Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

05:49, 11/10/2024

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định, mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh mới. Đây là mục tiêu nhất quán và cũng là cam kết của Vĩnh Long đối với nhà đầu tư, DN đến với tỉnh tìm hiểu môi trường kinh doanh cũng như chọn Vĩnh Long làm điểm đến đầu tư của mình.

Trong thành tựu phát triển chung của tỉnh, lãnh đạo tỉnh luôn khẳng định vai trò lớn của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp vào tổng thu nhập nội địa, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội và các chương trình an sinh xã hội địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 DN. Khu vực DN đóng góp khoảng 38% GRDP và chiếm 15,07% tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển, nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng DN, doanh nhân đã và đang thực hiện. Cụ thể, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh ban Kế hoạch số 09, trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu có 510 DN thành lập mới; giảm số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động, phấn đấu đến cuối năm 2024 số DN giải thể tăng dưới 10% so với năm 2023.

Kế hoạch chú trọng cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là những vấn đề tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm nhằm củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của DN.

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển, nhất là các DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo, Vĩnh Long xác định việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) là một trong những nội dung quan trọng, được ưu tiên triển khai thực hiện trong kế hoạch hàng năm. Đây là thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải xác định rõ trách nhiệm, tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ, tạo chuyển biến rõ nét trong từng ngành, từng lĩnh vực; đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện chủ trương, chính sách từ tỉnh đến cơ sở. Đáng chú ý, người đứng đầu của các ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả thực hiện nhiệm vụ cải thiện PCI, PGI của địa phương, đơn vị mình.

TRẦN PHƯỚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh