THỰC HIỆN QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN:
Ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư

09:57, 09/10/2024
Bài, ảnh: NAM ANH
Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo mô hình mạng lưới. Trong ảnh: Một góc TP Vĩnh Long.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch (QH) hệ thống đô thị (ĐT) và nông thôn (NT) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND các địa phương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư thực hiện QH.

Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển ĐT (Bộ Xây dựng)- Lê Hoàng Trung, QH hệ thống ĐT và NT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong 39 QH ngành quốc gia được định hướng bởi các QH quốc gia và song song tích hợp với các QH ngành khác như QH ngành kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Theo đó, QH hệ thống ĐT NT đã cụ thể hóa QH tổng thể quốc gia về hệ thống ĐT và NT trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan...

TS Phạm Thị Nhâm- Phó Viện trưởng Viện QH ĐT NT quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết, điểm mới của QH lần này là đề cập cả khu vực ĐT và NT trước thực trạng ĐT hóa nhanh. QH đã gắn kết tất cả nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đề cập đến một số vấn đề lớn như: vùng ĐT, những ĐT và trung tâm ĐT quốc gia…

QH đặt mục tiêu tỷ lệ ĐT hóa năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt 70%; số lượng ĐT toàn quốc khoảng 1.000-1.200 ĐT; hình thành một số trung tâm ĐT cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục- đào tạo, văn hóa, thể dục thể thao, có thu nhập tương đương mức bình quân của các ĐT thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực ĐT đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%; xây dựng được mạng lưới ĐT thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 ĐT có thương hiệu tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

QH định hướng có sự liên kết giữa ĐT và NT, lựa chọn một số ĐT lớn trở thành cực tăng trưởng chủ đạo, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác. Theo QH, định hướng phát triển 4 vùng ĐT: vùng ĐT Hà Nội, vùng ĐT TP Hồ Chí Minh, vùng ĐT Đà Nẵng, vùng ĐT Cần Thơ. Trong đó, Vĩnh Long thuộc vùng ĐT Cần Thơ gồm TP Cần Thơ và các ĐT lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Theo đó, xây dựng TP Cần Thơ là cực tăng trưởng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL; cùng với các ĐT Long Xuyên, Rạch Giá, Cao Lãnh, Vĩnh Long trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục- đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học- công nghệ, văn hóa, thể thao của cả vùng gắn với hệ sinh thái vùng ĐBSCL.

Khai thác trục giao thông kết nối Cần Thơ- Mỹ Thuận- Trung Lương- TP Hồ Chí Minh và Châu Đốc- Cần Thơ- Hậu Giang- Sóc Trăng để tập trung phát triển ĐT, tạo sự lan tỏa tới các khu vực khác trong vùng.

Khai thác trục cao tốc Lộ Tẻ- Rạch Sỏi qua Cao Lãnh, Mỹ An (Đồng Tháp)- Đức Hòa (Long An) song song với tuyến Cần Giờ- Mỹ Thuận- Trung Lương- TP Hồ Chí Minh để tập trung phát triển ĐT, tăng cường liên kết phát triển kinh tế- xã hội trong vùng ĐT Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đảm bảo việc phát triển các ĐT Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long (khu vực phát triển động lực trung tâm vùng ĐBSCL) thành điểm hội tụ của các hành lang phát triển trên hành lang vận tải quan trọng của vùng.

QH cũng xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực thực hiện; các chương trình dự án quan trọng quốc gia, lộ trình thực hiện; các chỉ tiêu, định hướng phát triển ĐT, NT thời kỳ đến năm 2030.

 

Để tổ chức thực hiện hiệu quả QH, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để tổ chức thực hiện QH; nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia về xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết ĐT và phát triển ĐT, phát triển kết cấu hạ tầng ĐT.

Bên cạnh, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư, thúc đẩy hợp tác đầu tư, hình thành mạng lưới ĐT, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật ĐT, triển khai các dự án nâng cấp, phát triển ĐT, các dự án phát triển ĐT thích ứng biến đổi khí hậu, ĐT thông minh trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chủ động phân bổ ngân sách địa phương hàng năm và trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án thuộc QH.

Vĩnh Long triển khai thực hiện quy hoạch

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời đã có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai nội dung Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt QH hệ thống ĐT và NT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện theo một số giải pháp, nguồn lực trọng tâm, trong đó xây dựng các hành lang pháp lý để hình thành các chương trình đột phá về đầu tư xây dựng, cải tạo, tái phát triển ĐT.

Thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước về đầu tư công và các nguồn vốn hợp pháp khác. Xây dựng cơ chế phát triển hạ tầng ĐT bằng nhiều nguồn vốn, khuyến khích sự tham gia của các khu vực ngoài nhà nước. Đổi mới công tác quản lý đất đai và phát triển thị trường bất động sản; tiếp tục hoàn chỉnh và đổi mới chính sách về nhà và đất ĐT để ổn định đời sống và tạo nguồn lực phát triển ĐT, xây dựng NTM.

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát QH tỉnh đã được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư để tổ chức thực hiện QH.

Bài, ảnh: NAM ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh