản xuất đã đưa ra thị trường nhiều dòng xe ô tô kết hợp giữa động cơ xăng, điện và các dòng xe ô tô điện với đa dạng kiểu dáng. Hệ thống trạm sạc dành cho ô tô điện “phủ sóng” từ thành thị đến nông thôn, góp phần đáp ứng nhu cầu của NTD, hướng đến xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường.
Theo các chuyên gia, tiêu dùng xanh mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, không ít NTD dù đã quan tâm đến yếu tố tiêu dùng bền vững, nhưng quyết định chi tiêu của họ vẫn bị chi phối bởi giá cả hay tính trào lưu. Do đó, cần nhiều nỗ lực từ các doanh nghiệp để lan tỏa mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng xanh. Đồng thời, cần có những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ NTD, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng
môi trường.
- Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin