Ngày 26/10, trong phiên thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất với đề nghị của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban kinh tế về sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB.
Sự cần thiết bổ sung vốn cho VCB
Qua nghiên cứu tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, tôi thống nhất về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB, tờ trình thể hiện rõ những điểm quan trọng sau:
Về phương án tăng vốn: Vốn điều lệ hiện nay của VCB là 55.891 tỷ đồng. VCB đề xuất được tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 số tiền 27.666 tỷ đồng (theo tỷ lệ làm tròn 49,5%/vốn điều lệ hiện nay), trong đó phần vốn bổ sung của cổ đông Nhà nước là 20.695 tỷ đồng. Vốn điều lệ của VCB sau khi được tăng vốn là 83.557 tỷ đồng.
Nguồn vốn mà VCB đề xuất để tăng vốn điều lệ là từ phần lợi nhuận giữ lại hàng năm sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (NSNN). Do vậy, không ảnh hưởng đến kế hoạch thu NSNN, không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia.
Sự cần thiết phải tăng vốn: VCB hiện là ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động hiệu quả nhất và có chất lượng tài sản tốt nhất. Để có dư địa mở rộng quy mô cấp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tài trợ cho các dự án trọng điểm quốc gia… cần tăng quy mô vốn điều lệ cho VCB. Trường hợp VCB phải tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt thay vì trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ như đang đề xuất thì quy mô tín dụng của VCB phải giảm khoảng 280 ngàn tỷ, đương đương giảm 13% để tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) duy trì mức tối thiểu 8% theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong số các NHTMNN, VCB hiện có hệ số an toàn vốn cao nhất nhưng so với các ngân hàng lớn trong khu vực, tỷ lệ này còn khiêm tốn và so với mục tiêu chiến lược của ngành ngân hàng, của VCB thì còn khoảng cách CAR của VCB hiện khoảng 11%, các NHTM trong khu vực 15-16%, mục tiêu của VCB là 13.5%. Việc tăng vốn điều lệ, tăng hệ số an toàn vốn nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của VCB, của ngành ngân hàng với các Ngân hàng trong khu vực.
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua (2019-2023), tổng tài sản của VCB tăng trưởng với mức bình quân từ 10,6%/năm đến 14,6%/năm; tỷ lệ nợ xấu năm 2023 là 0,99% (kiểm soát dưới 1%); lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 26%/năm. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản, vốn chủ sở hữu (ROA, ROE) bình quân ở mức xấp xỉ ở mức 1,6% và 23%. VCB được Chủ sở hữu (NHNN) đánh giá xếp loại A liên tục các năm.
Đóng góp lớn nhất cho NSNN: Thực tế, trong 10 năm qua (2014-2023), tổng số nộp NSNN của VCB đạt trên 71.000 tỷ đồng, trong đó thuế nộp NSNN đạt khoảng 53.000 tỷ đồng, tổng cổ tức bằng tiền mặt nộp vào NSNN đạt khoảng 18.500 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ tính riêng 3 năm 2021, 2022, 2023, VCB đã nộp vào NSNN khoảng 29.000 tỷ đồng; đồng thời, luôn tiên phong tích cực đồng hành chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân…
VCB luôn thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế, tích cực triển khai các chương trình, sản phẩm cho vay hỗ trợ khách hàng theo định hướng ưu tiên và các chương trình của Chính phủ, NHNN; thực hiện các chính sách giảm phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19. VCB cũng được biết đến với hình ảnh ngân hàng xanh phát triển bền vững vì cộng đồng thông qua hàng loạt các chương trình an sinh xã hội hàng năm.
Đặc biệt, thời gian qua, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 và lũ lụt tại các tỉnh thành phía Bắc, để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, VCB đã giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/09/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh với dư nợ khoảng 130 ngàn tỷ, số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng.
Phát huy vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính ngân hàng
Từ những lý do trên, thống nhất với đề nghị Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban kinh tế về sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB như sau:
Thứ nhất, việc tăng vốn của VCB là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp VCB phát huy vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ nhằm phát huy vai trò chủ đạo, chủ lực của kinh tế Nhà nước.
Thứ hai, tỷ lệ CAR của VCB tại 31/12/2023 khoảng 11%, tuân thủ quy định hiện hành và cao hơn các NHTMNN khác, tuy nhiên vẫn đang thấp hơn so với các NHTM cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á. Với vai trò định hướng là chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; VCB hướng tới mục tiêu đáp ứng CAR theo Basel III (đến năm 2026 là 13,5%) và theo đó, vốn tự có và vốn điều lệ của VCB cần tiếp tục được củng cố.
Thứ ba, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo tiền để VCB mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ cho ngân hàng số, nâng cao chất lượng dịch vụ… tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế.
Thứ tư, tăng vốn điều lệ là cơ sở để VCB nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cấp tín dụng để tài trợ cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt lớn. Theo quy định tại Điều 136 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người liên quan phụ thuộc vào vốn tự có. Do vậy, trường hợp VCB không được tăng vốn như đề xuất, VCB sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cấp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng Quốc gia có nhu cầu vốn đặc biệt lớn như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng Quốc gia, cầu đường, cảng biển…
Thứ năm, tăng vốn điều lệ tạo điều kiện để VCB có nguồn lực hỗ trợ các TCTD yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.
Thứ sáu, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ sẽ giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á (về tổng tài sản) theo mục tiêu Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ bảy, việc đầu tư vốn nhà nước vào VCB mang lại hiệu quả cho nhà nước do VCB có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng quy mô lợi nhuận hàng năm, từ đó tăng quy mô đóng góp cho NSNN.
Đề nghị Chính Phủ, NHNN phải đảm bảo việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB đúng thẩm quyền và VCB triển khai thực hiện có hiệu quả, từ đó tạo nguồn lực để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
B.THANH-Đ.THI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin