Quản lý sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

06:37, 25/10/2024

Gần đây, người tiêu dùng Việt Nam biết đến Temu- sàn bán lẻ online xuyên biên giới của Trung Quốc, từ hàng loạt quảng cáo trên mạng xã hội. Với nhiều sự lựa chọn hàng hóa, giá rẻ, giao hàng nhanh… các sàn thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới đã và đang đặt doanh nghiệp sản xuất trong nước vào cuộc cạnh tranh mới gay gắt hơn.

Tại họp báo thường kỳ quý III do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/10, trả lời câu hỏi liên quan tới việc quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt gần đây là sự xuất hiện của sàn Temu, Thứ trưởng Bộ Công Thương- Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: “Theo quy định của Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về TMĐT thì các sàn giao dịch TMĐT khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký. Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường”.

Trước Temu, gã khổng lồ “thời trang siêu nhanh” Shein cũng tiếp cận thị trường Việt Nam. Từ năm 2018, người Việt Nam đã có thể mua hàng trực tiếp trên AliExpress của Alibaba. Bên cạnh AliExpress, Temu và Shein, một số sàn nội địa Trung Quốc như Taobao, 1688, Pinduoduo hay JD đang tạo điều kiện cho người Việt Nam nhập hàng trực tiếp. Ngoài ra, thị trường cũng xuất hiện những ứng dụng trung gian, cho phép người Việt Nam tìm sản phẩm, đặt hàng, thậm chí có tính năng trợ lý trí tuệ nhân tạo (AI) gợi ý sản phẩm đang bán chạy và lợi nhuận dự kiến trên các kênh.

Temu là sàn bán lẻ TMĐT xuyên biên giới được điều hành bởi công ty TMĐT Trung Quốc PDD Holdings. Một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là cách tiếp cận độc đáo nhằm trợ cấp chi phí vận chuyển.

Nhận định hàng hóa trên TMĐT hiện nay có giá rất thấp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước.

YÊN HƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh