Đại diện các nhà tài trợ đã hỗ trợ ngành y tế tỉnh hệ thống trang thiết bị tầm soát đột quỵ và các tài liệu truyền thông về nhận biết và phòng ngừa đột quỵ. |
Tuần lễ sức khỏe đột quỵ (ĐQ) vừa được Trung tâm Y tế huyện Mang Thít triển khai từ ngày 7-11/10 tại xã An Phước. Đây là địa phương được chọn làm thí điểm thuộc chương trình sức khỏe ĐQ của tỉnh. Mục tiêu của chương trình nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là dự phòng và giảm tỷ lệ ĐQ ngay tại tuyến y tế cơ sở.
Khám tư vấn, phòng ngừa đột quỵ
Chiều 7/10, UBND xã An Phước tổ chức hoạt động truyền thông để người dân nắm rõ các thông tin và nâng cao nhận thức phòng ngừa các nguy cơ ĐQ.
Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, ĐQ (tai biến mạch máu não) gây ra nguy cơ tử vong và tàn phế. Thống kê của Bộ Y tế, ĐQ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đây là điều đáng lo ngại vì trên thế giới, căn bệnh này chỉ xếp thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong (chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư). Còn tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong vì ĐQ đứng hàng đầu, vượt qua ung thư và tim mạch.
Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 200.000 ca bệnh ĐQ, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Riêng tại Vĩnh Long trong 7 tháng của năm 2024 có khoảng 1.000 trường hợp bị ĐQ. Trong đó 80% trường hợp ĐQ có thể dự phòng được.
Tại Trạm Y tế xã An Phước, ngành y tế tổ chức khám, sàng lọc và tư vấn bệnh lý ĐQ cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là người lớn tuổi, có bệnh nền. Cô Võ Thị Huệ (67 tuổi, ấp Thanh Thủy) cho biết: “Cô vừa được đo kiểm tra các chỉ số sức khỏe bằng máy và được bác sĩ xem, thăm khám giải thích rất kỹ. Cô bị cao huyết áp, bác sĩ dặn phải uống thuốc mỗi sáng; phải siêng tập thể dục; ăn ít chấm, ít muối lại, ăn đủ chất, đủ rau trái để có chất xơ và ngủ đủ giấc để khỏe hơn”.
Những bà con còn chưa biết nhiều về ĐQ và tầm quan trọng của việc tầm soát, phát hiện sớm cũng được các bác sĩ tận tình giải thích, giúp họ chủ động hơn trong việc phòng ngừa ĐQ não.
Được đo điện tim, bà Lê Thị Điệp (74 tuổi, ấp Thủy Thuận) cũng chăm chú nghe tư vấn của bác sĩ. BS Trần Phước Tấn- Trưởng Trạm Y tế xã An Phước, tư vấn: “Bà có nhịp tim nhanh, huyết áp đo 140 cũng có tăng nhẹ nên bà chú ý sức khỏe. Ở nhà bà nhớ đo huyết áp thường xuyên, uống thuốc và tái khám đúng hẹn. Người lớn tuổi có nhiều bệnh nền nên việc chú ý dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, uống thêm sữa, thể dục đều đặn sẽ giúp cho các ông bà khỏe tuổi già hơn”.
Còn ông Trần Văn Kiệt (70 tuổi, ấp Thanh Thủy) cho biết: “Ông có bị tai biến nhẹ, cũng bị thoái hóa cột sống, có tuổi rồi nên buông khám bệnh viện này lại tới bệnh viện khác. Nay được khám sức khỏe tại trạm y tế, được bác sĩ tư vấn để phòng ngừa ĐQ nên bà con thấy rất bổ ích. Có tuổi, thì việc nghe lời khuyên và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để vui khỏe, sống lâu. Nãy giờ ngồi chờ tới lượt mình khám, bác sĩ đều nhắc để phòng ĐQ thì cần kiểm soát huyết áp, tiểu đường, mỡ trong máu thì có thể giảm được rất nhiều nguy cơ gây ra ĐQ”.
Triển khai hiệu quả chương trình “Sức khỏe đột quỵ”
Theo Giám đốc Sở Y tế Hồ Thị Thu Hằng, Vĩnh Long phấn đấu đến hết năm 2025, tại mỗi huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 1 trạm y tế xã, phường, thị trấn triển khai hiệu quả chương trình “Sức khỏe ĐQ”, từ đó mở rộng quy mô chương trình, hướng đến thành lập mạng lưới quản lý ĐQ của tỉnh.
Cụ thể, trong năm 2024, ngành sẽ thí điểm triển khai chương trình tại Trạm Y tế xã An Phước (huyện Mang Thít), dựa trên kết quả đánh giá tính hiệu quả, khả thi của mô hình điểm, giai đoạn 2 (từ năm 2025 trở đi) sẽ nhân rộng và triển khai mô hình tại một số trạm y tế xã, phường, thị trấn khác.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng cho biết: “Chương trình Sức khỏe ĐQ trên địa bàn tỉnh được triển khai nhằm tầm soát những người có nguy cơ cao mắc bệnh lý ĐQ, hướng dẫn người dân hiểu rõ mình thuộc các nhóm nguy cơ, từ đó điều chỉnh chế độ sinh hoạt, điều trị các bệnh lý nền có liên quan. Thông qua hoạt động truyền thông sức khỏe của chương trình sẽ giúp người dân nhận biết rõ các dấu hiệu, cách xử lý khi gặp người có dấu hiệu ĐQ để giúp người bệnh đến cơ sở y tế sớm và phù hợp, góp phần giảm di chứng hoặc tử vong do ĐQ”.
Nhân viên y tế tư vấn kết quả khám sàng lọc nguy cơ đột quỵ cho người dân xã An Phước. |
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu của chương trình, ngành y tế sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân viên y tế và người dân hiểu được nguy cơ bệnh lý ĐQ, ý nghĩa và những việc cần làm để phòng ngừa. Ngành tăng cường tập huấn cho nhân viên y tế các tuyến để có thể sử dụng hiệu quả các trang thiết bị y tế được hỗ trợ và vận dụng những kiến thức chuyên môn được chuyển giao từ các chuyên gia để tư vấn và hướng dẫn người dân phòng ngừa, điều trị kịp thời.
Song song đó, ngành y tế tỉnh cũng liên thông, kết nối với các cơ sở y tế tuyến trên để có thể hỗ trợ về mặt chuyên môn khi gặp những trường hợp vượt quá khả năng điều trị ở cơ sở, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ điều trị phù hợp nhất.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin